19/01/2025 | 16:09 GMT+7, Hà Nội

Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Giải ngân càng sớm càng tốt để \"giải cứu\" doanh nghiệp

Cập nhật lúc: 19/08/2022, 12:18

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, việc triển khai giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% cần thực hiện càng sớm càng tốt để hỗ trợ doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật

Chiều 17/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã họp với các bộ, ngành về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Đã được thông tin rộng rãi

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (tổng gói hỗ trợ khoảng 40.000 tỷ). Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 30/2022/TT-NHNN hướng dẫn ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31.

Để thông tin rộng rãi về chính sách hỗ trợ lãi suất, ngày 27/5/2022, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị toàn ngành để phổ biến và giải đáp các vướng mắc liên quan đến chính sách, qua đó thống nhất cách hiểu, đảm bảo chính sách đượng triển khai đồng bộ, đồng thuận trong toàn quốc.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại đã đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước cho cả chương trình và chi tiết từng năm 2022, 2023. 

Giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% cần thực hiện càng sớm càng tốt. (Ảnh minh họa)
Giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% cần thực hiện càng sớm càng tốt. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước đã tổng hợp và có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thực hiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền cho phép bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện hỗ trợ lãi suất trong năm 2022 (khoảng 16.035 tỷ đồng) và tổng hợp, bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 (khoảng 23.965 tỷ đồng). 

Đồng thời Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 cho từng ngân hàng thương mại để nhanh chóng triển khai chương trình.

Nhưng kết quả vẫn còn hạn chế

Theo báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng. 

Hiện các ngân hàng đã và đang rà soát danh mục khách hàng đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất và đang đẩy mạnh công tác hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục hỗ trợ lãi suất.

Theo Ngân hàng Nhà nước, sau gần 3 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại vẫn còn hạn chế. 

Qua ghi nhận sơ bộ từ báo cáo của các ngân hàng thương mại, nổi lên một số nguyên nhân, khó khăn dẫn tới chính sách chậm triển khai là: Khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất; khó khăn xuất phát từ phía khách hàng vay (VD, nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc diện được hỗ trợ,…); và nguyên nhân từ phía các ngân hàng thương mại.

Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo và ý kiến phát biểu của đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, sau 3 tháng triển khai gói hỗ trợ lãi suất, dù Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan đã rất cố gắng nhưng kết quả đạt được rất thấp, với tiến độ này thì việc giải ngân là rất khó khăn.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành tiến hành rà soát lại các quy định liên quan đến ngành nghề, đối tượng được hưởng, các điều kiện vay vốn,… "xem có vênh gì không? Có khắt khe hơn các quy định chung không?" để kịp thời điều chỉnh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Nhấn mạnh tinh thần là phải nhìn thẳng vào thực tiễn để linh hoạt giải quyết bài toán đặt ra từ thực tiễn, triển khai giải ngân càng sớm càng tốt để hỗ trợ doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải chủ động nắm bắt tình hình từ cơ sở, nếu phát hiện các khó khăn, vướng mắc thì kịp thời có các giải pháp khắc phục theo thẩm quyền, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước, ngay tuần sau phải tổ chức Hội nghị để tiếp thu ý kiến phản ánh của các ngân hàng thương mại, các bộ ngành liên quan (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp) phối hợp cử cán bộ tham dự để hướng dẫn, giải thích cho các tổ chức tín dụng.

Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước sớm thành lập một số Đoàn công tác (có sự tham gia của các bộ ngành liên quan) để tiến hành khảo sát tình hình triển khai thực hiện của các ngân hàng thương mại, nắm bắt các vấn đề đặt ra trong thực tiễn để kịp thời có các biện pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc của cơ sở.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh kịp thời, hiệu quả, theo đúng quy định.

Góp phần giảm nợ xấu cho ngân hàng

Về lợi ích của các ngân hàng qua gói hỗ trợ này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng việc các ngân hàng thương mại thực hiện chương trình hỗ trợ này là trách nhiệm chung của xã hội, góp phần hồi phục kinh tế. Ngoài ra, gói hỗ trợ này giúp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn và tăng nhu cầu về tín dụng.

“Lợi ích rõ nét nhất của gói hỗ trợ này đối với ngân hàng đó là gói hỗ trợ có thể giúp thúc đẩy khách hàng trả nợ tốt hơn và từ đó giảm nợ xấu cơ bản cho ngân hàng", ông Cấn Văn Lực nhận định.

Cùng với đó, TS. Cấn Văn Lực cũng lưu ý các ngân hàng cần rà soát đúng các tiêu chí tiêu chuẩn, làm việc trực tiếp với khách hàng vay để tránh việc cho vay sai mục đích, đối tượng. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp nhịp nhàng giữa các tổ chức tín dụng để đảm bảo tính nhất quán trong việc đánh giá khách hàng.

Theo ông Trần Đức Anh, việc kiểm soát chặt chẽ để tránh trục lợi là rất khó vì bản thân các ngân hàng thương mại là đơn vị kinh doanh, mục tiêu tối đa của họ là gia tăng lợi nhuận và lợi ích cho nhà đầu tư. Vì vậy, các NHTM cần thực hiện đúng chủ trương của gói hỗ trợ để gói hỗ trợ đến được đúng đối tượng thay vì chảy vào dòng tiền đầu cơ.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/goi-ho-tro-lai-suat-2-giai-ngan-cang-som-cang-tot-de-giai-cuu-doanh-nghiep-70189.html