18/01/2025 | 17:00 GMT+7, Hà Nội

Thị trường hàng hóa Tết 2019: Tiểu thương “bung” hàng, đặc sản vùng miền “hút” khách

Cập nhật lúc: 23/01/2019, 11:46

Mặc dù hàng hóa của các tiểu thương bắt đầu “bung” ra để phục vụ khách hàng, nhưng nhu cầu tìm đến những vật phẩm đặc sản vùng miền để “cung tiến” trong dịp Tết vẫn chưa bao giờ giảm.

  Hoa quả có chữ thư pháp được lòng khách hàng. Ảnh: BL- HM

Hoa quả có chữ thư pháp được lòng khách hàng. Ảnh: BL- HM

Hàng “ôm” đến dịp “bung tỏa”

Chỉ còn khoảng hơn một tuần nữa là chính thức bước vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Thời điểm này, các siêu thị, cửa hàng bán buôn, bán lẻ đã bày biện và cho lên kệ đa dạng các loại hàng hóa, kèm chương trình khuyến mại để phục vụ người dân. Cũng như mọi năm, để đáp ứng đủ nguồn hàng hóa cho khách hàng trong dịp Tết, các tiểu thương đã sớm chuẩn bị đầy đủ số lượng các mặt hàng hóa.

Năm nay, vì lo ngại vấn đề tăng giá dịp cuối năm nên các tiểu thương tại các chợ truyền thống đều chuẩn bị nguồn hàng từ thời điểm tháng 9, tháng 10 trong năm. Tuy nhiên, thay vì chuẩn bị nguồn hàng lớn để mở bán đợt cuối năm thì năm nay, các tiểu thương lại dè dặt “ôm” hàng.

Lý do được các tiểu thương tiết lộ là do dịp cuối năm, giá xăng dầu bắt đầu có chiều hướng tăng và hàng hóa có phần đã bão hòa. Hơn nữa, một vài năm trở lại đây, người dân Thủ đô có xu hướng đến các siêu thị lớn để lựa chọn hàng hóa. Có thể nói, dù các tiểu thương “ôm” ít hay nhiều lượng hàng hóa thì những ngày cận Tết, là thời điểm thích hợp để “bung tỏa” lượng hàng hóa sẵn có trong kho.

Chị Nguyễn Thị Huệ, tiểu thương tại chợ Chính Kinh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: “Từ đầu tháng 10, nhà tôi đã tranh thủ “om” hàng để dự trữ cho Tết. Tuy nhiên, vài ba năm nay, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trải khắp, lượng khách hàng của tôi cũng giảm đi. Mặc dù vẫn có khách xa đến nhập hàng, nhưng người đến mua số lượng lớn như trước kia thì không còn, mà chỉ có nhập vài cân để bán lẻ trong dịp Tết.

Năm nay, nhà tôi chuẩn bị số lượng không nhiều, mỗi mặt hàng như miến dong, mộc nhĩ, hay măng khô, tôi chỉ dám “ôm” khoảng 30 - 50kg mỗi loại. Nếu cận Tết bán hết thì tôi sẽ nhập thêm, nhưng chắc chắn một điều là giá bán của hàng nhập thêm sẽ tăng so với hàng bán đợt đầu”.

Chị An, một tiểu thương bán đồ khô tại chợ Ngã Tư Sở (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, hầu như các tiểu thương đều “ôm” hàng hóa ở mức cầm chừng. Bởi nhiều năm nay, lượng hàng hóa trên thị trường dồi dào nên không xảy ra tình trạng khan hàng. Nếu có thì cũng rất ít.

“Giá bán lẻ của một số thực phẩm khô không có nhiều biến động. Ví dụ, mộc nhĩ có giá từ hơn 200.000 - 250.000 đồng/kg, nấm hương có giá bán dao động từ 300.000 - 400.000 đồng/kg, tùy loại. Măng khô tôi nhập được giá thấp từ thương lái ở Tuyên Quang, Cao Bằng là 80.000 - 125.000 đồng/kg tùy loại, vận chuyển xuống Hà Nội, giá tôi bán lẻ từ 250.000- 350.000 đồng/kg. Hạt sen có giá dao động từ 150.000 - 170.000 đồng/kg… Chuẩn bị trong kho số lượng có hạn, nhưng nếu khách tỉnh có nhu cầu cần số lượng lớn thì đại lý vẫn có thể đáp ứng, thậm chí là vận chuyển tận nơi”, chị An cho hay.

Cũng theo các tiểu thương, sở dĩ mặt hàng khô không biến động nhiều về giá cả, bởi hầu hết, các tiểu thương đều muốn giữ chân khách hàng quen thuộc. Hơn nữa, mặt hàng khô dễ dàng tích trữ nên dù “ế”, vẫn có thể bán dần. Theo khảo sát của PV tại chợ Hàng Da, chợ Mơ, chợ tạm Phùng Hưng… Các mặt hàng khô, hàng mã, mặt hàng gốm, sứ... được các tiểu thương chuẩn bị nguồn hàng mới và bày từ lâu.

