18/01/2025 | 18:05 GMT+7, Hà Nội

Siêu thị 0 đồng – món quà hạnh phúc giữa đại dịch

Cập nhật lúc: 20/04/2020, 11:53

Siêu thị Hạnh Phúc 0 đồng đã được dựng nên ở Hà Nội hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau trong cơn bão Covid-19.

Giá chỉ đề tượng trưng, hóa đơn 0 đồng

Ngày 13-4, chuỗi siêu thị Hạnh Phúc 0 đồng đã mở cửa tại địa chỉ số 117, Trần Duy Hưng, Hà Nội và 7 tỉnh, thành phố khác để cung cấp hoàn toàn miễn phí lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, quần áo, sách… cho những vị khách đặc biệt – những người có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch Covid-19.

Siêu thị Hạnh Phúc 0 đồng có tất cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm gồm gạo, trứng, mì tôm, quần áo..., ngoài ra, còn có 1 gian hàng sách truyện, tất cả đồ bày bán đều có giá 0 đồng.

Mỗi người dân khi tham gia mua sắm 0 đồng sẽ được chọn 5 sản phẩm khác nhau như: gạo, đường, lạc, mắm, muối, dầu ăn... với tổng giá trị cho mỗi lần “mua sắm 0 đồng” là 100.000 đồng. Để đảm bảo yếu tố giãn cách xã hội, người dân được hướng dẫn xếp hàng và đứng cách tối thiểu 2m theo khuyến cáo của Bộ y tế trong mùa dịch Covid-19. Mỗi lần, chỉ có 1 khách và 1 nhân viên hướng dẫn, giới thiệu các mặt hàng. Trước khi chọn lựa hàng hóa, mọi người đều phải thực hiện sát khuẩn tay bằng cồn y tế.

Chị Nguyễn Minh Trang (Đại diện tập đoàn Apec – chuỗi hệ thống siêu thị Hạnh Phúc 0 đồng) chia sẻ: “Dịch bệnh kéo dài khiến nhiều người lao động phổ thông, những người có việc làm không ổn định gặp khó khăn lớn nên rất cần duy trì cuộc sống thiết yếu. Xuất phát từ ý tưởng đó, cùng với lời kêu gọi của Chính phủ “không bỏ lại ai ở phía sau” nên Tập đoàn đã quyết định triển khai hệ thống siêu thị Hạnh Phúc 0 đồng”.

Tại siêu thị, mỗi người sẽ được đi mua sắm 0 đồng 2 lần/tháng. Siêu thị dự kiến hoạt động trong 3 tháng, sau đó sẽ giãn dần một tuần 3 ngày để có thể duy trì lâu dài với kinh phí ban đầu là 8 tỷ đồng. Siêu thị Hạnh Phúc dùng nguồn kinh phí tự thân và quỹ Khai trí – một quỹ thiện nguyện của công ty để nhập hàng từ các đơn vị chuyên cung ứng nhu yếu phẩm, thuốc men.

 Siêu thị Hạnh Phúc 0 đồng tại Hà Nội ở địa chỉ số 117 Trần Duy Hưng, Hà Nội.

Cô Trần Thị Canh (Xuân Trường, Nam Định) tâm sự, dù tuổi cao nhưng cô vẫn còn sức khỏe, mọi ngày vẫn đi làm để kiếm tiền. Thế nhưng vì dịch bệnh mà giờ cô Canh không có việc làm nữa. Đồ ăn trong nhà đã hết nên cô phải lên đây xếp hàng để được mua đồ miễn phí. “Tôi ra đây làm thuê, nhưng khoảng từ 2 tháng trở lại đây thì thất nghiệp vì cơ quan đã tạm đóng cửa theo chỉ đạo để phòng chống dịch. Không có thu nhập, tiền nhà vẫn phải trả hàng tháng, chi tiêu khó khăn. Siêu thị này thực sự có ý nghĩa rất lớn đối với người lao động khó khăn như chúng tôi" – cô Canh chia sẻ.

Từ những ngày đầu tiên mở cửa, siêu thị Hạnh Phúc 0 đồng thực sự đã đem lại niềm hạnh phúc cho những người lao động nghèo khó khăn ở Hà Nội.

 Siêu thị hướng tới người lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Không phải là hoạt động tặng quà, mà là đi mua sắm

Chia sẻ về hoạt động của chuỗi siêu thị Hạnh Phúc 0 đồng, đại diện tập đoàn Apec cũng khẳng định đây không phải là một chương trình tặng quà từ thiện mà người dân đang được đi mua sắm. “Chúng tôi không coi đây là hoạt động đi cho quà mà là đi mua sắm 0 đồng để người dân đến đây cảm thấy thoải mái, được trân trọng và phục vụ như những thượng đế, gạt bỏ suy nghĩ về những khó khăn thường ngày. Dù họ là ai, họ như thế nào, có hay không có tiền thì cũng xứng đáng được phục vụ” – đại diện chuỗi siêu thị Hanh Phúc 0 đồng cho biết thêm.

