Tài chính tiêu dùng: Xu hướng và giải pháp
Cập nhật lúc: 12/11/2015, 14:05
Cập nhật lúc: 12/11/2015, 14:05
Vào khoảng năm 90 của thế kỷ trước, tại nhiều quốc gia phát triển, các cá nhân và hộ gia đình vẫn chủ yếu được xem là nguồn cung vốn cho thị trường tài chính thông qua các khoản tiết kiệm và đầu tư của họ, hơn là vai trò của một đối tượng đi vay.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi mà số dư nợ từ khu vực cá nhân và các hộ gia đình gia tăng đáng kể, vấn đề này bắt đầu thu hút sự chú ý của cơ quan quản lý, các tổ chức tài chính…
Hoạt động cho vay cá nhân và hộ gia đình nhằm đáp ứng những nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của con người, khi xã hội phát triển lên những nấc thang mới. Với hàng triệu sản phẩm mới được ra đời mỗi ngày nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng lên.
Cơ hội tiếp cận với các khoản tài chính tiêu dùng đã giúp cho nhiều người có thể đáp ứng dễ dàng hơn nhu cầu tiêu dùng của mình, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính, góp phần gia tăng công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ thành quả phát triển của thế giới giữa các nhóm thu nhập khác nhau, đồng thời, thúc đẩy tăng sản lượng sản xuất, tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế...
Các dữ liệu thống kê cho thấy, cho vay tiêu dùng đang phát triển nhanh và mạnh mẽ tại hầu hết các khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, việc hướng tới phục vụ các đối tượng khách hàng có mức thu nhập trung bìn và thấp, năng lực tài chính hạn chế, lịch sử tín dụng gần như không có, cùng với đó là thủ tục cho vay dễ dàng, không đòi hỏi tài sản đảm bảo… dẫn đến rủi ro tín dụng đối với loại hình dịch vụ thường rất cao. Đi kèm với đó là mức lãi suất cho vay cao, có thể gây ra nhiều bất lợi và rủi ro cho những người đi vay.
Để có góc nhìn đa chiều về vấn đề này, Tiêu dùng + sẽ giới thiệu một số góc nhìn tiêu biểu của các chuyên gia kinh tế, đại diện cơ quan lập pháp, các cán bộ từng làm việc lâu năm trong ngành tài chính… để phần nào khắc họa về xu hướng, triển vọng của hoạt động tín dụng tiêu dùng cũng như một số lưu ý đối với người vay.
Ông Đặng Ngọc Tú, Phó trưởng Ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia
PV: Thị trường tín dụng tiêu dùng trong nước những năm qua đã chứng kiến sự gia tăng ngày một mạnh mẽ cả về số lượng khách hàng và dư nợ tín dụng. Bản thân ông đánh giá như thế nào về thị trường này?
Ông Đặng Ngọc Tú:Với dân số đông tới 90 triệu người, trong đó khoảng 53 triệu người ở độ tuổi lao động, hơn 52 triệu người có việc làm, 37,8 triệu người làm công ăn lương (ước khoảng 1/3 số này là lao động có mức thu nhập đáp ứng điều kiện là đối tượng của tín dụng tiêu dùng), tôi cho rằng đây thực sự là nguồn cầu tiềm năng rất lớn đối với loại hình dịch vụ này.
Mặc dù có mức phát triển nhanh trong mấy năm qua, với mức tăng trưởng tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trung bình đạt 20%/năm, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/GDP hiện mới chỉ đạt khoảng 6,4%, tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 5,6% tổng tín dụng ngân hàng cho toàn nền kinh tế, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/tiêu dùng cuối cùng đạt 7,3%, có thể thấy quy mô thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam vẫn còn quá nhỏ bé so với trung bình trên thế giới.
Bởi vậy, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam hiện được xem là thị trường đầy tiềm năng và hoàn toàn có thể phát triển do có nhiều ưu việt như: thủ tục vay đơn giản, không cần tài sản thế chấp, chỉ cần chứng minh được khả năng trả nợ...
PV: Vậy, để thu hút được ngày càng đông khách hàng, các ngân hàng và công ty tài chính đã có những chính sách gì, thưa ông?
Ông Đặng Ngọc Tú:Những năm gần đây, các ngân hàng thương mại và công ty tài chính luôn đa dạng hóa sản phẩm cho vay tiêu dùng bằng nhiều sản phẩm thiết kế dành cho các khách hàng cá nhân có thu nhập thường xuyên, ổn định... với chính sách cho vay hấp dẫn.