Tuy nhiên, đối tượng khách hàng ở thời điểm này chủ yếu là cấp đại lý, đầu mối tại các khu vực. Hàng hóa phục vụ đối tượng khách hàng này đôi khi chỉ cần giảm khoảng nửa giá, hoặc một giá là có thể “giữ chân”. Còn đối tượng khách hàng lẻ, bước vào kỳ nghỉ Tết mới bắt đầu nhộn nhịp.

Đặc sản vùng miền “hút” khách

 Đặc sản giò bê Nghệ An, miến dong Cao Bằng đang được “săn lùng” dịp Tết.

Đặc sản giò bê Nghệ An, miến dong Cao Bằng đang được “săn lùng” dịp Tết.

Không chỉ các mặt hàng khô cơ bản phục vụ ngày Tết được bà Võ Thị Hồng (53 tuổi, ở Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân) chuẩn bị tươm tất, mà khâu lựa chọn cũng vô cùng kỹ càng. Đặc biệt là những vật phẩm cúng tiến. Theo ghi nhận của PV, năm nay, ngoài các mặt hàng thiết yếu thì các mặt hàng đặc sản vùng miền cũng được bà Hồng và các bà nội trợ “săn lùng”.

Thời điểm những ngày làm việc cuối năm hối hả, các mặt hàng đặc sản vùng miền cũng bắt đầu rục rịch vào “mùa làm ăn”. Một số mặt hàng được ưa chuộng như giò bê Nghệ An, mực một nắng Cô Tô, tôm chua Huế, thịt trâu gác bếp vùng cao, chả rươi, chả mực, sá sùng, lạp xưởng gác bếp, rượu ngô men lá Tuyên Quang…. từ 300.000 đồng đến 4 triệu đồng/sản phẩm hoặc kg. Đối với rượu ngô men lá, rượu mầm thóc có xuất xứ từ Tuyên Quang có giá từ 700.000 đồng - hơn 1 triệu đồng/can.

Chị Huyền (45 tuổi, ở Kim Giang, Thanh Xuân) chia sẻ: “Cách Tết khoảng một tháng, tôi bắt đầu đặt mua gạo nếp Tú Lệ (Yên Bái), thịt trâu gác bếp (Lai Châu), mực một nắng Cô Tô, nấm hương rừng Sơn La… Món ăn đặc sản vùng miền không chỉ trở thành thực phẩm Tết chính của gia đình tôi từ vài năm nay, mà tôi cũng sử dụng để làm quà tặng Tết”.

Nói về giá cả, chị Huyền cho rằng, vì là sản phẩm đặc sản, mang tính đặc trưng vùng miền nên so với những mặt hàng tiêu dùng cùng chủng loại, giá thường cao hơn gấp rưỡi, thậm chí gấp 2-3 lần. Đơn cử như nấm hương ở đâu cũng có bán, nhưng nấm hương rừng đặc trưng của Sơn La thì ở Hà Nội lại rất ít, nếu có cũng phải từ hơn 450.000 đồng/kg trở lên, còn chị Huyền đặt của người quen thì giá chỉ hơn 300.000 đồng/kg.

Giá cả đắt đỏ là vậy, nhưng các mặt hàng đặc sản vẫn được người tiêu dùng săn đón. Cô Minh, chủ một cửa hàng chuyên bán đồ đặc sản Quảng Ninh tại khu vực chợ Ngã Tư Sở (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ:“Từ đầu tháng, cửa hàng tôi đã nhận đơn đặt hàng của nhiều gia đình và công ty để phục vụ dịp Tết. Mặt hàng khô như mực một nắng, mực khô, sá sùng… chủ yếu được làm quà biếu. Còn hàng hải sản tươi sống thì sát Tết, cửa hàng tôi mới “trả hàng” cho khách. Giá cả những ngày thường thì rẻ nhưng gần Tết, giá sẽ tăng lên gấp đôi vì hàng bao giờ cũng khan hiếm hơn”.

Theo chị Hoàng Lan, chủ cửa hàng trái cây trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), mặc dù giá các mặt hàng hoa quả khắc chữ có giá khá đắt đỏ, như bưởi hồ lô (650.000 - 1,2 triệu đồng/cặp), dưa hấu (2,2 triệu đồng/cặp), xoài Đài Loan (150.000 - 200.000 đồng/quả)… nhưng được khách đặt mua từ mùng 10 tháng Chạp trở ra. Bởi ngoài hình thức độc, đẹp và lạ thì những mặt hàng có khắc chữ thư pháp này còn mang ý nghĩa tốt đẹp, tài lộc cho năm mới.

 

Bảo Loan - Hoàng My