19/01/2025 | 10:09 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội kiên quyết xử lý nghiêm đơn vị chưa làm tốt việc phòng, chống Covid-19

Cập nhật lúc: 26/08/2020, 16:49

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố khẩn trương ban hành các quy định cụ thể phòng dịch...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố khẩn trương ban hành các quy định cụ thể phòng dịch phù hợp với tình hình từng địa phương, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời xử lý nghiêm đối với các đơn vị chưa làm tốt và công khai, minh bạch thông tin cho người dân biết.

Chuẩn bị chu đáo cho ngày khai giảng

Chiều nay (25/8), Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội đã họp trực tuyến toàn thành phố để tiếp tục triển khai các biện pháp không để dịch bệnh lây lan. Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội dự và phát biểu chỉ đạo.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo

Báo cáo tại cuộc họp, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ ngày 19/8 đến nay Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng, tuy nhiên có 1 trường hợp bệnh nhân khỏi bệnh ra viện nhưng dương tính trở lại với Sars-CoV-2 (bệnh nhân 345); 1 trường hợp người Hà Nội xuất cảnh sang Nhật có kết quả xét nghiệm dương tính và vẫn có những trường hợp tiếp xúc liên quan với ca bệnh tại ổ dịch ở Hải Dương. Sở Y tế nhận định, những trường hợp này có thể là nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng nếu không nắm bắt thông tin kịp thời, chủ động giám sát và triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Về việc phòng chống dịch bệnh trong các cơ sở y tế, bà Nhị Hà cho biết, Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra các bệnh viện công lập và tư nhân, đình chỉ hoạt động các cơ sở không đảm bảo an toàn. “Sở kiến nghị thành phố chỉ đạo các quận huyện tiến hành kiểm tra công tác khám sàng lọc ở gần 3.400 các phòng khám tư nhân đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn. Đây cũng là một nguy cơ lớn nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch”, bà Hà nêu.

Tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, vấn đề các ca “tái nhiễm” và “tái dương tính” đang được thông tin nhầm lẫn. Đây là hai khái niệm khác nhau, tái dương tính là trường hợp đã dương tính sau đó xét nghiệm là âm tính và không phải là trường hợp mắc mới. Còn tái nhiễm là khi đã mắc lần đầu khỏi bệnh và sau mắc lại. "Trường hợp dương tính lại sẽ không lây lan cho người khác. Đây là thông tin cần tuyên truyền để người dân không hoang mang", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Quang cảnh cuộc họp

Liên quan đến những công việc chuẩn bị cho ngày khai giảng sắp tới, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tại Hà Nội thông tin, năm học 2020-2021, toàn ngành có 2.794 trường học với hơn 2 triệu học sinh, tiếp tục là địa phương có quy mô lớn nhất cả nước. Do vậy, công tác chuẩn bị rất được chú trọng, bảo đảm an toàn, từ việc chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, điều kiện, cơ sở vật chất, vật tư y tế đến công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức phòng chống dịch bệnh Covid-19 đều được triển khai bài bản.

Ông Chử Xuân Dũng cho biết, tất cả cá trường trên toàn thành phố thống nhất tổ chức lễ khai giảng vào ngày 5/9 theo hình thức thức trực tiếp. Đối với cấp học tiểu học, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, lễ khai giảng không quá 45 phút (từ 7h30-8h15), đồng thời, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định của Trung ương, thành phố và liên ngành.

Xử lý ngay tình hình mất an ninh trật tự ở cửa các bệnh viện

Phát biểu chỉ đạo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận và biểu dương các đơn vị đã vào cuộc quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên, bà Hằng cho rằng, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường, vì vậy phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ thường xuyên, kéo dài và vẫn phải thực hiện tốt; nhất là trong tuần tới, có kỳ nghỉ 2/9 và khai giảng năm học mới.

Bà Hằng yêu cầu, các cấp, các ngành quán triệt thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo Trung ương và thành phố về công tác phòng chống dịch, đặc biệt là thông báo Thủ tướng cảnh báo: Cần đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan, nhất tại các bệnh viện, chung cư, nhà hàng… Đặc biệt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch tại phạm vi mình quản lý. “Thành ủy sẽ xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để đánh giá năng lực, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội quán triệt.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu kết luận cuộc họp

Bà Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu Ban Chỉ đạo cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm phòng dịch của cả hệ thống chính trị và người dân; khẩn trương ban hành các quy định cụ thể phòng dịch phù hợp với tình hình từng địa phương, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. “Xử lý nghiêm đối với các đơn vị chưa làm tốt và công khai, minh bạch thông tin cho người dân biết”, bà Hằng nhấn mạnh.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, hiện đang là thời điểm giao mùa, cùng với phòng chống đại dịch Covid-19, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh phòng chống dịch khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, không được đề dịch chồng dịch.

Kết luận cuộc họp, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng dịch Covid-19 thành phố Hà Nội tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và điểm lại tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước cũng như yêu cầu các đơn vị tiếp tục thiện hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Ông Ngô Văn Quý yêu cầu các đơn vị tiếp tục tuyên truyền chỉ đạo hiện nghiêm các biện pháp bắt buộc như: Người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đảm bảo giãn cách tối thiểu 1m, có khai báo y tế; các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải có phương án phòng chống dịch bệnh. “Đặc biệt các hàng ăn uống thực hiện nghiêm giãn cách 1m, khuyến khích có vách ngăn; đo thân nhiệt, khử khuẩn tay cho khác. Các quận huyện phải kiểm tra, tổng kết rõ nhà hàng nào làm tốt, nhà hàng nào còn vi phạm. Đặc biệt chú ý là các quán bia hơi hiện nay buổi chiều, tối còn rất đông”, ông Quý nhắc nhở.

Đáng chú ý, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý yêu cầu, các đơn vị xử lý ngay tình hình mất an ninh trật tự, cò mồi, lôi kéo bệnh nhân ở cửa các bệnh viện. “Ví dụ như quận Hoàn Kiếm có Bệnh viện Việt Đức, Phụ sản, Bệnh Viện K… phải kiểm tra, xử lý ngay từ ngày mai. Đây cũng có thể là nơi lây lan dịch bệnh”, ông Quý nhấn mạnh.

Về việc phục vụ khai giảng, ông Quý lưu ý, đã có hướng dẫn rõ ràng, các cơ sở phải thực hiện nghiêm túc, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Đặc biệt, trong thời tiết giao mùa, các đơn vị thực hiện tốt phòng chống, kiểm soát tốt các dịch bệnh khác, không để dịch chồng dịch.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.