23/11/2024 | 00:33 GMT+7, Hà Nội

Những bệnh lý tai mũi họng thường gặp lúc giao mùa

Cập nhật lúc: 19/02/2019, 22:46

Thời điểm giao mùa những ngày cuối tháng 2 ở Hà Nội, không khí lạnh và mưa sẽ rất dễ mắc những bệnh về tai mũi họng.

Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng được chia thành hai loại là viêm mũi dị ứng có chu kì và viêm mũi dị ứng không có chu kì. Loại viêm mũi dị ứng có chu kì rất phổ biến vào thời điểm giao mùa, đầu mùa lạnh hay đầu mùa nóng.

Bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng thường có biểu hiện hắt hơi liên tục, ngứa mũi, đỏ mắt, chảy nước mắt, cảm giác bỏng rát vùng họng… Các triệu chứng này thường xuất hiện nhiều nhất vào thời điểm sáng sớm ngủ dậy và dịu dần khi về tối.

Viêm tai giữa

Viêm tai giữa tiết dịch hay gặp ở trẻ em, tỷ lệ mắc chiếm khoảng 10 – 20% tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Thời gian giao mùa sang mùa thu, tầm tháng 9, tháng 10 là thời điểm trẻ dễ bị mắc bệnh nhất. Bệnh để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Viêm xoang

Viêm xoang rất dễ gặp khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt khi tiết trời bắt đầu trở lạnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và nhanh tiến triển, nếu không được xem xét điều trị đúng có thể gây những biến chứng khó lường.

Bệnh nhân bị viêm xoang thường có biểu hiện đau nhức (vùng má, lông mày, giữa hai mắt, vùng gáy…), dịch nhầy chảy ra phía mũi, nghẹt mũi, điếc mũi…

Viêm amidan

Thời tiết giao mùa, viêm amidan có thể gặp nhiều ở cả người lớn và trẻ em. Do cấu trúc amidan nhiều hốc và nằm giao đường ăn và đường thở, là cửa ngõ khiến vi rút, vi khuẩn rất dễ xâm nhập gây bệnh, đặc biệt khi thời tiết thay đổi thất thường.

Bệnh nhân viêm amidan cấp thường có biểu hiện đau họng, sốt, chảy nước mũi, hai amidan sung lớn, vùng họng viêm đỏ…; bệnh nhân viêm amidan mạn thường gây cảm giác đau nhói vùng họng, thỉnh thoảng ho khan, khàn tiếng, hơi thở hôi…

Viêm VA

Viêm VA có nhiều nguyên nhân khác nhau, một trong những nguyên nhân điển hình là tình trạng viêm nhiễm do bị lạnh, các vi khuẩn và vi rút có sẵn ở mũi họng trở nên gây bệnh. Một nguyên nhân không thể bỏ qua chính là cấu trúc của VA có nhiều khe, hốc, là nơi vi khuẩn dễ trú ẩn và phát triển càng dễ khiến bệnh dễ tái phát.

Bệnh viêm VA cấp thường có biểu hiện sốt cao, co giật, rối loạn tiêu hóa, tắc mũi, chảy mũi, trẻ bị ngủ ngáy.

Cách phòng tránh bệnh tai mũi họng.

Thời tiết và khí hậu nhiệt đới gió mùa tại Việt Nam luôn là mối lo ngại của nhiều người và đặc biệt là gia đình có trẻ nhỏ, rất dễ mắc các bệnh về tai mũi họng mỗi khi thời tiết giao mùa. Những căn bệnh này tuy không nguy hiểm nhiều nhưng lại gây khó chịu cho người mắc phải, vậy làm thế nào để phòng ngừa bệnh tai mũi họng một cách hiệu quả?

Nên tăng cường sức đề kháng, thường xuyên tập luyện thể thao, vận động cơ thể. Song song việc bổ sung dưỡng chất bằng cách ăn đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, uống đủ nước. Tránh tiếp xúc với các môi trường có nhiều bụi bặm và khói thuốc. Cần cung cấp những chất bổ dưỡng như sữa, thịt, cá, trứng, rau xanh, hoa quả…. Ngoài ra, chúng ta luôn phải giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, thường xuyên rửa tay trước khi ăn uống, thực phẩm ăn uống đảm bảo an toàn, giữ ấm cơ thể khi trời trở lạnh. 

Theo PGS. TS Hoài An, giám đốc Bệnh Viện An Việt cho biết, các bệnh lý Tai mũi họng không điều trị dứt điểm có thể trở nên mãn tính và nhiều biến chứng nguy hiểm với sức khỏe, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. 

Khi mắc các bệnh tai mũi họng không nên tự ý mua thuốc tránh không hiệu quả, nên đi khám tại các cơ sở y tế, bệnh viên khi có triệu chứng để có thể phát hiện các bệnh về tai mũi họng và chữa trị kịp thời