Có những nơi, khách hàng có thể được vay tới 10, 15 tháng, thậm chí tương đương 20 tháng thu nhập, với số tiền từ 200-500 triệu đồng. Thủ tục vay cũng rất đơn giản, thuận tiện như chỉ cần có chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận lương tối thiểu…
PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của tín dụng tiêu dùng đối với kinh tế - xã hội nói chung và đối với mỗi gia đình nói riêng?
Ông Đặng Ngọc Tú: Có thể thấy, hoạt động tín dụng tiêu dùng hiện nay có vai trò rất tích cực đối với kinh tế - xã hội cũng như đối với mỗi gia đình. Với từng người, từng nhà, loại hình tín dụng này đã hỗ trợ khá nhiều khách hàng chưa có tích luỹ có thể mua sắm hàng hóa, trang trải các chi phí dịch vụ, sau đó tiết kiệm để trả dần trong tương lai.
Còn ở góc độ phát triển kinh tế - xã hội, việc phát triển dịch vụ tín dụng tiêu dùng đã góp phần giảm bớt nạn “tín dụng đen”, hình thành thị trường tín dụng với đa dạng sản phẩm, đem lại nhiều lựa chọn cho người dân. Hơn nữa, nó còn góp phần kích cầu tiêu dùng, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất trong nước, thúc đẩy hoạt động bán lẻ...
PV: Vậy, theo ông, Nhà nước cần làm gì để thúc đẩy hoạt động tín dụng tiêu dùng phát triển?
Ông Đặng Ngọc Tú:Nhu cầu và tiềm năng tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam là rất lớn, mở ra cơ hội mới cho các công ty tài chính, các ngân hàng thương mại.
Vì vậy, Nhà nước cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động tín dụng tiêu dùng để thúc đẩy thị trường này phát triển lành mạnh và hiệu quả, tạo cơ hội cho người dân được tiếp cận kênh tín dụng chính thức, không phải vay mượn từ các cá nhân, tổ chức phi chính thức, hạn chế “tín dụng đen” trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, các TCTD cũng cần quan tâm đến việc phát triển thị trường dịch vụ tài chính tiêu dùng,với các gói sản phẩm thiết kế ngày càng phù hợp với khách hàng hơn.
Bà Nguyễn Thị Mùi, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam
PV: Bà có đánh giá như thế nào về thị trường tín dụng tiêu dùng của Việt Nam trong những năm tới?
Bà Nguyễn Thị Mùi: Là loại tín dụng nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của dân cư, tín dụng tiêu dùng đã ra đời và phát triển hàng trăm năm ở nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những nước phát triển. Loại hình tín dụng này giúp ổn định và nâng cao đời sống vật chất của người dân, khi thu nhập của họ ở mức thấp lại không ổn định.
Ở Việt Nam, vài năm gần đây, tín dụng tiêu dùng đã có sự tăng trưởng khá (trên dưới 20%/năm). Với dân số trên 90 triệu người, nhu cầu tiêu dùng rất lớn, trong khi thu nhập người dân còn hạn chế, chắc chắn, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam sẽ có điều kiện phát triển mạnh trong những năm tới.
PV: Vậy theo bà, sự phát triển của tín dụng tiêu dùng đem lại những lợi ích gì và ai sẽ là người được hưởng lợi?
Bà Nguyễn Thị Mùi: Sự phát triển của tín dụng tiêu dùng trước hết đem lại những lợi ích thiết thực cho các TCTD, rồi đến người dân/khách hàng và nền kinh tế.
Cụ thể, đối với các TCTD, sự phát triển tín dụng tiêu dùng không chỉ giúp tăng trưởng tín dụng vào phân khúc có suất lợi nhuận cao, đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng, mà còn giúp các tổ chức này phân tán rủi ro trong hoạt động cho vay.
Còn đối với khách hàng, đây là giải pháp tài chính hợp lý khi thu nhập chỉ ở mức trung bình nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, cải thiện mức sống, hạn chế việc đi vay nặng lãi. Đối với nền kinh tế, tín dụng tiêu dùng phát triển giúp tăng chi tiêu, ổn định trật tự xã hội, từ đó tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, do đa số khách hàng vay tiêu dùng là những người có thu nhập trung bình hoặc thấp, không ổn định và không có tài sản bảo đảm, trong khi món vay nhỏ, thời gian cho vay ngắn, nên mức độ tiềm ẩn rủi ro của khoản vay lớn, chi phí nhân lực để quản lý khoản vay tính bình quân trên một đơn vị dư nợ cho vay sẽ cao hơn so với các khoản vay thương mại truyền thống.
