18/01/2025 | 17:51 GMT+7, Hà Nội

Cuộc sống của sinh viên quốc tế tại Hà Nội giữa mùa dịch

Cập nhật lúc: 22/04/2020, 14:25

Sống cách ly, phải tự mình xoay xở mà không có gia đình bên cạnh… đó là một số khó khăn mà sinh viên quốc tế đang học tại Hà Nội gặp phải. Tuy nhiên, nhiều bạn đã biến những ngày cách ly thành những trải nghiệm thú vị...

Sống cách ly, phải tự mình xoay xở mà không có gia đình bên cạnh… đó là một số khó khăn mà sinh viên quốc tế đang học tại Hà Nội gặp phải. Tuy nhiên, nhiều bạn đã biến những ngày cách ly thành những trải nghiệm thú vị trong cuộc đời mình.

Đa số sinh viên quốc tế du học tại Việt Nam đều có mong muốn đến trường, gặp gỡ, làm quen với thầy cô, bạn bè, được trải nghiệm văn hóa, lối sống của Hà Nội. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến các bạn không làm được điều đó.

Là sinh viên năm thứ nhất khoa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), bạn Oluwafemi David Olabrigbe, quốc tịch Nigeria, chia sẻ: “Tôi đến đây một mình, chưa kịp quen biết ai thì đã bị cách ly. Tôi cảm thấy hơi hoang mang và nhớ nhà khi mọi dịch vụ như quán ăn, hàng cà phê đều đóng cửa. Tôi phải một mình đi tìm nơi mua nhu yếu phẩm trong khi công việc làm thêm phải dừng lại”.

Khó khăn này không chỉ riêng Oluwafemi David Olabrigbe mà nhiều sinh viên quốc tế khác cũng đang phải đối mặt song không ít bạn đã tìm cách vượt qua.

Ahmad Bill Jihadi, quốc tịch Indonesia cho biết: “Tôi theo đạo Hồi, khó khăn của chúng tôi là phải tìm nơi để cầu nguyện. Nhằm tránh tụ tập đông người, tôi đã tự lên mạng tìm các hội nhóm trực tuyến của người ngoại quốc theo đạo Hồi sinh sống tại Hà Nội. Chúng tôi giao lưu, trò chuyện và cùng giúp đỡ nhau vượt qua thời điểm khó khăn”.

Để giúp các bạn sinh viên nói chung và sinh viên nước ngoài đang du học tại Hà Nội nói riêng, ngoài việc học online, khoa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) liên tục cập nhật và hỗ trợ sinh viên bằng các dịch vụ như: Thư viện online - ship sách tận nơi, tặng gói dữ liệu 4G, tổ chức workshop online... Các phong trào, cuộc thi cũng được triển khai sôi nổi để các bạn trẻ cảm thấy đỡ buồn chán khi không đến trường.

Sinh viên Lee San, quốc tịch Hàn Quốc cho biết: “Để thời gian nghỉ dịch đỡ nhàm chán, tôi tham gia các cuộc thi viết và thử thách thể thao online do khoa Quốc tế tổ chức. Bây giờ tôi có thể nhìn vào mặt tích cực, dịch Covid-19 cho chúng ta cơ hội sống chậm lại, lắng nghe chính cơ thể, tâm trí mình đang muốn điều gì, để thấu hiểu bản thân hơn.

Tôi cũng dành thời gian để đọc sách và quan sát những điều nhỏ nhặt diễn ra xung quanh cuộc sống hằng ngày mà trước đây mình bỏ lỡ. Tôi trò chuyện với các thành viên gia đình qua chat và thấy hiểu họ hơn. Đây cũng là lần đầu tiên tôi làm việc nhà và tập nấu ăn”.

Còn chàng trai Satyam, sinh viên năm thứ nhất khoa Quốc tế cho hay: “Tôi nghĩ đây là thời điểm tốt nhất để học hoặc bắt đầu một điều gì mới. Là sinh viên Công nghệ thông tin nên tôi học thêm về lập trình Java trên mạng. Bên cạnh đó, tôi còn thường xuyên tập thể dục tại nhà để giữ gìn sức khỏe”.

Có thể thấy, thời gian đầu khi Hà Nội thực hiện cách ly xã hội, đa số các bạn sinh viên quốc tế đang học tại Thủ đô đều cảm thấy hoang mang. Tuy nhiên sau khi được Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội hỗ trợ về cả vật chất và các hoạt động tinh thần thì họ đã cảm thấy yên tâm hơn.

Được biết, trong những ngày qua, Đoàn Thanh niên Đại học Quốc gia Hà Nội đã có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm chia sẻ khó khăn với các bạn sinh viên, bao gồm cả sinh viên quốc tế trong đại dịch Covid-19, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Cụ thể, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội đã nắm bắt tình hình của sinh viên để chăm lo, giúp đỡ về lương thực, thực phẩm cho đến khi đi học trở lại. Đối với sinh viên ở ký túc xá, suất ăn miễn phí được các đoàn viên, thanh niên chuyển đến 3 ngày/1 lần thông qua Ban quản lý ký túc.

Dịch Covid-19 đến rồi sẽ qua đi nhưng "thời gian chết" sẽ không thể lấy lại được. Vì thế, để đối mặt với đại dịch toàn cầu bằng thái độ lạc quan, các sinh viên quốc tế tại Hà Nội đang học cách thích nghi với điều kiện thực tế và biến những thách thức thành cơ hội.