Siêu thị 0 đồng mang tới món quà hạnh phúc cho người nghèo giữa đại dịch Covid-19

Xếp hàng chờ đợi đến lượt mình, cô Hoàng Thị Hợi (Ý Yên, Nam Định) được các nhân viên của siêu thị 0 đồng hướng dẫn xác minh thông tin cùng hoàn cảnh hiện tại, hướng dẫn rửa tay bằng dung dịch khử khuẩn rồi mới vào để mua sắm. Những bao gạo, khay trứng, chai nước mắm… đều được niêm yết giá để gọi là “cho có”, miễn là tổng giá trị tối đa 5 món hàng không vượt quá 100.000 đồng là người mua đã có thể nhận đồ với hoá đơn 0 đồng. “Tôi ra Hà Nội, làm nghề nhặt ve chai kiếm sống. Khoảng thời gian hơn 1 tháng trở lại đây, tôi gần như không còn việc làm nữa bởi phế liệu nhặt được chỉ để tích trữ trong nhà mà không có đầu thu mua. Trong lúc dịch bệnh, nghề nhặt ve chai gặp khó khăn nên khi được phát gạo, trứng, dầu ăn và mì tôm, tôi rất xúc động. Tôi cảm ơn các nhà hảo tâm đã giúp chúng tôi vượt qua lúc khó khăn này” – cô Hợi xúc động kể.

Khuôn mặt rạng rỡ khi vừa nhận được những nhu yếu phẩm với giá 0 đồng, cô Hoàng Thị Sen (Xuân Trường, Nam Định) chia sẻ: “Mọi người hướng dẫn nhiệt tình lắm. Chúng tôi được phục vụ như những người tới mua đồ chứ không giống với đến để nhận quà nữa. Giữa mùa dịch, có siêu thị như thế này thật sự ấm lòng với những người lao động nghèo như chúng tôi” – cô Sen chia sẻ.

Để những món quà ở siêu thị Hạnh Phúc 0 đồng đến được đúng đối tượng, chị Nguyễn Minh Trang (Đại diện tập đoàn Apec – chuỗi hệ thống siêu thị Hạnh Phúc 0 đồng) cho biết thêm, ngoài việc tuyên truyền ở khắp các kênh, mạng xã hội thì đơn vị cũng đã liên hệ với chính quyền địa phương để lãnh đạo phường, xã sẽ giúp thống kê danh sách các hộ nghèo, khó khăn rồi chia theo các nhóm để đến nhận quà. Đồng thời, tất cả những người khó khăn khác khi đến có chứng minh thư đều được nhận quà của đơn vị.

Một đại diện của chuỗi hệ thống siêu thị Hạnh Phúc chia sẻ, trước đó, dự án hệ thống siêu thị đã dự trữ 500 tấn gạo cho đợt mở cửa, nhưng thấy còn nhiều hoàn cảnh khó khăn lại lo rằng nguồn dự trữ cho 3 tháng hoạt động chưa chắc đã đủ. Hiện giờ, hệ thống siêu thị Hanh Phúc vẫn cần nhất là gạo, dầu ăn, trứng, lạc, mỳ… những thứ cần thiết nhất để không bị đói. “Điều bất ngờ và vui nhất là hai ngày qua, đã có vài anh chị mang chục trứng, cân gạo và sách vở, quần áo còn mới đến để tặng cho siêu thị” – đại diện tập đoàn Apec cho biết thêm.

Hệ thống siêu thị 0 đồng thực sự là một món quà mang Hạnh Phúc đến cho người lao động nghèo giữa đại dịch Covid. Những hành động tuy nhỏ nhưng lại ấm áp, đượm tình người càng làm tô thắm thêm truyền thống yêu thương đồng bào, lá lành đùm lá rách của người Việt Nam.

Doanh nhân N.Đ.L: Khi bắt tay làm, chúng tôi nghĩ, nếu mình được đón nhận thì vui, còn nếu ít người đến thì buồn. Nhưng những ngày sau, nhìn dòng người xếp hàng dài cả km để chờ vào siêu thị mua nhu yếu phẩm thì thực sự rất buồn. Tại sao còn nhiều hoàn cảnh khó khăn đến như vậy? Trước đó, dự án đã dự trữ 500 tấn gạo cho đợt mở cửa, nhưng thấy còn nhiều hoàn cảnh khó khăn lại lo rằng, liệu nguồn hàng chuẩn bị cho 3 tháng hoạt động có đủ hay không?