Để bù đắp rủi ro tiềm ẩn này, TCTD đưa ra lãi suất thỏa thuận với khách hàng thường cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng thương mại cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
PV: Vậy, để phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, theo bà, cần có các giải pháp gì và bà có lời khuyên nào dành cho người đi vay?
Bà Nguyễn Thị Mùi: Như đã nói, tín dụng tiêu dùng đem lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia. Vì vậy, để phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đảm bảo lợi ích các bên, trước tiên, cần xây dựng quy chế/quy định cho vay tiêu dùng, tạo sự minh bạch và cạnh tranh lành mạnh giữa các TCTD, để tín dụng tiêu dùng không thể là tín dụng nặng lãi, không lẫn lộn tín dụng tiêu dùng với tín dụng nặng lãi.
Tiếp đó, cần nâng cao trách nhiệm của đơn vị quản lý giám sát, xử phạt nghiêm các TCTD vi phạm quy định/quy chế về tín dụng tiêu dùng. Tổ chức có hiệu quả hoạt động truyền thông và lồng ghép kiến thức về tài chính cá nhân, tín dụng tiêu dùng đến người dân để họ hiểu và biết cách tiếp cận vốn vay.
Riêng đốivới người vay, cần hiểu rõ đây là quan hệ vay - trả.Vay tiền để tiêu dùng trước, trả sau thì phải chú ý đến số tiền vay, bởi nếu tiêu dùng trước quá lớn sẽ hạn chế chi tiêu trong tương lai, thậm chí không trả được nợ.
Lưu ý rằng, không chỉ có chậm trả gốc và lãi mới bị phạt, mà trả nợ trước hạn cũng bị “phạt” dưới hình thức phí trả nợ trước hạn, vì thế, thời gian vay bao lâu cũng cần phải tính kỹ. Cuối cùng, cần đọc kỹ những câu chữ trong điều khoản của hợp đồng vay vốn, lãi suất vay và cách tính lãi...
PV: Trong khi ở các quốc gia phát triển, tín dụng tiêu dùng được cung ứng bởi các định chế tài chính, thì ở Việt Nam, hoạt động này chủ yếu do tổ chức nào thực hiện, thưa ông?
TS. Vũ Đình Ánh: Tín dụng tiêu dùng là lĩnh vực hoạt động phổ biến trên thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia phát triển; là kết quả tất yếu của cung tín dụng từ các định chế tài chính song hành với tín dụng truyền thống, nhằm thỏa mãn nhu cầu cả về vật chất và tinh thần ngày càng cao của người dân trong xu hướng phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Ở Việt Nam, các Ngân hàng thương mại, các công ty tài chính (độc lập hoặc do ngân hàng thương mại thành lập dưới mô hình công ty con, công ty liên kết) đóng vai trò chủ chốt trong cung cấp tín dụng tiêu dùng.
Thông qua đó, một phần đáng kể tín dụng tiêu dùng, hay có tính chất tiêu dùng, sẽ được đáp ứng qua kênh tín dụng chính thức, hợp pháp thay vì kênh “tín dụng đen”, tín dụng phi chính thức như hiện nay. Có thể nói, các công ty tài chính ở Việt Nam hiện nay đang góp phần tích cực đáp ứng nhu cầu tín dụng tiêu dùng hợp lý và hợp pháp của một bộ phận dân cư đang ngày càng tăng về số lượng, quy mô và yêu cầu chất lượng đối với tín dụng tiêu dùng.
PV: Ông có đánh giá như thế nào về hoạt động tín dụng tiêu dùng của nước ta trong thời gian qua?
TS. Vũ Đình Ánh: Tín dụng tiêu dùng chính thức đã phát triển ở nước ta hơn một thập kỷ qua, tuy nhiên vẫn ở trạng thái manh nha. Hơn nữa, do mới có sự thay đổi về quy định những định chế tài chính được phép cung cấp tín dụng tiêu dùng nên chúng ta còn thiếu nhiều khuôn khổ pháp lý, cũng như quy định cụ thể để giúp cho tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ hơn, vừa tuân thủ các quy định của pháp luật, vừa tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận tín dụng tiêu dùng của người dân, đồng thời quản lý được các rủi ro tín dụng tiêu dùng. Bên cạnh đó là những hạn chế về tập quán, thói quen và khả năng quản lý tín dụng tiêu dùng của người vay lẫn người cho vay...
PV: Hiện có không ít tranh luận xung quanh mức lãi suất cao của cho vay tín dụng tiêu dùng. Vậy, theo ông, đâu là nguyên nhân?
