Thị phần khẩu trang: Miếng bánh nhiều người thèm muốn
Cập nhật lúc: 17/04/2020, 13:30
Cập nhật lúc: 17/04/2020, 13:30
Thời gian gần đây, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng khẩu trang phòng dịch tăng cao, dẫn đến tình trạng nhiều cá nhân, doanh nghiệp trục lợi, đặt lợi ích kinh tế lên trên những quyền lợi chính đáng của khách hàng.
Trên tinh thần thượng tôn người tiêu dùng, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề xung quanh câu chuyện “chiếc khẩu trang” thời Covid-19. Thông qua đó, mỗi người tiêu dùng sẽ nhận thức thông thái hơn, tránh mua phải các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường và cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Trân trọng giới thiệu với độc giả!
Trong những năm qua, mặt hàng khẩu trang không phải là loại bán chạy và được dùng phổ biến. Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, khẩu trang trở thành lĩnh vực hấp dẫn đối với các nhà sản xuất.
Xâm nhập thị trường khẩu trang trở thành giải pháp để các doanh nghiệp dệt may có thể duy trì sản xuất, giữ chân công nhân và có thu nhập để giảm bớt thiệt hại do ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Khẩu trang còn là mặt hàng lợi thế khi không cần đầu tư nhiều về máy móc và tay nghề của nhân lực. Các nhà sản xuất có thể tận dụng được nhà xưởng, thiết bị và công nhân ở các doanh nghiệp dệt may. Đây cũng là lợi thế để các doanh nghiệp đáp ứng đủ nhu cầu trong nước lại có thể xuất khẩu ra nước ngoài.
Chẳng vậy mà ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh: “Sự tiếp cận nhạy bén và chuyển đổi nhanh chóng giữa các sản phẩm dệt may truyền thống với mặt hàng khẩu trang sẽ là bí quyết để các doanh nghiệp dệt may không chỉ cầm cự qua mùa dịch, mà còn có thể tạo ra một “sân chơi” mới, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp cũng như đất nước”.
Thị trường khẩu trang đang tăng dần lên đến cấp số nhân. Các tay chơi vừa mới vừa cũ đã và đang tung ra hết các chiêu và tiềm lực kinh tế để thống lĩnh thị trường.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), năng lực sản xuất khẩu trang đã lên đến 8 triệu chiếc/ngày, tức là vào khoảng 200 triệu chiếc/tháng. Tính đến ngày 1/4, tại Việt Nam có 48 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang. Hiện tại, 3 đơn vị sản xuất khẩu trang lớn nhất là Dệt Kim Đông Xuân, Tổng Công Ty 28, Hanvico.
Có thể nói Dệt Kim Đông Xuân đang chiếm thị phần khẩu trang cao nhất khi đây là đơn vị đầu tiên trong cả nước sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn. Ngay khi cả nước đang sôi sục chuyện khẩu trang tăng giá gấp 10 -20 lần thì Dệt Kim Đông Xuân đã rất kịp thời tung ra mặt hàng này với giá khá mềm và người dân vẫn có thể tái sử dụng đến 10 lần.
Sau đó, rất thức thời, Dệt Kim Đông Xuân lại tiếp tục nghiên cứu và phát triển dòng khẩu trang mẫu số 2 - khẩu trang vải phòng dịch mới 2 lớp với công nghệ nano có thể kháng nước, kháng bụi, kháng khuẩn. Đơn vị này sản xuất đến 300.000 chiếc mỗi ngày.
Được một thời gian, Dệt Kim Đông Xuân lại cho ra sản phẩm khẩu trang mới với tên gọi “khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn 3 lớp”, lớp ngoài là vải dệt thoi kháng nước, kháng bụi, kháng khuẩn công nghệ nano bạc. Khẩu trang từ vải dệt thoi đã cung ứng ra thị trường 5 triệu sản phẩm.
Số lượng khẩu trang mà Vinatex sản xuất để bán qua hệ thống Co.opmart, BigC, Vinmart là 3,7 triệu khẩu trang. Tập đoàn này cũng cho biết, nếu thị trường có nhu cầu sử dụng nhiều khẩu trang hơn, đơn vị sẽ có thể cung ứng lên tới 50 triệu chiếc khẩu trang/tháng.
Với tiềm năng thuộc top 10 các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cùng với sự tham gia giúp đỡ hợp tác của hai nhà đầu tư chiến lược VID và VIN Group (10% vốn điều lệ) vào công ty mẹ của Vinatex, thì khó có đơn vị nào có thể "qua mặt" được Dệt Kim Đông Xuân trong cuộc chiến giành thị phần khẩu trang.
Tổng Công ty 28 trực thuộc Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng Việt Nam là một trong những doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam đầu tư đồng bộ hệ thống khép kín từ kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất vải và xử lý bảo vệ môi trường, may mặc và kinh doanh bán buôn, bán lẻ các sản phẩm dệt may.
