19/01/2025 | 10:05 GMT+7, Hà Nội

Tăng tính hấp dẫn cho du lịch Thủ đô

Cập nhật lúc: 27/08/2020, 15:14

Để tăng tính hấp dẫn, khai thác tối đa tiềm năng du lịch Thủ đô, nhiều điểm đến của Hà Nội đã và đang xây dựng kế hoạch phát triển mô hình du lịch về đêm.

Để tăng tính hấp dẫn, khai thác tối đa tiềm năng du lịch Thủ đô, nhiều điểm đến của Hà Nội đã và đang xây dựng kế hoạch phát triển mô hình du lịch về đêm. Đây là hướng đi tất yếu nằm trong chiến lược phát triển du lịch của Thủ đô nhằm thu hút, “giữ chân” và tăng khả năng chi tiêu của du khách khi đến Hà Nội.

Sản phẩm du lịch đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) mới ra mắt đã thu hút nhiều du khách tham gia trải nghiệm (ảnh chụp đầu tháng 7-2020).

Thêm “đặc sản” mới

Cuối tháng 6-2020, sản phẩm du lịch mới “Đêm linh thiêng - Sáng ngời tinh thần Việt” do Công ty Lữ hành Hanoitourist và Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp thực hiện được đưa vào khai thác, đã tạo dấu ấn trong chiến dịch kích cầu du lịch Thủ đô sau khoảng thời gian gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Đây là hoạt động du lịch về đêm đầu tiên tại các di tích của Hà Nội, mở ra khả năng khai thác tiềm năng mô hình này cho nhiều điểm di tích khác.

Theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, chương trình du lịch đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò “kể” câu chuyện lịch sử xúc động, mang đến trải nghiệm mới, lạ cho du khách. Chính vì vậy, khi tour du lịch này đi vào hoạt động đã có hàng nghìn người đăng ký. “Khai thác điểm đến vào ban đêm mang đến sự khởi sắc cho du lịch Hà Nội. Đây là hướng đi đúng, giúp Hà Nội có thêm “đặc sản” du lịch mới, hấp dẫn”, ông Phùng Quang Thắng đánh giá.

Dịch Covid-19 quay trở lại vào cuối tháng 7-2020, khiến hoạt động du lịch bị chững lại. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm để các đơn vị nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch đêm nhằm vực dậy hoạt động du lịch ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thị Yến cho biết, đơn vị đang phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist xây dựng sản phẩm du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, dự kiến ra mắt vào dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. “Chúng tôi sẽ giới thiệu tới du khách nhiều câu chuyện hấp dẫn về các triều đại tại Hoàng thành, mang đến sự khác biệt so với sản phẩm trước đây”, bà Nguyễn Thị Yến cho biết thêm. Để chuẩn bị ra mắt sản phẩm du lịch đêm tại Hoàng thành Thăng Long, Công ty Lữ hành Hanoitourist đã tiến hành đào tạo hướng dẫn viên, giúp họ khai thác sâu hơn những câu chuyện chưa từng được kể tại Hoàng thành Thăng Long.

Trong xu hướng chung, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu chia sẻ, đơn vị đang xây dựng sản phẩm du lịch về đêm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng cách kết hợp hình thức chiếu ánh sáng công nghệ cao với chương trình thực cảnh.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân, quận đã có đề án mở rộng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, xây dựng các tuyến phố mua sắm kết hợp ẩm thực, tăng cường tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, giải trí vào buổi tối để thu hút du khách.

Hoạt động tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận vào buổi tối hấp dẫn nhiều người dân, du khách (ảnh chụp giữa tháng 7-2020). Ảnh: Quang Thái

Để du lịch đêm phát triển bền vững

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, khuyến khích phát triển nhiều ngành nghề, hoạt động mới, nhất là ngành công nghiệp sáng tạo, du lịch, bán lẻ, ẩm thực, đồ uống. Đề án cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6h sáng hôm sau. Đây là cơ sở để thành phố Hà Nội xây dựng sản phẩm du lịch về đêm. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả mô hình này, các đơn vị cần có thêm giải pháp, nhằm bảo đảm tính bền vững trong việc tổ chức hoạt động du lịch đêm.

Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, muốn hoạt động du lịch đêm Hà Nội phát triển, cần có sự liên kết của các điểm đến, tạo thành những tour du lịch trải nghiệm khép kín. Các đơn vị quản lý điểm đến cần phối hợp với các đơn vị lữ hành để hướng dẫn, đưa đón khách chu đáo, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp kinh doanh các hoạt động lữ hành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, cần có quy hoạch đối với các sản phẩm du lịch đêm để tránh tình trạng hoạt động xô bồ hoặc cạnh tranh thiếu lành mạnh. Còn theo Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan, cơ quan quản lý cần tạo hành lang pháp lý cho các sản phẩm du lịch về đêm, bảo đảm khoảng cách cần thiết đối với các khu dân cư, giảm tiếng ồn, bố trí đèn chiếu sáng khoa học, hợp lý để không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân...

Để thực hiện kích cầu du lịch Hà Nội, khắc phục hậu quả do dịch Covid-19 cũng như tạo đà phát triển bền vững cho du lịch Thủ đô, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, việc phát triển mô hình du lịch về đêm là rất cần thiết. Trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng nhiều đơn vị khác xây dựng thêm chương trình quảng bá văn hóa, du lịch tại các điểm đến. Ngoài ra, Sở cũng hỗ trợ các điểm đến quảng bá sản phẩm du lịch mới bằng hình thức trực tuyến.