TS. Vũ Đình Ánh: Sự xuất hiện của những tranh luận về mức lãi suất cho vay tín dụng tiêu dùng cao, nhất là khi so sánh với lãi suất cho vay thương mại dành cho sản xuất, kinh doanh, chủ yếu bắt nguồn từ việc chúng ta chưa có một thị trường tín dụng tiêu dùng thực sự phát triển, trong khi khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này lại chưa đầy đủ và chưa phù hợp với thực tiễn thị trường.
Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin để giúp xã hội hiểu rõ, hiểu đúng về bản chất, điều kiện tiếp cận và rủi ro tiềm ẩn liên quan đến tín dụng tiêu dùng còn không ít bất cập. Tôi cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta cần sớm khắc phục những hạn chế này để thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh và tiệm cận với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
PV: Để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh, theo ông cần có giải pháp gì?
TS. Vũ Đình Ánh: Thiết nghĩ, để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh có nhiều việc phải làm, song theo tôi có hai việc quan trọng và cấp bách nhất là phải xây dựng khuôn khổ pháp lý cho thị trường tín dụng tiêu dùng và hỗ trợ các định chế tài chính trong việc phổ biến tuyên truyền kiến thức và thông tin về tín dụng tiêu dùng.
Phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ là công cụ hữu hiệu nhất để hạn chế “tín dụng đen”, đồng thời là phương thức hữu hiệu đa dạng hóa hoạt động của các TCTD.
PV: Vậy, theo ông, có nên áp trần lãi suất đối với hoạt động tín dụng cho vay tiêu dùng không? Và ông có lời khuyên gì đối với thị trường tín dụng tiêu dùng nói chung và đối với người đi vay nói riêng?
TS. Vũ Đình Ánh: Căn cứ vào tính chất của thị trường tín dụng tiêu dùng, cả về lý thuyết và thực tiễn, cả kinh nghiệm quốc tế lẫn kinh nghiệm trong nước sau mấy năm triển khai mạnh tín dụng tiêu dùng vừa qua, tôi cho rằng không nên áp dụng trần lãi suất đối với tín dụng cho vay tiêu dùng do vừa không khả thi, vừa đi ngược lại các nguyên tắc thị trường mà chúng ta đang cố gắng áp dụng.
Thay vào đó, cần tập trung xây dựng thị trường tín dụng tiêu dùng lành mạnh và hiệu quả dựa trên nguyên tắc công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, để thị trường vận động theo qui luật cung - cầu, song cũng cần nâng cao khả năng thanh tra giám sát tín dụng tiêu dùng phù hợp với những rủi ro đặc thù của thị trường này.
Người vay tín dụng tiêu dùng cũng cần đặc biệt quan tâm đến mục đích sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ, tránh vung tay quá trán để rơi vào bẫy nợ.
PV: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường cho vay tiêu dùng hiện nay của Việt Nam?
TS. Võ Trí Thành: Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, thu nhập dân cư tăng, tầng lớp trung lưu nổi lên, cơ cấu dân số trẻ… thì ai cũng thấy nhu cầu và tiềm năng của thị trường cho vay tiêu dùng là rất lớn.
Các ngân hàng thương mại và định chế tài chính đều nhìn thấy các cơ hội đó và hiện đang có cuộc đua vào lĩnh vực này rất mạnh mẽ, cả trên góc độ đa dạng hóa loại hình cho vay, cũng như ở từng phân khúc thị trường, và ở hình thái của các định chế tài chính kinh doanh ở mảng này.
PV: Vậy theo ông, cuộc đua vào lĩnh vực tín dụng tiêu dùng này có hàm chứa nhiều rủi ro không?
TS. Võ Trí Thành: Hiện nhiều định chế tài chính đang tận dụng cơ chế của công ty tài chính để hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này. Điều này một mặt là tích cực, xét ở góc độ cạnh tranh, nhưng mặt khác, trong bối cảnh luật pháp còn chưa thật đầy đủ và chặt chẽ, giám sát chưa thật tốt thì cạnh tranh đó có thể không lành mạnh hoặc chứa đựng những rủi ro.
Bởi lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn lãi suất thương mại thông thường, cho nên có thể sinh ra cho vay dưới chuẩn vì chạy theo lợi nhuận, hay không tìm hiểu ngọn ngành về khả năng trả nợ của khách hàng, như những giấy tờ chứng minh có thể không phải là thật.
Bên cạnh đó, gọi là cho vay tiêu dùng nhưng có thể liên quan đến bất động sản hoặc những tài sản lớn, trong khi thị trường bất động sản luôn chứa đựng những rủi ro.
