19/01/2025 | 13:25 GMT+7, Hà Nội

Sửa Luật Đất đai phải giải quyết bài toán lợi ích của quốc gia và người dân

Cập nhật lúc: 18/10/2022, 09:30

“Những gì có lợi cho người dân, chúng tôi sẽ bàn đến cùng để luật hóa, tất cả được thực thi vì lợi ích của người dân và quốc gia, dân tộc”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Những bất cập trong lĩnh vực đất đai thời gian qua phần nào bắt nguồn từ chính sách đất đai chưa hoàn thiện. Tại Talk show "Sửa đổi Luật Đất đai vì lợi ích quốc gia và người dân" do Báo Tin Tức tổ chức ngày 16/10, các chuyên gia tiếp tục bàn về những điểm đột phá trong Luật Đất đai, kỳ vọng sẽ giải quyết được bài toán lợi ích trên bình diện quốc gia và người dân nói riêng. Trong đó, việc sửa Luật Đất đai không chỉ cần những giải pháp căn cơ đối với các bất cập đang diễn ra, mà cần có tầm nhìn dài hạn, để biến nguồn lực đất đai thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn như mong mỏi của dư luận.

Sửa Luật Đất đai phải phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, mục đích cao nhất của lần sửa luật này là để công tác quản lý đất đai có hiệu quả, pháp luật về đất đai có hiệu lực và khả thi. Trong đó, việc sửa đổi Luật Đất đai phải phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

“Nghĩa là trong từng bước thực hiện các chính sách phát triển, luật phải tính đến vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, hài hòa lợi ích của cộng đồng”, Bộ trưởng lý giải.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định, việc chuyển hình thức công cụ quản lý bằng mệnh lệnh hành chính sang công cụ kinh tế là bước đột phá, trong đó việc tìm ra một công cụ phù hợp với thể chế phát triển của thị trường là rất quan trọng. Khi khung giá đất 5 năm mới ban hành một lần thì không thể có việc định giá đất sát với giá thị trường. Do đó, định giá đất là bài toán cần giải quyết hết sức bài bản để có thể khẳng định giá đất hiện nay đã thể hiện được giá trị phổ quát của thị trường trong giai đoạn bình thường.

TS. Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội (Ảnh: baoquocte.vn)
TS. Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội (Ảnh: baoquocte.vn)

Đồng quan điểm, TS. Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc phân bổ nguồn lực phát triển kinh tế xã hội theo cơ chế khách quan, công bằng cũng là vấn đề dư luận xã hội quan tâm và kỳ vọng. Các hình thức đấu giá, đấu thầu, tự do chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn quyền sử dụng đất hay cho thuê quyền sử dụng đất là những công cụ thị trường chủ yếu để điều phối việc phân bổ nguồn lực đất đai. Việc giao đất thông qua công cụ thị trường sẽ tránh được các hạn chế của biện pháp hành chính.

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề cập đến vấn đề chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai tích hợp, toàn diện và phục vụ đa mục tiêu.

“Nếu có dữ liệu đất đai đầy đủ, chúng ta có thể tự tin thực hiện theo phương pháp định giá đất theo vùng giá trị mà thế giới đang áp dụng. Giá đất thể hiện rõ ràng trên cơ sở bản đồ địa chính số, thông qua đó, chúng ta dễ dàng xây dựng bảng giá đất hàng năm và tiến tới định giá đất được ở bất kỳ thời điểm nào”, ông Hà nêu rõ.

Đồng thời, ông khẳng định, trong thời gian tới, công tác quy hoạch sử dụng đất đai sẽ có những đột phá, thực sự là công cụ quan trọng, thể hiện quyền đại diện cho Nhà nước trong việc phân bổ nguồn lực đất đai cho các lực lượng sản xuất trong nền kinh tế. Việc cân bằng giữa việc phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng, môi trường; phân bổ đất đai cho thế hệ hiện tại và thế hệ sau.