Trong thời gian các đơn hàng xuất khẩu đang bị gián đoạn, X28 đã linh động chuyển sang sản xuất khẩu trang vải với công suất khoảng 500.000 chiếc/ngày. Cũng giống như Dệt Kim Đông Xuân, X28 cũng cho ra đời loại khẩu trang kháng khuẩn được làm từ loại vải có độ kháng khuẩn cao, ứng dụng công nghệ nano bạc và loại khẩu trang này có thể tái sử dụng được 30 lần.
Về sản lượng cung ứng cho thị trường, tính đến tháng 5, riêng Tổng công ty 28 sẽ cung ứng cho thị trường 10 triệu chiếc khẩu trang kháng khuẩn và 1 triệu chiếc để cung cấp cho các đơn vị trong quân đội.
Tổng công ty 28 đã có một số đơn chào hàng đi Mỹ, Úc, Nhật và EU, trong đó đang đàm phán với một đối tác của Úc một đơn hàng 5.000 chiếc. Hiện nay, X28 có trên 10 cửa hàng trực tiếp, hơn 100 đại lý và hệ thống siêu thị Coopmart, siêu thị Vinatex, siêu thị Metro...
X28 đã có tuổi đời 43 năm, đứng Top 5 doanh nghiệp quân đội và Top 5 thương hiệu thời trang Việt Nam. Tuy rằng hiện năng lực sản xuất của X28 mới chỉ bằng 1/5 thị phần của Vinatex nhưng lại có hậu thuẫn rất lớn từ Bộ Quốc Phòng, do vậy đây có thể là đối thủ đáng gườm của Dệt Kim Đông Xuân trong cuộc chiến giành thị phần khẩu trang Việt.
Hanvico là doanh nghiệp đã rất có tiếng về đồ trong phòng ngủ. Qua 20 năm tuổi, đơn vị này rải khắp Việt Nam với hơn 800 nhà phân phối, đại lý trải khắp 63 tỉnh thành. Hanvico đã định hình thường hiệu được trong tiềm thức của người Việt khi trở thành đơn vị quan thuộc chăn ga gối đệm cao cấp trong nước và nhà cung cấp của nhiều thương hiệu khách sạn uy tín trên thế giới như Accor, IHG, Melia, Wyndham, Starwood, Movenpick, Lotte...
Mới đây, doanh nghiệp này lại gây bất ngờ lớn khi tung ra 2 triệu chiếc khẩu trang nano chống khuẩn. Với năng lực sản xuất 350.000 - 400.000 chiếc khẩu trang một ngày, công ty có khả năng sản xuất được 15 triệu chiếc khẩu trang trong một tháng cung cấp nhu cầu của người dân. Với năng lực sản xuất ở thời điểm hiện tại, có thể nói Hanvico đang chiếm thị phần khẩu trang lớn thứ 3 trong các nhà sản xuất.
Khẩu trang nano chống khuẩn của Hanvico được phân phối tại gần 3.000 điểm bán của hệ thống cửa hàng Vinmart, Vinmart +, hơn 800 showroom thuộc hệ thống Hanvico, Hanvico Living và được bán trên thị trường với giá 35.000 đồng/2 cái và có thể tái sử dụng đến 30 lần.
Đối với thị trường khẩu trang, dù Hanvico cũng chỉ là "chân ướt chân ráo" như bao ông lớn trong ngành dệt may khác nhưng đơn vị này lại có một điểm mạnh là đã có kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ nano bạc khi 10 năm qua, Hanvico đã cho ra đời nhiều dòng sản phẩm chăn ga gối đệm nano bạc trên thị trường.
Theo như thông báo của Hanvico trên trang web chính thức, nguyên liệu vải và khả năng chống khuẩn của bông nano bạc trong sản phẩm của Hanvico đã nhận chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế Oeko-Tex (Đức), Kofiti (Nhật Bản), AATCC, STR (Mỹ), STC (Anh), FITI (Hàn Quốc) và chứng nhận kiểm nghiệm của Viện nghiên cứu dệt may Việt Nam.
Như vậy, tuy đang đứng thứ 3 nhưng Hanvico cũng là đơn vị có tiềm năng trong cuộc đua giành thị phần khẩu trang hiện nay. Hanvico còn có khả năng mở rộng lĩnh vực này khi đã có sẵn nhà xưởng, nhân công và tiềm lực kinh tế để sản xuất.
Một số đơn vị sản xuất khẩu trang mới như Công Ty Cổ Phần Dệt Lụa Nam Định có thể đảm bảo sản xuất 10 triệu khẩu trang một tháng, Công ty Cổ phần May Hugaco sản xuất được trên 100 nghìn chiếc/tuần, Công ty May Việt Thắng ... hay các đơn vị nhỏ lẻ khác cũng đang chạy đua sản xuất khẩu trang. Tuy nhiên, để nói chiếm thị phần lớn trong thị trường này thì 3 đơn vị trên vẫn chiếm phần lớn nhất.
06:00, 15/04/2020
07:20, 07/04/2020
07:26, 31/03/2020