18/01/2025 | 17:53 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp

Cập nhật lúc: 22/04/2020, 14:08

Ngày 21-4, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp với một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn thành phố...

Ngày 21-4, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp với một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn thành phố để tháo gỡ những khó khăn trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra. 

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Phải vực dậy nông nghiệp ngay từ bây giờ” 

Chăn nuôi bị tác động nặng nề bởi dịch Covid -19

Tại cuộc họp, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết, dịch bệnh Covid-19 diễn ra dẫn đến khan hiếm nguồn nguyên liệu nhập bởi các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu nhập khẩu 70-80% nguyên liệu từ Nam Mỹ, Mỹ và châu Âu. Đặc biệt nếu dịch bệnh kéo dài, giá cả leo thang, trong nước không có nguồn nguyên liệu thay thế dẫn đến việc sản xuất đình trệ, giá thành sản phẩm cao. Khó khăn trong việc vận chuyển, lưu thông tiêu thụ trong nước trong thời gian dịch bệnh, Đại diện Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam miền Bắc cho biết, là đơn vị sản xuất kinh doanh nông nghiệp, sản xuất chăn nuôi khép kín, với công suất sản xuất 60.000 tấn/tháng, 720.000 tấn/năm, nhưng hiện công suất chỉ giữ được 600.000 tấn/năm

Công ty Tân Phương Đông (huyện Thường Tín, Hà Nội) thì phản ánh đang gặp khó khăn về nguồn cung nhập khẩu; các đối tác nước ngoài tăng giá bán. Lượng dự trữ nguyên liệu sản xuất cơ bản của nhà máy chỉ còn được 2 tháng.  Do đó, doanh nghiệp kiến nghị thành phố tháo gỡ khó khăn trong việc sớm giảm lãi suất cho nhóm doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Giám đốc Công ty thức ăn chăn nuôi Trường Thọ mong muốn thành phố sớm có chương trình hỗ trợ giống cho bà con; mong muốn Sở NN&PTNT phối hợp cùng các doanh nghiệp có thể liên kết được giống lợn lái về cho bà con khi nguồn cung lợn lái hiếm. Đại diện Công ty TNHH New Hope miền Bắc kiến nghị các ngân hàng có giải pháp hỗ trợ thúc đẩy được các ngành nghề thiết yếu, trong đó có ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, thực hiện Chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cùng với cả nước, Hà Nội đang thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, một trong những dư địa lớn nhất của Việt Nam cũng như của Hà Nội hiện nay là phát triển nông nghiệp. Trong nông nghiệp, ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng rất cao. Tại Hà Nội, chăn nuôi chiếm đến 46% tỉ trọng phát triển nông nghiệp toàn thành phố.

Chủ tịch UBND TP cho rằng, thức ăn chăn nuôi gia súc sản xuất trên địa bàn Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố phía Bắc chiếm tỷ trọng từ 70-85% nguyên liệu nhập từ các nước gồm sản phẩm từ đậu tương, ngô cho đến các sản phẩm về đạm thực vật... Đối với các doanh nghiệp lớn đã có những hợp đồng lớn, nguồn cung an toàn nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đơn hàng nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nhiều từ nguồn cung; cùng với đó doanh nghiệp cũng gặp khó khi chi phí vận tải, logistics tăng cao dẫn đến giá đầu vào nguyên liệu tăng… Từ đó dẫn đến suy giảm phát triển, ảnh hưởng đến tăng trưởng chung. “Phải vực dậy nông nghiệp ngay từ bây giờ”, Chủ tịch UBND TP nói.

Hà Nội đang thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. Quan điểm của thành phố là sẽ tạo mọi điều kiện cho tất cả các quá trình sản xuất phục vụ nông nghiệp cũng như tạo điều kiện cho các  các doanh nghiệp vận chuyển phục vụ sản xuất 24/24h

Kiểm soát tốt, không phong tỏa sản xuất

Liên quan đến việc sản xuất của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP nêu rõ, nếu như các doanh nghiệp đã rà soát toàn bộ công nhân và người nhà không có liên quan đến các ổ dịch hay đi qua các vùng có dịch thì cơ bản yên tâm. Tuy nhiên, cần quán triệt cho công nhân trong giai đoạn này cần đi đến nơi về đến chốn. Đến cơ quan phải thực hiện đeo khẩu trang, bảo hộ lao động, đo thân nhiệt, giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên...

Trước một số tin đồn thành phố phong tỏa nhà máy có trường hợp F1, F2 liên quan đến các ca dương tính, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, hiện nay thành phố chưa áp dụng phong tỏa với một nhà máy nào có trường hợp F1, F2 liên quan đến các ca dương tính. Đối với các trường hợp F1 sẽ được đưa đi cách ly tập trung, sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính thì F2 vẫn đi làm bình thường, còn F1 vẫn phải cách ly tại nhà trong 14 ngày. Nhà máy sẽ được phun khử khuẩn, tẩy rửa. Thành phố sẽ giao cho Sở Y tế để có hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị sản xuất.

Chủ tịch UBND TP khẳng định: “Quan điểm của thành phố là sẽ tạo mọi điều kiện cho tất cả các quá trình sản xuất phục vụ nông nghiệp cũng như tạo điều kiện cho các  các doanh nghiệp vận chuyển phục vụ sản xuất 24/24h”.

Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đang phải đối diện, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố luôn đồng hành với các doanh nghiệp, nhất là sau những tác động lớn của dịch Covid-19 thời gian qua. Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chỉ đạo các sở, ngành tham mưu, sớm soạn thảo văn bản kiến nghị giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu (ngô, đậu tương) để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Đồng thời, đẩy mạnh làm việc với các bộ, ngành có liên quan trong việc kết nối thu mua nguyên liệu từ các quốc gia Đông Âu (Nga, Ukraine...), nhằm mở rộng thị trường nguyên liệu. Cùng với đó, thành phố sẽ làm việc với các ngân hàng để mở rộng nguồn vốn vay không cần thế chấp.