Các chuyên gia cũng đồng tình, nếu làm tốt việc định giá đất công khai sẽ điều tiết được địa tô chênh lệch. Việc phân định rõ địa tô có được do Nhà nước hay cá nhân đầu tư sẽ giải quyết được bài toán lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đó cũng là mục tiêu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam đang theo đuổi.
Sửa luật cần đáp ứng đúng kỳ vọng của nhân dân

Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Nhiều chuyên gia đánh giá, trong hành trình đi đến mục tiêu này, đất đai là nguồn lực vô cùng quan trọng. Việc tháo gỡ các nút thắt ở Luật Đất đai, để đất đai thực sự là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước mới là kỳ vọng của dư luận hiện tại.

“Vấn đề quan trọng hiện nay là xây dựng cơ chế chính sách đất đai và áp dụng trong thực tiễn hiệu quả, làm sao để đất đai không chỉ là nguồn lực, mà còn là động lực tạo ra sự phát triển lan tỏa tới các lĩnh vực kinh tế khác, để đến năm 2045 chúng ta trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa và người dân có thu nhập cao”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói. 

Đồng ý với quan điểm này, TS. Phan Đức Hiếu cho biết: "Việc sửa đổi Luật Đất đai lần này không chỉ giải quyết những phát sinh thực tế thời gian qua, mà điểm đột phá phải là đáp ứng các yêu cầu cho giai đoạn phát triển mới của Việt Nam. Đây chính là điều xã hội kỳ vọng. Nếu làm tốt, đất đai sẽ trở thành động lực cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của quốc gia trong 20 năm tiếp theo".

Bàn đến mong muốn của người dân trong lần sửa luật này, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói: “Điều nhân dân chờ đợi hơn cả là sự đổi mới tư duy về quản lý đất đai của các nhà quản lý. Đây cũng chính là lối mở ra bộ luật sát với thị trường hơn”
Chia sẻ thêm, ông Võ cho biết, trong Luật Đất đai 2013 hiện hành, công cụ hành chính được sử dụng với tỷ lệ rất cao. Song, công cụ hành chính là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều cán bộ quản lý rơi vào vòng lao lý. Nếu chúng ta sử dụng công cụ tài khóa là chính, việc ép buộc của cơ quan hành chính đối với thị trường quyền sử dụng đất là không nhiều. Cán bộ không phải chịu nhiều trách nhiệm, thị trường có quyền quyết định chính là điều cần thay đổi trong lần sửa đổi này.

“Trong Luật Đất đai, chúng ta vẫn thực hiện theo cơ chế 100% người dân đồng ý. Đây là quy định gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án. Chúng ta phải linh hoạt pha trộn, thay thế cơ chế nhà nước thu hồi đất trong một phạm vi nhất định bằng những chính sách phù hợp hơn với thị trường”, ông Võ nêu quan điểm.

Bàn luận về điều này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Dự thảo cũng đã có quy định chỉ cần 80% người dân đồng ý thì phương án giải quyết đền bù, tái định cư sẽ theo ý kiến số đông. Tuy nhiên, vấn đề thu hồi đất và đền bù dù do Nhà nước hay doanh nghiệp thực hiện đều cần quan tâm đến sinh kế người dân trong và sau khi thu hồi. Luật Đất đai sửa đổi sẽ hướng đến việc xây dựng cơ chế đền bù của Nhà nước và doanh nghiệp là như nhau để đảm bảo công bằng trong xã hội.

Bên cạnh đó, ông Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên Môi trường  đã thiết kế quỹ địa tô chênh lệch, sau khi chia đều cho người dân và các bên có quyền lợi, phần còn lại sẽ đưa vào quỹ giải quyết cho các trường hợp thu hồi khác, nhằm đảm bảo lợi ích tối đa cho người dân.

"Những gì có lợi cho người dân, chúng tôi sẽ bàn đến cùng để luật hóa, tất cả được thực thi vì lợi ích của người dân và quốc gia, dân tộc”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Hà khẳng định.

Nguồn: https://reatimes.vn/sua-doi-luat-dat-dai-giai-quyet-bai-toan-loi-ich-quoc-gia-20201224000015251.html