19/01/2025 | 06:02 GMT+7, Hà Nội

Ngành xi măng đứng đầu về tiêu thụ điện năng

Cập nhật lúc: 20/12/2018, 15:00

Trả lời phỏng vấn phóng viên, ông Nguyễn Lanh - Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên môi trường, Bộ TN&MT cho biết, ngành Xi măng đang đứng đầu về tiêu thụ điện năng trong các ngành công nghiệp ở Việt Nam.

Xin ông cho biết, lượng phát thải khí nhà kính (KNK) của ngành Xây dựng thuộc lĩnh vực nào trong 5 lĩnh vực nằm trong Hệ thống kiểm kê KNK ở Việt Nam?

- Hệ thống kiểm kê quốc gia KNK ở Việt Nam tuân thủ theo quy định chung của quốc tế nên cách tính phát thải KNK là theo lĩnh vực chứ không theo ngành quản lý như Xây dựng, Nông nghiệp, Công nghiệp, GTVT… Cách phân chia của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) gồm 5 nhóm lĩnh vực: Năng lượng, các quá trình công nghiệp, nông nghiệp, sử dụng đất/thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) và chất thải.

Có thể thấy, các hoạt động thuộc nội dung quản lý của Bộ Xây dựng nằm rải rác trong hầu hết tất cả các nhóm ở các mức độ khác nhau, trừ nhóm nông nghiệp. Cụ thể như sau:

Lĩnh vực năng lượng (sử dụng năng lượng), thể hiện khá rõ trong các hoạt động sản xuất VLXD, xây dựng, các hoạt động vận tải liên quan và vận hành các tòa nhà công sở... chủ yếu liên quan tới sử dụng điện và nhiên liệu cho các hoạt động sản xuất và vận chuyển của ngành. Đây là lĩnh vực phát thải chủ yếu.

Các quá trình công nghiệp, ngành Xây dựng chủ yếu liên quan tới sản xuất xi măng, vôi - phát thải CO2 ở đây được tính từ quá trình phản ứng hóa học xảy ra (khi nung) để chuyển hóa các nguyên vật liệu đầu vào thành sản phẩm cuối (ví dụ: phản ứng chuyển hóa bùn phối liệu thành cdiver trong sản xuất xi măng làm phát sinh CO2 bay ra, nói chung là từ đá vôi khi bị nung ở nhiệt độ cao: CaCO3 CaO + CO2). Ở đây không tính đến phát thải CO2 từ việc đốt nhiên liệu để nung (do đã tính ở phần năng lượng). Phát thải từ sản xuất xi măng ở Việt Nam cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể và hoàn toàn thuộc ngành Xây dựng.

Lĩnh vực LULUCF, ngành Xây dựng đóng góp ở mức độ không nhiều, chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất để xây dựng các công trình (đất nông nghiệp, đất tự nhiên, đất rừng,...), khai thác đá vôi, đất sét và một số khoáng chất khác làm thay đổi chức năng sử dụng đất.

Lĩnh vực chất thải, do Bộ Xây dựng là bộ chủ quản việc xây dựng và quản lý các bãi rác đô thị nên cũng là ngành quản lý phần phát thải KNK từ đây.

Lượng phát thải KNK của ngành Xây dựng đang chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm so với các lĩnh vực trong hệ thống kiểm kê KNK, thưa ông?

- Hiện tại, không có số liệu tách riêng phát thải KNK cho từng ngành ở Việt Nam. Nếu cần có thể ước tính theo tỷ lệ từ các số liệu chung nhưng cần có thời gian để ước lượng mức độ trong từng lĩnh vực chính và tính toán, tổng hợp.

Vậy, xin ông cho biết lượng phát thải KNK của ngành xi măng thuộc ngành Xây dựng qua đánh giá kiểm kê quốc gia KNK của các năm cơ sở?