Cho nên ở đây, tinh thần là khuyến khích cạnh tranh thị trường, nhưng mặt khác cũng phải tính đến bối cảnh kinh tế vĩ mô ở thời điểm cụ thể nào đó, gắn với quy mô và mức độ cũng như các chiều cạnh của cho vay tiêu dùng để giám sát cho chặt chẽ hơn.
PV: Để lĩnh vực tín dụng tiêu dùng ngày một phát triển, theo ông, cần có những giải pháp cụ thể nào và lời khuyên dành cho người đi vay ở đây là gì?
TS. Võ Trí Thành: Theo tôi, để thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển, một mặt, các ngân hàng thương mại, định chế tài chính cần thực hiện tốt công tác quản trị rủi ro và tương tác tốt với khách hàng, đặc biệt là yếu tố minh bạch.
Mặt khác, về phía cơ quan quản lý, cần thấy mặt tích cực của lĩnh vực này để hỗ trợ, nhưng đồng thời cần tăng cường khả năng giám sát cũng như phản hồi giữa các cơ quan quản lý với thị trường để có thể điều chỉnh pháp luật, giúp cho lĩnh vực này phát triển bền vững.
Với người đi vay, lời khuyên ở đây là, hãy là những người vay thông thái, lên kế hoạch vay - trả cụ thể, bởi tài chính là câu chuyện không thể đùa giỡn.
PV: Xin ông có thể cho biết đôi điều về hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Hiện nay, ở các nước phát triển, tín dụng tiêu dùng chiếm tới hơn 60% tổng tín dụng phát hành.Trong khi đó, ở Việt Nam, tín dụng tiêu dùng so với tín dụng đầu tư mới chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ, do đây là thị trường mới.Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng sẽ nhanh chóng mở ra hướng kinh doanh mới cho các TCTD Việt Nam. Nếu tín dụng tiêu dùng phát triển, nó sẽ tạo ra được một lượng vốn rất tốt thúc đẩy cầu tiêu dùng và qua đó thúc đẩy sản xuất, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
PV: Ông có giải pháp gì để thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển, thưa ông?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Để phát triển tín dụng tiêu dùng, trước hết, phải nâng cao nhận thức của người dân về dịch vụ tài chính này. Bởi hạn chế trong hiểu biết về tín dụng tiêu dùng xuất phát từ cả hai phía.
Với người dân, họ vẫn giữ tư duy sản xuất nông nghiệp, thu được bao nhiêu ăn bấy nhiêu chứ không có được sản xuất công nghiệp căn cơ. Khi không có sản xuất công nghiệp, họ không có khả năng dự báo nguồn thu trong tương lai, nên khả năng vay là rất khó. Còn về phía các TCTD, họ vẫn cho vay tiêu dùng nhưng vẫn phải đảm bảo tính an toàn, do đặc thù rủi ro cao hơn của loại dịch vụ này.
Về giải pháp, theo tôi, trước hết, về phía các cơ quan lập pháp và quản lý nhà nước, cần rà soát lại các văn bản chi phối hoạt động của các mối quan hệ tín dụng tiêu dùng hiện nay, nếu cần thiết sẽ phải sửa đổi.
Cần kết hợp giữa TCTD với các nhà cung ứng, nhà sản xuất để tạo thành một chuỗi liên kết bởi nếu không sẽ gặp rủi ro trong việc thu hồi nợ và trả nợ. Khi đã vào chuỗi rồi, khách hàng đồng ý mua mặt hàng này thì TCTD sẽ tài trợ cho khách hàng để họ mua được sản phẩm của nhà sản xuất, cung ứng với giá cả phù hợp.
Lúc đó, khách hàng sẽ ký hợp đồng với tổ chức cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng và sẽ lấy sản phẩm về, tiền vay sẽ không phải qua tay khách hàng mà gửi thẳng đến nhà cung ứng, nên các TCTD không sợ thất thoát vì dùng tiền sai mục đích.
Ở đây, cán bộ tín dụng phải gắn mình với người vay tiêu dùng thì mới cảm nhận được, mới rà soát được khoản cho vay cũng như tư vấn để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng.Về phía người tiêu dùng, cần xác định rõ việc vay mua sản phẩm hàng hoá đó có thực sự cần thiết với đời sống của mình hay không và phải trả lời được câu hỏi là nếu không có sản phẩm đấy thì mình có phát triển tốt không? Bởi vì phát triển tốt thì có khả năng trả nợ tốt, phát triển bình thường thì khả năng trả nợ yếu./.