Sức khỏe của nhân dân là ưu tiên hàng đầu
Cập nhật lúc: 22/04/2020, 14:39
Cập nhật lúc: 22/04/2020, 14:39
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Thành phố Hà Nội đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đồng thời đẩy mạnh công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh khác.
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội quý I/2020 của Thành phố Hà Nội cho thấy, bên cạnh việc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc“, Thành phố Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, đảm bảo an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh trên người.
Theo đó, Thành phố đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống bệnh không lây nhiễm trên địa bàn năm 2020; chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương hiện nghiêm túc công tác hoạt động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn; duy trì chế độ giao ban và báo cáo dịch theo đúng quy định.
Người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 |
Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Thành phố Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo sát sao, huy động sự tham gia của tất cả các Sở, ban, ngành, địa phương; Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo biện pháp, giải pháp xử lý ngay khi phát sinh.
Đến nay, Thành phố đã áp dùng nhiều giải pháp tổng hợp để phòng, chống dịch bệnh như: Điều tra, xác minh các trường hợp có liên quan đến các ca bệnh; giám sát hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài; tổ chức tiếp nhận cách ly tại 13 khu cách ly tập trung và tại các khách sạn; điều trị và cách ly tập trung tại bệnh viện.
Cạnh đó, Thành phố cũng đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, đảm bảo nguồn dự phòng trong sẵn sàng cung ứng trong mọi tình huống không để xảy ra thiếu nguồn cung; đảm bảo công khai minh bạch thông tin về dịch bệnh; tổ chức tiếp nhận thông tin dịch bệnh 24/24 qua đường dây nóng của ngành Y tế; các đội phản ứng nhanh của các bệnh viện và các Trung tâm y tế sẵn sàng nhận nhiệm vụ ngay khi được điều động...
Song song với công tác phòng chống dịch Covid-19, Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm soát các dịch bệnh truyền nhiễm thường phát sinh trong thời gian chuyển mùa, tuyệt đối không để dịch chồng dịch. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã thường xuyên cử cán bộ y tế vào các bệnh viện được phân cấp để chủ động giám sát, xử lý triệt để ngay khi dịch còn ở quy mô nhỏ; chủ động triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, chiến dịch rửa tay bằng xà phòng để phòng chống dịch bệnh, thường xuyên kiểm tra công tác vệ sinh môi trường tại các khu vực công cộng, nơi tập trung đông người.
Công tác khám chữa bệnh cũng được Thành phố quan tâm toàn diện. Số giường bệnh kế hoạch năm 2020 là 12.695 giường, các bệnh viện đã thực hiện sắp xếp giường bệnh thực kê linh hoạt tại các khoa nên hầu như không còn tình trạng người bệnh phải nằm ghép. Tổ chức triển khai kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, triển khai thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử của Thành phố (Quy tắc ứng xử trong cơ quan/đơn vị và Quy tắc ứng xử nơi công cộng).
Người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe tại Khoa Lão, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. (Ảnh: Đức Vân) |
Tăng cường công tác cải tiến chất lượng bệnh viện, quản lý bệnh viện và thay đổi phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến khoa khám bệnh; triển khai bệnh viện vệ sinh, bệnh viện Xanh-Sạch-Đẹp; tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện. Phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị, nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện Trung ương và khu vực.
Từ đầu năm đến nay, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cũng đã được Thành phố tăng cường. Thành phố đã thực hiện tốt các chương trình, mô hình điểm về an toàn thực phẩm, triển khai kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người tại các quận huyện; tiếp tục triển khai mô hình cảnh báo nhanh, các chuyên đề dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, an toàn thực phẩm tuyến phố văn minh tại 30 quận, huyện. Triển khai 14 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại 12 quận huyện.
Thành phố Hà Nội cũng đã chủ động đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh. Tổ chức triển khai thực hiện thông tư 52/2017 /TT-BYT quy định kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, thông tư 01/2017/TT-BYT quy định nhãn thuốc, thông tư 02/2017/TT-BYT quy định thực hiện nhà thuốc, thông tư 03/2017/TT-BYT quy định thực hành tốt phân phối thuốc. Tiếp tục đôn đốc tiến độ kết nối các cơ sở cung ứng thuốc bằng giải pháp công nghệ thông tin.
Tiếp tục tăng cường kiểm tra thực hiện quy chế chuyên môn khám chữa bệnh tại các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, yêu cầu niêm yết công khai phạm vi hoạt động chuyên môn. Triển khai các hoạt động lồng ghép các yếu tố dân số trong hoạch định chính sách, lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, đơn vị trên cơ sở dân số vừa là yếu tố tác động vừa là mục tiêu của sự phát triển.
Triển khai mạnh, có hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng nhóm đối tượng; ưu tiên các đối tượng khó tiếp cận thông tin và dịch vụ dân số, sức khỏe sinh sản. Mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục về dân số, sức khỏe sinh sản, bao gồm cả giáo dục về phòng ngừa nhiễm HIV, bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh và sức khỏe tình dục trong và ngoài nhà trường.
14:29, 22/04/2020
14:27, 22/04/2020
14:25, 22/04/2020