19/01/2025 | 09:23 GMT+7, Hà Nội

"Tầm soát ung thư" có thực sự tầm soát được ung thư ?

Cập nhật lúc: 19/03/2019, 14:01

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhất trong tất cả các loại bệnh. Nắm bắt được tâm lý lo sợ đó, nhiều phòng khám, bệnh viện mở ra hàng loạt các dịch vụ tầm soát ung thư. Thế nhưng, thực tế có thực sự tầm soát được ung thư?

Hiện nay, không khó để nhận thấy nhiều gói tầm soát ung thư được đưa ra nhắm vào tâm lý lo sợ ung thư của người dân. Nhiều phòng khám, bệnh viện tung ra các gói tầm soát ung thư, chỉ định các xét nghiệm định lượng các chất nhằm tầm soát các loại ung thư.

Tuy nhiên, không phải ai cũng rõ, với mỗi dịch vụ tầm soát ung thư luôn tiềm ẩn những rủi ro, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe bệnh nhân. Bệnh nhân có thể đối mặt với một số vấn đề (chảy máu trong, lây nhiễm chéo) do lỗi kỹ thuật như rủi ro rách ống tiêu hoá khi thực hiện nội soi, lỗi trong quy trình vô khuẩn dụng cụ gây tăng khả năng lây nhiễm bệnh từ người khác. Âm tính hoặc dương tính giả - xét nghiệm cho kết quả trái ngược với tình trạng thực tế của bệnh nhân, gây nỗi hoang mang, lo lắng không cần thiết ở người bệnh.

Người dân hiện nay đi tầm soát ung thư nhưng chưa thực sự hiểu rõ về dịch vụ này

Người dân hiện nay đi tầm soát ung thư nhưng chưa thực sự hiểu rõ về dịch vụ này

Người dân hiện nay đi tầm soát chưa được thông tin đầy đủ, các phòng khám thỏa sức tư vấn cho người dân làm rất nhiều các xét nghiệm khác nhau, mà hiệu quả đối với người dân thì còn bỏ ngỏ. Tầm soát ung thư không đơn giản chỉ là thử máu, siêu âm hay là chụp X-quang. Để đạt hiệu quả cần sự chuẩn bị của cả hệ thống y tế hơn là vài lời quảng cáo khoa trương nên dường như, các gói tầm soát ung thư hiện nay mang lại hiệu quả kinh tế cho phòng khám nhiều hơn là sức khỏe cho người dân?

"Tầm soát ung thư" có thực sự tầm soát được ung thư?

Bác sĩ Nguyễn Vĩnh tường - GĐ Y khoa phòng khám Victoria Healthcare: "Theo kết luận từ rất nhiều nghiên cứu về các dấu ấn ung thư đều khẳng định, không có một xét nghiệm máu nào có thể cho kết quả đáng tin cậy trong khảo sát, phát hiện sớm ung thư". 

Được biết, theo BS Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu BV quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, không khó để nhận thấy nhiều gói tầm soát ung thư được đưa ra nhắm vào tâm lý lo sợ của người dân mà thiếu bằng chứng khoa học và không hiệu quả. (Theo PLO)

Nhiều phòng khám, bệnh viện đang tung ra các gói tầm soát ung thư, trong đó chỉ định các chất đánh dấu bướu như CEA, CA 15-3… trong khi chưa có tổ chức uy tín nào trên thế giới sử dụng xét nghiệm định lượng các chất này nhằm tầm soát các loại ung thư ruột già, ung thư vú… bởi CEA thường được quảng cáo nhằm phát hiện sớm ung thư ruột già nhưng thật ra chất này cũng tăng trong nhiều bệnh lý khác như ung thư phổi, bao tử, viêm phổi, viêm ruột… CEA chỉ tăng trong một số ít bệnh nhân, do đó lạm dụng chỉ định CEA trên người khỏe mạnh sẽ gây thêm hoang mang.

Danh mục xét nghiệm ung thư của 1 bệnh viện đa khoa tại Hà Nội

Danh mục xét nghiệm ung thư của 1 bệnh viện đa khoa tại Hà Nội

Ngoài ra, một ví dụ khác, việc lạm dụng siêu âm tuyến giáp nhằm tầm soát ung thư giáp sẽ dẫn đến điều trị quá mức, không cần thiết do ung thư giáp là bệnh lý tiến triển rất chậm và nhiều nghiên cứu đã chứng minh tầm soát ung thư tuyến giáp chỉ gây thêm biến chứng do việc điều trị gây ra mà không ích gì cho bệnh nhân.

Trong khi đó, giá của mỗi gói tầm soát ung thư trên thị trường hiện nay là không hề nhỏ mà chưa có bất cứ căn cứ khoa học nào chứng minh được tầm soát ung thư có thể ngăn chặn được ung thư. Chính vì vậy, trước thực trạng trên, người dân cần nâng cao nhận thức, tự "tầm soát ung thư" bằng việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, chế độ ăn uống khoa học cùng tâm lý sống lạc quan để phòng tránh bệnh tật thay vì phụ thuộc vào các gói tầm soát ung thư được quảng cáo rầm rộ tại các phòng khám, bệnh viện như hiện nay...

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam xếp vị trí 99/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ mắc ung thư 151,4/100.000 dân, xếp 19 châu Á và thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á. Vào năm 2015, Việt Nam xếp vị trí 107 và thời điểm 2013 xếp ở vị trí 108. Số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010. Năm 2018, số ca mắc mới tăng lên gần 165.000 ca/96,5 triệu dân, trong đó gần 70% trường hợp tử vong, tương đương 115.000 ca.

Theo số liệu WHO 2018

Theo số liệu WHO 2018

Nhìn tổng quan trên bản đồ ung thư thế giới, tỉ lệ mắc của Việt Nam không cao, tuy nhiên tỉ lệ tử vong tương đối lớn, xếp vị 56/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ 104,4/100.000 dân. Vào năm 2016, tỉ lệ tử vong của Việt Nam ở mức 110/100.000 dân.