19/01/2025 | 02:07 GMT+7, Hà Nội

Bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ sau tuổi 30, 5 dấu hiệu dễ phát hiện nhưng ít ai biết

Cập nhật lúc: 20/02/2019, 06:51

Nữ bệnh nhân nhập viện với các dấu hiệu ra máu vùng kín, chóng mặt, da xanh... Kết quả xét nghiệm cho thấy bà bị ung thư giai đoạn 4.

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên. Theo Ghi nhận ung thư 2018, Việt Nam có khoảng gần 4.200 ca mắc mới và có hơn 2.400 ca tử vong vì căn bệnh này. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Nữ bệnh nhân Nam Phi nguy kịch vì phát hiện ung thư cổ tử cung nhưng không điều trị

Ngày 11/2, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện K tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân Quốc tịch Nam Phi, bà Demirel S. (54 tuổi). Trước đó, từ cuối tháng 11/2018 bà đã được chẩn đoán ung thư cổ tử cung nhưng không điều trị.

TS.BS Nguyễn Tiến Đức, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, cho biết bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng ra máu âm đạo, chóng mặt, buồn nôn, da xanh niêm mạc nhợt, vô niệu.

Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị suy thận cấp do khối ung thư cổ tử cung xâm lấn lan rộng làm giãn niệu quản 2 bên, Ure huyết tăng cao lên tới 44 (chỉ số bình thường từ 2.5 – 7.5); Creatinin 1216 (chỉ số giới hạn thường 44-106) và hội chứng thiếu máu nặng.

Những người sinh con quá sớm (dưới 17 tuổi) khi cơ quan sinh sản chưa phát triển hết sẽ làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Những người sinh con quá sớm (dưới 17 tuổi) khi cơ quan sinh sản chưa phát triển hết sẽ làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Ngay lập tức các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu đã tiến hành truyền máu, lọc máu, cấp cứu tích cực giúp tình hình bệnh nhân cải thiện. Chỉ số hồng cầu, huyết sắc tố tăng, sau 2 lần lọc máu chỉ số Ure giảm còn 9.8 và Creatinin giảm xuống hơn 300.

Bệnh nhân đã được chỉ định thực hiện các xét nghiệm siêu âm, chụp Cộng hưởng từ cho thấy khối u cổ tử cung khích thước 9,5x8,7x9,6cm, nhiều hạch chậu và hạch chủ bụng, khối tuyến thượng thận 2 bên. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy thận cấp và mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn IV, sẽ tiếp tục được theo dõi và điều trị theo phác đồ.

Dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung

Các bác sĩ cho biết, nếu chị em thấy 5 dấu hiệu sau: Ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu; Ra máu âm đạo bất thường; Ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục; Đau tức vùng bụng dưới; Đi tiểu, đi ngoài ra máu khi ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng, thì cần đi khám gấp.

Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu.

Chuyên gia Bệnh viện K khuyến cáo, việc sàng lọc, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng và cơ hội điều trị thành công cao.

Chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung theo chỉ định của bác sỹ, cùng với tiêm phòng vaccine, đây là cách phòng tránh và phát hiện sớm nhất bệnh ung thư cổ tử cung.

Thủ phạm chính gây ra bệnh ung thư cổ tử cung

Virus HPV là thủ phạm chính gây ung thư cổ tử cung (99,7%), lây truyền qua đường tình dục. Bình thường, HPV có hơn 100 type nhưng 14 type có nguy cơ cao gây ra loại ung thư này.

Ngoài ra, thuốc hay các bệnh ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch như virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng HPV và dẫn đến ung thư cổ tử cung. Bên cạnh đó, tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng, đặc biệt là trên 35 tuổi.

Những người sinh con quá sớm (dưới 17 tuổi) khi cơ quan sinh sản chưa phát triển hết sẽ làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung. Phụ nữ sinh đẻ nhiều lần (từ 3 lần trở lên) thì tỷ lệ mắc bệnh cao gấp hai lần so với những phụ nữ sinh 1 – 2 con. Một số nguyên nhân khác: béo phì, thuốc lá, quan hệ tình dục bừa bãi, sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài... cũng là nguy cơ cao gây ra bệnh này.

Tầm soát sớm ung thư cổ tử cung tại bệnh viện K được thực hiện như thế nào?

· Khám phụ khoa

· Soi cổ tử cung: Phát hiện tổn thương sớm bất thường tại cổ tử cung

· Thực hiện xét nghiệm Pap smear và HPV: Xét nghiệm Pap được thực hiện nhằm tìm kiếm sự thay đổi trong các tế bào cổ tử cung, là một xét nghiệm rất đơn giản để tìm những biến đổi bất thường của tế bào cổ tử cung.

· Xét nghiệm HPV: rất có giá trị trong sàng lọc ung thư cổ tử cung.

· Sinh thiết cổ tử cung: khi phát hiện dấu hiệu bất thường qua soi cổ tử cung hoặc xét nghiệm Pap smear có tế bào bất thường.

· Các xét nghiệm khác: siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu…

· Đọc kết quả và tư vấn (hoặc chỉ định khác nếu có).

Võ Thu