19/01/2025 | 13:19 GMT+7, Hà Nội

Số doanh nghiệp quay lại hoạt động lên mức cao nhất từ trước tới nay

Cập nhật lúc: 30/08/2022, 13:15

Trong tháng 8/2022, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh ghi nhận số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao nhất từ trước tới nay với 6.458 doanh nghiệp, tăng 67,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 8 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tiếp tục duy trì ở mức cao chưa từng có khi số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng Tám tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, trong tháng Tám, có 11.918 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 130.198 tỷ đồng, tăng 106,9% về số doanh nghiệp và tăng 91,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, nguyên nhân chính khiến tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái là do tháng 8/2021 là giai đoạn dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, vận tải hàng hóa bị gián đoạn, đứt gãy.

Trong tháng 8/2022, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh ghi nhận số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao nhất từ trước tới nay với 6.458 doanh nghiệp, tăng 67,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhờ sự khởi sắc trong đăng ký doanh nghiệp tháng Tám, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 8 tháng đầu năm tiếp tục duy trì tín hiệu tích cực. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 8 tháng đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 149.451 doanh nghiệp, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, trong tổng số 149.451 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đầu năm 2022 là 101.325 doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2022 cũng tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2021 (3,638 triệu tỷ đồng), trong đó vốn đăng ký của doanh nghiệp mới thành lập tăng 0,3% so với cùng kỳ (1,136 triệu tỷ đồng) và vốn đăng ký tăng thêm tăng 62,6% so với cùng kỳ (2,502 triệu tỷ đồng).
“Việc có hơn 35.000 lượt doanh nghiệp tăng vốn mở rộng sản xuất kinh doanh với hơn 2,5 triệu tỷ đồng là tín hiệu đáng mừng vì các doanh nghiệp này đang hoạt động và trải nghiệm thực tế môi trường kinh doanh. Các doanh nghiệp nhìn thấy nhiều cơ hội kinh doanh và mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường," Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết.

Cũng theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, có 15/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021 như: dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 51,7%); hoạt động dịch vụ khác (tăng 50,8%); dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (tăng 43,6%); nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 37,0%)...

Đáng chú ý, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm 2022 cũng tăng 48,3% so với cùng kỳ năm 2021 với 48.126 doanh nghiệp. Như vậy, con số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tính trong 8 tháng đầu năm nay đã cao hơn số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong một năm của giai đoạn trước đây.

Ở chiều ngược lại, trong 8 tháng năm 2022 cũng có 104.317 doanh nghiệp buộc phải rút lui khỏi thị trường, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (59.609 doanh nghiệp, chiếm 57,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm 2022).

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, mặc dù bức tranh doanh nghiệp có nhiều điểm sáng nhưng thực tế cho thấy dịch COVID-19 đã bào mòn sức lực của nhiều doanh nghiệp, dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Quy mô vốn của doanh nghiệp gia nhập thị trường đang có xu hướng giảm, vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 8/2022 giảm 26,1% so với tháng 1/2022. Con số này giảm 20,8% so với mức vốn đăng ký trung bình của doanh nghiệp thành lập mới năm 2021 và giảm 34,2% so với năm 2020, qua đó thể hiện tâm lý thận trọng của doanh nghiệp trong quá trình bỏ vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đề xuất các bộ, ngành tiếp tục bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế-xã hội; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất nhằm giữ đơn hàng và chuỗi cung ứng.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hải quan để giảm chi phí và tăng tính dự đoán cho doanh nghiệp. Cụ thể, nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi điện tử các dữ liệu giữa các doanh nghiệp, hải quan và các cơ quan liên quan; tạo thuận lợi cho các chủ thể có mức độ tuân thủ cao.../.

Nguồn: https://congly.vn/so-doanh-nghiep-quay-lai-hoat-dong-len-muc-cao-nhat-tu-truoc-toi-nay-212662.html