20/01/2025 | 21:36 GMT+7, Hà Nội

Tặng hoa, quà hay… phong bì cho thầy cô?

Cập nhật lúc: 17/11/2017, 02:54

Cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhiều phụ huynh lại đau đầu nghĩ chuyện mua quà cho giáo viên dạy con em mình. Lâu nay, chuyện tặng hoa, quà cho thầy cô nhân ngày 20/11 không phải xấu nếu không nói là hành động nhân văn tốt đẹp. Nhưng càng ngày hành động tri ân càng bị biến tướng khiến câu chuyện quà tặng cho giáo viên bị cho vào tầm ngắm.

Đầu tháng 11 mới đây, Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa thông báo tới các Phòng GDĐT, các trường học trực thuộc tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2017 tại trường học trang trọng nhưng hết sức gọn nhẹ, lưu ý không tổ chức văn nghệ, liên hoan…

Đặc biệt, thầy cô giáo không tiếp đón học sinh và cha mẹ học sinh đến chúc mừng tại nhà riêng, không nhận hoa và quà của cha mẹ học sinh. Thay vào đó, giáo viên, cán bộ tổ chức đi thăm hỏi các nhà giáo lão thành, có hoàn cảnh khó khăn, đang chịu nhiều thiệt hại do bão, lũ gây ra.

 

Sở GDĐT Quảng Nam cũng vừa có thông báo đến các Phòng GDĐT, đơn vị trực thuộc với nội dung: Để 20/11 thực sự là ngày hội của các thầy, cô giáo và học sinh, Sở GDĐT yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện một số nội dung như: Đối với những đơn vị bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, khẩn trương dọn dẹp vệ sinh, sớm ổn định nền nếp dạy học; tham mưu với cấp ủy, chính quyền để thăm hỏi, động viên thầy cô giáo vượt qua khó khăn.

Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cũng có văn bản thông báo với nội dung không tổ chức đón tiếp các đoàn đến chúc mừng, không nhận hoa, quà tặng chúc mừng tại trụ sở cơ quan. Lý giải về nội quy này, Giám đốc Sở GDĐT TP HCM cho rằng, giáo viên chỉ nên nhận thiếp chúc mừng qua thư điện tử vì ngành giáo dục thành phố mong muốn có một mùa lễ kỷ niệm trên tinh thần thân ái và tiết kiệm.

Xét ở góc độ nào đó thì yêu cầu thầy cô không được nhận hoa và quà là chưa thỏa đáng, bởi quà là tượng trưng cho tình cảm giữa thầy và trò, là nét đẹp văn hóa “tôn sư trọng đạo” từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam. Hoa và quà vốn dĩ là thứ mà các thầy cô giáo đáng được nhận thay vì “biến tướng” bằng một chiếc phong bì gọn nhẹ và nhiều ẩn ý. Nhiều giáo viên tự hỏi, trong ngày tôn vinh nghề của mình, không còn những sắc hoa rực rỡ thì sẽ 20/11 sẽ có dư âm gì?

Dạy học từ lâu đã là một nghề cao quý. Học là vấn đề mang tính xương sống đối với một quốc gia đang phát triển như nước ta. Nhưng ngày nay, với sự hối hả của cuộc sống, môi trường học tập của học sinh đã có nhiều thay đổi, văn hóa tặng quà, tri ân bị “biến tướng” với nhiều tính toán đang đẩy những người làm giáo dục và chủ thể của giáo dục, là học sinh, thầy cô và gia đình học sinh vào mớ bòng bong rối rắm không đáng có.

Không phải đến 20/11, mà quanh năm suốt tháng, câu chuyện giáo dục vẫn là câu chuyện loay hoay đổi mới cái này, chỉnh sửa cái kia, thay cái nọ, lấp cái kia… Và ngay cả câu chuyện tặng quà thế nào cho các thầy cô giáo cho phải phép – vốn khá đơn giản – lại trở nên phức tạp. Tri ân nhà giáo là đạo lý lâu đời của dân tộc. Nhưng bày tỏ tình cảm ấy như thế nào, cách làm ra sao thực sự đang trở thành vấn đề nan giải, thậm chí thành “vấn nạn” khiến các Sở GDĐT phải đưa văn bản nọ, thông báo kia để “rào trước đón sau” mỗi dịp lễ Tết.

Nhiều trường, nhiều lớp, nhiều hội phụ huynh mặc định “quy chuẩn hóa” quà tặng thành phong bì cho đơn giản, gọn nhẹ. Họ dựa vào “vị trí”, bộ môn của từng giáo viên để cân đo đong đếm sự nặng nhẹ của phong bì: giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, giáo viên môn chính, môn phụ…

Văn hóa tặng quà biến tướng ở mức độ nặng nhẹ ra sao phụ thuộc vào môi trường giáo dục cùng tiến trình cải cách, đổi mới. Trong bối cảnh chế độ đãi ngộ thấp, đời sống giáo viên bếp bênh thì thầy cô làm sao có thể không dạy thêm, không nhận quà, không mảy may “xúc động” trước một phong bì?

Nghề nào cũng thế, nếu giáo viên dư dả tiền lương, thưởng, chế độ đãi ngộ xứng đáng, nếu phụ huynh không động tí mang tiền ra nhờ vả, lấy phong bì làm “đầu câu chuyện” thì chẳng giáo viên nào mong ngóng quà cáp, phong bì trong ngày lễ kỉ niệm thiêng liêng của mình để mong có thêm chút tiền trang trải cuộc sống.