22/11/2024 | 06:54 GMT+7, Hà Nội

Thị trường vật liệu xây dựng: Sẵn sàng để vươn ra thế giới

Cập nhật lúc: 20/12/2018, 21:50

Các chuyên gia đánh giá, theo đà tăng trường của thị trường bất động sản, năm 2018 là năm “được mùa” của ngành vật liệu xây dựng. Theo đó, ngành vật liệu xây dựng nước ta đã đủ sức để cạnh tranh với thị trường nhập khẩu và vươn ra thế giới về cả sản lượng, mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Dự báo trong thời gian tới, vật liệu xanh sẽ lên ngôi và thu hút các nhà đầu tư có xu hướng phát triển công trình xanh.

Phá vỡ "tổ kén" chật hẹp

Từ việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thậm chí phải nhập khẩu vật liệu xây dựng từ nước ngoài, những năm gần đây, Việt Nam đã xuất khẩu được một số loại vật liệu xây dựng cơ bản như xi măng, sắt thép, gạch ốp lát..., trở thành một trong ba quốc gia xuất khẩu xi măng lớn nhất thế giới. “Sức khỏe” của ngành vật liệu xây dựng ngày càng ổn định, đủ sức vươn mình ra thế giới.

Đánh giá về tình hình hình sản xuất tiêu thụ vật liệu xây dựng năm 2018 và dự báo năm 2019, ông Nguyễn Quang Hiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) chia sẻ, năm 2018, ngành sản xuất vật liệu xây dựng tiếp tục có sự phát triển, tất cả các chủng loại vật liệu xây dựng chủ yếu cơ bản đã thỏa mãn được nhu cầu tiêu dùng của xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước; đồng thời một số sản phẩm vật liệu xây dựng đã tham gia vào thị trường xuất khẩu. Một số loại sản phẩm giữ vai trò chủ đạo đã có sự tăng trưởng tốt như xi măng, kính xây dựng…

Đồng tình với nhận định trên, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam nhấn mạnh: “Sản xuất tốt, xuất khẩu tốt. Nói tóm lại năm 2018 là một năm được mùa của ngành vật liệu xây dựng”.

Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu xi măng, cdiver Việt Nam đạt mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây, lên mức 1,1 tỷ USD. Sản lượng xuất khẩu sản phẩm xi măng trong 9 tháng đầu năm đạt mức 23,28 triệu tấn, vượt từ 3 – 4 triệu tấn so với kế hoạch xuất khẩu cả năm 2018. Ba thị trường xuất khẩu chính của xi măng Việt Nam là Trung Quốc, Banglandesh và Philippines.

Xét về tổng sản lượng thực tế, Việt Nam sản xuất được 78 triệu tấn trong năm 2017, con số này tăng lên 83 triệu tấn vào năm 2018 và dự kiến, tổng sản lượng sản xuất của các nhà máy năm 2019 sẽ đạt gần 90 triệu tấn. Theo Global Cement, tính đến tháng 12 năm 2018, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về công suất lắp đặt sản xuất xi măng, tương đương với 148 triệu tấn mỗi năm, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Tương tự như sản phẩm xi măng, năm 2018, sản suất thép cũng tăng trưởng mạnh và ngày càng chiếm lĩnh thị trường nội địa, tiêu thụ nội địa đã tăng 27% và tỷ lệ tiêu thụ chiếm hơn 80%. Trong 9 tháng đầu năm 2018, sản xuất đạt17.645.918tấn,tăng14,4%so với cùng kỳ 2017. Lượng hàng bán ra đạt 15.948.879tấn,tăng23,4%so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt3.447.404 tấn,tăng31,5%.

Theo Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, nguyên nhân của việc xuất khẩu xi măng vượt kế hoạch đề ra và sản xuất thép tăng là do nền kinh tế trong nước được duy trì ổn định. Nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản đã được triển khai trong năm 2018. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ chú trọng, triển khai ngay từ những tháng đầu năm, tạo tiền đề tốt trong tăng trưởng của ngành.

Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội vật liệu xây dựng Việt Nam.

Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội vật liệu xây dựng Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Nga cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có cơ hội bứt phá bằng việc ứng dụng công nghệ vào để nghiên cứu và sản xuất ra các loại vật liệu mới, thân thiện với môi trường: “Nhờ công nghệ tốt mà có thể pha được phụ gia, chất độn với tỉ lệ cao. Trước đây, chỉ pha được 2%, bây giờ đã có thể pha được 40- 45%. Tỉ lệ đá vôi, xác núi giảm đi rất nhiều, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Với công nghệ bán khô, nguyên liệu không cần dẻo, mịn vẫn ép được, không cần phơi trước khi vào lò nung, toàn bộ nhiệt thoát ra khi nung được thu hồi sử dụng vào các công đoạn khác giảm được nhiều chi phí sản xuất, đặc biệt là sử dụng đất đồi và đất bãi ven sông, đất phế thải, phế thải công nghiệp: tro, xỉ nhiệt điện để sản xuất gạch. Loại gạch này được gọi là gạch đất nung. Đây là một bước tiến lớn về công nghệ sản xuất gạch.