- Tiêu thụ điện năng của ngành xi măng theo kết quả thống kê năng lượng đứng đầu trong các ngành công nghiệp ở Việt Nam (các ngành công nghiệp chính được tính đến chủ yếu gồm: Sắt thép, Hóa chất và dầu khí, Xi măng và VLXD, Thực phẩm và thuốc lá, Dệt may và da giầy, Sản xuất giấy và in...).

Theo số liệu thu thập từ thống kê năng lượng trong 2 năm liên tiếp 2013 và 2014, tiêu thụ năng lượng cho toàn bộ các ngành công nghiệp chính ở Việt Nam đã tăng từ 61.566 GWh lên 69.199 GWh nhưng mức tiêu thụ điện cho ngành sản xuất xi măng và VLXD vẫn giữ tỷ trọng hầu như không đổi, trong khoảng hơn 21%.

Bên cạnh đó, theo kết quả kiểm kê quốc gia KNK mới nhất, một số nội dung chính liên quan tới ngành Xây dựng như lượng phát thải tính theo CO2 tương đương (CO2tđ) thì ngành sản xuất xi măng cũng đang đứng đầu. Cụ thể, ngành sản xuất xi măng đang phát thải tổng cộng khoảng 36,6 triệu tấn CO2tđ từ việc đốt nhiên liệu để nung và lượng CO2 thoát ra từ phản ứng hóa học khi nung. Bên cạnh đó, sản xuất VLXD (khác) cũng gây phát thải khoảng 16 triệu tấn CO2tđ. Ngoài ra, sản xuất vôi cũng tạo ra mức phát thải khoảng 2,4 triệu tấn CO2tđ.

Trong lĩnh vực chất thải, phát thải từ nước thải sinh hoạt là khoảng 9,6 triệu tấn CO2tđ, các bãi chôn lấp chất thải rắn cũng gây phát thải khoảng 8 triệu tấn CO2tđ.

Theo ông, những số liệu đầu vào phục vụ cho công tác tính toán, thống kê phát thải KNK của ngành Xây dựng cũng như ngành xi măng đã đầy đủ chưa, có đáp ứng yêu cầu không? Cách nào để những số liệu này là chính xác nhất?

- Việc thu thập số liệu phục vụ tính toán kiểm kê quốc gia KNK được yêu cầu phải dựa trên các số liệu thống kê chính thống và chắc chắn là có sai số. Do vậy, số liệu kiểm kê phát thải/hấp thụ KNK luôn được gọi bằng thuật ngữ là “Ước tính” (Trong văn bản quốc tế cũng dùng thuật ngữ tương đương là Estimation vì không bao giờ có thể có số liệu chính xác tuyệt đối). Hiện ở Việt Nam, có thể coi những số liệu được sử dụng cho ước tính phát thải KNK đã sử dụng những thông tin, số liệu ở mức tốt nhất có thể.

Số liệu chính xác nhất chỉ có thể thu thập từ việc tổng hợp các số liệu chi tiết của từng nhà máy và cho tất cả các hoạt động. Tuy nhiên như vậy cũng rất khó bóc tách các số liệu tiêu thụ nhiên liệu và năng lượng cho từng mục đích sử dụng trong các Cty (dân dụng, sản xuất…). Ngoài ra là đặc điểm, thành phần loại nguyên liệu sử dụng cho sản xuất... Do vậy, việc yêu cầu lấy số liệu chính xác tuyệt đối là không thực tế và ở tất cả các quốc gia thường chấp nhận một hệ số tỷ lệ (thuật ngữ chuyên ngành là Hệ số phát thải, tiếng Anh là Emission Factor, viết tắt là EF) để tính mức độ phát thải KNK theo số lượng của các hoạt động ghi nhận được (thuật ngữ chuyên môn tiếng Anh là Activity Data, viết tắt là AD), thường tính theo số lượng nhiên liệu và năng lượng tiêu thụ, số diện tích đất trồng lúa và các loại cây khác, sự thay đổi diện tích rừng, số lượng gia súc được nuôi...

Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Nga (thực hiện)