19/01/2025 | 12:18 GMT+7, Hà Nội

Thị trường Black Friday Việt Nam: Tưởng "nóng" mà không “nóng”

Cập nhật lúc: 21/11/2018, 22:00

Ở thị trường Việt Nam, Black Friday dường như đơn giản chỉ là một ngày mua sắm như nhiều ngày khác và dường như “mất dạng”.

Black Friday là ngày gì?

Black Friday là ngày hội mua sắm lớn nhất thế giới, bắt nguồn từ Mỹ, rơi vào ngày thứ Sáu ngay sau Lễ Tạ Ơn và được coi là ngày mở hàng cho mùa mua sắm tấp nập tại đây.

Black Friday xuất hiện từ tình trạng tắc nghẽn giao thông xảy ra vào ngày thứ Sáu sau Lễ Tạ ơn năm 1965 ở Philadelphia, khi hàng trăm nghìn người Mỹ chen chúc nhau ở các con phố, vỉa hè đi mua sắm để sửa soạn cho Lễ Noel sắp đến.

Cảnh săn hàng sale trong Black Friday ở nước ngoài.

Cảnh săn hàng sale trong Black Friday ở nước ngoài.

Theo thống kê của Black Friday Global từ Black Friday 2017, người tiêu dùng Mỹ, Canada và Ukraina cực kỳ hào hứng với sự kiện Black Friday. Ở những quốc gia này, mức giảm giá trung bình trong các cửa hàng trực tuyến vào thứ Sáu cuối cùng của tháng 11 lần lượt là 68%, 66% và 66%. Thống kê trung bình cho toàn thế giới là 55%. Vì vậy, Black Friday được xem là cơ hội vàng để các doanh nghiệp “hốt bạc”.

Tại Việt Nam, Black Friday bắt đầu du nhập từ năm 2014 với cái tên ban đầu là Online Friday và chỉ dành cho mua sắm trực tuyến. Sau vài năm, đến 2018 thì cái tên Black Friday đã được trả lại đúng ngày và đúng nghĩa. Tuy nhiên, dân tình vẫn chưa thực sự hưởng ứng ngày hội này.

Black Friday có nóng với người Việt?

Các nhà phân tích từ Picodi.com đã thực hiện một nghiên cứu và điều tra về người tiêu dùng Việt đối với ngày hội Black Friday thì rất nhiều người tiêu dùng cho rằng, những mức giảm giá vào ngày này là hư cấu và không xứng đáng để có sự chú ý của người tiêu dùng.

Trên Facebook, cũng có trang “Black Friday Việt Nam” nhưng trang fanpage này nhận được rất ít lượt like. Thậm chí, page đã đưa ra những gói giảm giá rất hấp dẫn của các ngành hàng thì cũng chỉ được 2-3 like và tuyệt nhiên không có một comment nào.

Còn ở trên các trang mua sắm trực tuyến cũng có chương trình sale nhưng hầu hết là nhỏ lẻ và nhỏ giọt, chỉ khoảng 20 % - 30% với một số mặt hàng nhất định chứ không bao phủ.

Dạo một vòng quanh các con phố lớn của Hà Nội như Cầu Giấy, phố Huế, Hàng Nón,...không khó để bắt gặp các cửa hàng thời trang treo biển giảm giá Black Friday. Tuy nhiên, chất lượng của việc giảm giá này còn phải xem xét.

Không phải sự hời hợt của người tiêu dùng không có lý do. Trong khi ở phương Tây, các cửa hàng ồ ạt sale khủng thì tại Việt Nam, các cửa hàng nếu có sale hình thức và rất nhập nhèm,… Có thể hiểu tình trạng này bắt nguồn từ việc các nhãn hàng Việt có quá nhiều đợt giảm giá lẻ tẻ. Hầu như các trang thương mại điện tử hàng hóa và các cửa hàng giảm giá cả năm, tháng nào cũng vài đợt thì có thêm một đợt hạ giá nữa cũng không còn mấy ý nghĩa.

Quang cảnh Black Friday tại Việt Nam năm 2017.

Quang cảnh Black Friday tại Việt Nam năm 2017.

Hơn nữa, hàng mới có giảm thì cũng giảm rất ít, chỉ 10% - 20% và thường nâng lên để hạ xuống, còn nếu hàng giảm sâu thì là hàng cũ, hàng tồn, hàng cận date. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn lợi dụng tâm lý muốn mua hàng giá rẻ của người dân mà bán hàng giả, hàng nhái về trà trộn. Điều này, khiến nhiều người tiêu dùng ngán ngẩm với cách kinh doanh của một số nhãn hàng trong nước.

Chị Trần Thị Trâm(Trung Kính) bày tỏ quan điểm rằng, chị coi việc các cửa hàng đồng loạt giảm giá sốc nhân ngày Black Friday là điều hết sức bình thường vì chị không mấy khi tìm được món hàng ưng ý trong dịp Black Friday. Thậm chí, chị còn hứng khởi vào việc giảm giá mùa Tết hơn là ngày hội này. “Tôi thấy có những cửa hàng treo biển sale suốt cả năm chứ chả riêng Black Friday. Thế thì ngày này xả nữa để người ta lỗ à? Nói chung tôi không tin vào việc người ta giảm giá cho hàng chất lượng vào ngày này”.

Còn chị Thanh Hoa (Phú Đô) lại cho rằng, chị vẫn chưa có thói quen săn hàng giảm giá Black Friday ở Việt Nam. Đối với những ngày này, chị thường chỉ săn hàng trên Amazon, eBay hoặc trực tiếp từ các hãng nước ngoài và chịu phí ship về Việt Nam.

Với cách mua của chị Thanh Hóa có thể kiếm được món hời trong ngày Black Friday. Thế nhưng, phí ship từ nước ngoài về Việt Nam quá đắt, cộng vào đã bằng giá gốc thì người tiêu dùng có thực sự hưởng sale nữa không? Nhiều "con buôn" còn lợi dụng dịp này để làm cầu nối xách hàng, đặt hàng hộ trên web nước ngoài để ăn chênh lệch. Tất cả điều đó khiến cho ngày Black Friday của Việt Nam không hấp dẫn.

Trong ngày hội Black Friday, để săn được hàng hiệu chuẩn, giá tốt, chất lượng tốt thực sự nên tới những trung tâm thương mại, siêu thị lớn nơi chất lượng, nguồn gốc hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ, kỹ càng để mua.