19/01/2025 | 13:33 GMT+7, Hà Nội

Sửa đổi Luật đất đai: Không tạo kẽ hở cho lợi ích nhóm

Cập nhật lúc: 15/11/2022, 09:03

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 14/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án Luật phức tạp, phạm vi tác động rộng, được xã hội rất quan tâm.

Gần 70% trong tổng số khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai và thu hồi đất.

Tán thành với việc sửa đổi Luật đất đai, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho rằng, sửa đổi Luật đất đai phải tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, phát triển cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, khi sửa đổi Luật Đất đai, phải rà soát sự chồng chéo với các luật khác, tránh trường hợp khi sửa đổi Luật Đất đai vẫn phải sửa đổi nhiều luật, hoặc Luật Đất đai được thông qua nhưng các luật khác lại gặp nhiều cản trở trong việc thực thi.

Đại biểu Tô Văn Tám
Đại biểu Tô Văn Tám

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng việc sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết, thu hồi đất luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, được sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội và mọi người dân.

Báo cáo thường niên của Chính phủ cho thấy khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội chiếm gần 70% trong tổng số khiếu nại, tố cáo.

"Người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt quyền lợi nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế cho lợi ích của cộng đồng, lợi của Nhà nước nhưng sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc nhóm người nhưng lại áp giá đền bù thấp mang tính áp đặt, hay tạo kẽ hở trục lợi, lợi ích nhóm. Sửa đổi Luật Đất đai lần này cần phải khắc phục được vấn đề trên”, đại biểu cho ý kiến.
Ông cho rằng một điểm quan trọng là cần làm rõ nội hàm của việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Ở đây cần nhìn nhận rằng lợi ích quốc gia thu được từ việc thu hồi đất là mang tính lợi nhuận cho Nhà nước, còn lợi ích công cộng thì mang tính xã hội, không mang tính lợi nhuận.

Mặt khác, theo vị đại biểu đoàn Kon Tum, khi nói tới thu hồi đất tức là việc chính quyền thu hồi đất đai của chủ thể này trao cho một chủ thể khác bằng một mệnh lệnh hành chính, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, lạm quyền, gây bức xúc trong nhân dân.

Bởi vậy nên chăng xem xét cách tiếp cận theo hướng những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế - xã hội mang tính chiến lược, phát triển một vùng, một khu vực, một tỉnh, của cả nước, hoặc các công trình công cộng thì thu hồi.

Còn các dự án phát triển kinh tế đơn thuần thương mại theo quy hoạch, mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì thương lượng với người dân để mua lại hoặc thoả thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Trong quá trình thương lượng đó có sự tham gia của chính quyền với tư cách là chủ thể quản lý đất đai.

Khi thu hồi đất phải thể hiện được điều kiện “thật cần thiết”

Đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) quan tâm tới các trường hợp nhà nước thu hồi đất. Đại biểu cho rằng đây là một trong lĩnh vực có nhiều khiếu nại, do các quy định liên quan đến lĩnh vực này còn bất cập, chưa giải quyết được mối quan hệ hài hòa giữa nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất.

Đại biểu chỉ rõ: Điều 86 của dự thảo Luật có quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. So với Luật hiện hành, quy định có phạm vi mở rộng hơn, nhưng chưa rõ ràng về mục đích, chưa nổi bật tiêu chí trường hợp thật cần thiết phải thu hồi. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét thêm về nội dung này.

Đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ các điều kiện, tiêu chí cụ thể của các dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng so với các dự án vì lợi ích kinh tế thuần túy, làm rõ phương án bồi thường đất thỏa đáng để đảm bảo việc thu hồi đất, đặc biệt là ở khu đô thị, khu dân cư diễn ra minh bạch, công bằng.
Đồng quan điểm, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) nhấn mạnh, Hiến pháp quy định Nhà nước được quyền thu hồi đất, nhưng phải đủ các điều kiện: “thật cần thiết”, theo luật định và vì mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Điều đó có nghĩa, dù thu hồi đất cho mục đích gì thì phải có yếu tố “thật cần thiết” và luật phải quy định, tuy nhiên, dự thảo chưa thể hiện được điều này.

Theo đại biểu, thời gian qua thường là tự thuyết minh về sự “cần thiết” của từng dự án, điều đó dễ dẫn đến thực hiện theo ý muốn chủ quan, dễ tạo sự lạm dụng thu hồi đất tràn lan. Nhiều dự án sau khi được thu hồi đất thì 10 năm sau chưa triển khai, hoặc triển khai dở dang, không giữ được mục đích của thu hồi đất ban đầu. Yếu tố “thật cần thiết” chưa được quan tâm. Chính vì vậy, bà Mai Thị Phương Hoa đề nghị quy định ngay trong luật các tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là “thật cần thiết” và luật không làm được điều này thì chưa thực hiện đúng quy định của Hiến pháp.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, trong việc thu hồi đất, Nhà nước phải đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của 3 bên: Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, trong đó, cần quan tâm hơn đến người dân bị thu hồi đất, vì họ ở thế bị động, đồng thời, đại biểu đề nghị rà soát kỹ, đánh giá tác động các trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, vì dự thảo lần này có mở rộng thêm các trường hợp thu hồi đất, hoặc mở rộng phạm vi hơn, thậm chí quy định lỏng lẻo, chung chung hơn so với các trường hợp đã quy định trong luật hiện hành.

Định giá đất phải thể hiện hài hoà lợi ích các bên, tránh khiếu kiện, khiếu nại
Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) cho rằng thể chế, chính sách phải trên tinh thần tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân trong việc quyết định quyền sử dụng đất (giao cho doanh nghiệp hay góp vốn, định giá).Tuy nhiên, phải thống nhất một mức giá theo quy định của nhà nước, để đảm bảo sự công bằng, minh bạch; đồng thời, cần quan tâm đến cơ chế và kiểm soát thỏa thuận này.

Về định giá đất, dự thảo thể hiện theo hướng giá đất tiệm cận giá thị trường, song theo vị đại biểu đoàn Quảng Nam “nói như vậy nhưng thực tế rất khó” nên phải có tiêu chí, điều kiện, căn cứ pháp lý và thực tiễn. Nói giá thị trường thì có lúc lên, lúc xuống, nhưng lâu nay định giá đất cụ thể thường năm sau cao hơn năm trước. Do đó định giá phải thể hiện hài hoà lợi ích các bên, tránh khiếu kiện, khiếu nại.

Liên quan đến  quy định về giá đất, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) nêu rõ, trên thực tế, tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương một phần do những bất cập trong việc xác định bảng giá đất. Tính minh bạch, khách quan, chính xác của bảng giá đất là vấn đề rất quan trọng, góp phần định giá đất cụ thể. Do đó, đại biểu đề nghị cần có tổ chức độc lập, chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực khi xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảng giá đất hằng năm.

Nguồn: https://baodansinh.vn/sua-doi-luat-dat-dai-khong-tao-ke-ho-cho-loi-ich-nhom-20221114153322.htm