19/01/2025 | 10:11 GMT+7, Hà Nội

Than "đắt như tôm tươi", nhiệt điện muốn mua mà không có

Cập nhật lúc: 26/11/2018, 21:31

TKV và Tổng Công ty Đông Bắc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện thấp hơn so với khối lượng than tiêu thụ nên nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng...

Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa có công văn số 5997/EVN-KTSX gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc "hết than cho sản xuất điện tại nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng" và đề xuất phương án xử lý thực trạng đáng báo động này.

nha-may-nhiet-dien

Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh có thể sẽ phải dừng cả 04 Tổ máy từ ngày 24/11 cho đến cuối năm 2018 vì thiếu than

Trước đó, ngày 2/10/2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã có công văn số 383/EVN-HĐTV về việc cung cấp than antraxit cho các nhà máy điện trong dài hạn và công văn số 5776/EVN-KTSX ngày 9/11/2018 về việc giải pháp cấp bách để đảm bảo cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện báo cáo Bộ Công Thương.

Trong các cuộc họp ngày 12/11/2018 và ngày 14/11/2018 do Thứ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc đã cam kết đảm bảo cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện sản xuất.

Tuy nhiên, thực tế lượng than hai đơn vị này cấp cho các nhà máy từ đầu tháng 11/2018 đến nay vẫn thấp hơn so với khối lượng than tiêu thụ. Cụ thể như nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh cấp được 187.198 tấn, tiêu thụ 201.164 tấn; nhà máy nhiệt điện Hải Phòng cấp được 130.803 tấn, tiêu thụ 205.579 tấn...

Các Công ty nhiệt điện liên tục đề xuất, kiến nghị với 02 Nhà cung cấp tăng cường, bổ sung khối lượng than để đáp ứng đủ cho các Tổ máy vận hành phát điện theo phương thức điều độ của Hệ thống điện Quốc gia. Tuy nhiên, các nhà cung cấp than không đáp ứng được phương thức cấp than hàng ngày và khối lượng than bổ sung theo đề xuất, kiến nghị của Công ty.

Một vài ngày gần đây, tình hình cấp than cho các nhà máy nhiệt điện càng trở nên cấp bách khi lượng than dự trữ tại các nhà máy đã bị giảm xuống rất thấp.

Cụ thể nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh chỉ còn 8.800 tấn than (không đủ 1 ngày vận hành), nhà máy nhiệt điện Hải Phòng còn 66.785 tấn (khoảng 5 ngày vận hành). Từ ngày 17/11/2018, nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh đã phải ngừng phát điện 2 tổ máy (tương ứng giảm công suất 600 MW) để đảm bảo đủ than duy trì vận hành 2 tổ máy còn lại.

Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh sẽ phải dừng cả 04 Tổ máy từ ngày 24/11 cho đến cuối năm 2018 nếu như 02 Nhà cung cấp than (nhất là TKV) không có kế hoạch bổ sung khối lượng than tăng thêm +10% theo quy định của Hợp đồng than năm 2018 đã ký (2.600.000 tấn). Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng cũng đang có nguy cơ phải dừng 2 tổ máy vào cuối tuần này.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhu cầu tăng nguồn cung điện năng từ các nhà máy nhiệt điện than ở thời điểm này là do các nhà máy thủy điện khu vực miền Nam và miền Trung đang rất thiếu nước để vận hành. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm nhu cầu tiêu thụ điện năng phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong cả nước tăng cao.

Dự kiến năm 2019, các nhà máy nhiệt điện than sẽ đóng góp hơn 48% sản lượng điện của cả nước. Để đảm bảo vận hành, mỗi năm nhu cầu nguyên liệu than cho các nhà máy nhiệt điện cần khoảng 40 triệu tấn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy để cung cấp đủ nhu cầu này vẫn đang là bài toán khó. Nếu không tìm được lời giải, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện vào năm 2020.