Đủ sức cạnh tranh

Tại Hội nghị Toàn quốc về Vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, vật liệu xây dựng trong nước đã có sự phát triển phong phú về chất lượng, mẫu mã, giá cả cạnh tranh, được người tiêu dùng trong nước đón nhận. Nhiều thương hiệu vật liệu xây dựng trong nước đã có thể cạnh tranh được với các thương hiệu nước ngoài như Viglacera, Vicem, Erowindow…

Ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đã đủ sức cạnh tranh, không còn lo sợ trước hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Người tiêu dùng ngày càng tin tưởng và ưa chuộng vật liệu xây dựng nội địa.

Khảo sát gạch lát nền tại Hà Nội vào dịp cuối năm 2018, gạch lát có giá rẻ nhất thị trường là hàng Trung Quốc với mức giá 160.000 - 180.000 đồng/m2, gạch lát nền nhập khẩu từ Malaysia có giá 400.000 đồng/m2, Tây Ban Nha từ 600.000 – 1,1 triệu đồng/m2 và hàng nội địa có giá từ 200.000 - 300.000 đồng/m2. Như vậy, giá của hàng nội địa cũng hết sức cạnh tranh với những thị trường nhập khác khi nằm ở mức trung bình. Tuy các sản phẩm của Trung Quốc có mẫu mã đẹp, bắt mắt, giá thành rẻ nhất thị trường nhưng hiện nay không được thị trường ưa chuộng vì chất lượng thấp làm giảm niềm tin đối với khách hàng.

Tuy nhiên, việc phát triển và tăng trưởng nhanh cũng báo động ngành vật liệu xây dựng trước tình trạng cung vượt quá cầu, nhất là đối với ngành sản xuất xi măng. Theo đó, nhiều chuyên giá khuyến cáo, các doanh nghiệp cần nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới để điều chỉnh kịp thời về hoạt động sản xuất. Nếu cần thiết phải giảm nguồn cung để tránh bị ép giá trong thời gian tới.

Vật liệu xanh sẽ “lên ngôi”

Ông Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng cho biết, sản xuất và sử dụng các vật liệu xây dựng xanh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, là xu hướng phát triển tất yếu của ngành vật liệu xây dựng. Một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển các vật liệu xây dựng mới là giới thiệu, phổ biến, quảng bá về công nghệ sản xuất và tính năng tác dụng của vật liệu đến các nhà đầu tư sản xuất và người sử dụng.

Gạch không nung.

Sản phẩm gạch không nung.

Phát triển vật liệu xây dựng xanh không chỉ là xu hướng của Việt Nam mà còn là xu hướng của cả thế giới trong năm 2019. Trong diễn biến của tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu thì nhu cầu sống trong những công trình xanh và sản xuất vật liệu xanh tất yếu sẽ tăng lên. Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 với mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xanh thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 30 - 40% vào năm 2020 cũng đã được Chính phủ ký quyết định phê duyệt.

“Bây giờ cả thế giới nói về công trình xanh thì chúng ta cũng phải tập trung vào vật liệu xanh. Vật liệu xanh tất yếu sẽ được ứng dụng mạnh và phát triển, ví dụ như tấm acotech, thạch cao, tấm ACE, những loại gạch không nung, tiết kiệm năng lượng…”, ông Tống Văn Nga nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới các nhà đầu tư sẽ tiếp tục xu hướng đầu tư và phát triển hệ thống công trình xanh, sử dụng vật liệu xanh thân thiện với môi trường. Bởi đầu tư cho công trình xanh giúp nhà đầu tư tiết kiệm được một khoản lớn trong quá trình vận hànhnhư: hệ thống gió tự nhiên giảm công suất tiêu thụ của điều hòa, vách ngăn kính lớn giúp tận dụng ánh sáng tự nhiên vào chiếu sáng trong tòa nhà, giảm thiểu tối đa việc tiêu thụ đèn điện. Đây cũng được cho là giải pháp tối ưu để phát triển đô thị hiện đại một cách bền vững. Các sản phẩm xốp cách nhiệt, tôn lợp sinh thái, gỗ ốp trường xanh, xi măng xanh, bê tông nhẹ, gạch không nung, gạch ốp lát tái chế… đã và sẽ được ưa chuộng trên thị trường trong thời gian tới.