Sau Sabeco, “đại gia” ngành bia nào có thể bị truy thu thuế?
Cập nhật lúc: 07/07/2015, 19:31
Cập nhật lúc: 07/07/2015, 19:31
Tại kết luận của Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nộp thêm 408 tỷ đồng tiền thuế riêng năm 2013. Đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi các quy định để tránh tình trạng nhiều doanh nghiệp lách thuế hưởng lợi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước cho biết Sabeco đã thành lập và bán bia của mình qua Công ty thương mại Sabeco (công ty con). Sabeco tính, kê khai và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá bán ra tại công ty con này.
Công ty thương mại Sabeco lại chưa bán ra cho người tiêu dùng mà bán tiếp qua các công ty thương mại vùng (công ty cổ phần nhưng Sabeco chi phối) cũng với mức khá thấp. Từ đây, các công ty khu vực này mới bán tiếp cho đại lý cấp 1 với giá cao hơn. Đại lý cấp 1 sẽ tiếp tục bán bia Sài Gòn cho các đại lý cấp 2, các nhà hàng, người tiêu dùng...
Do đó, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Sabeco phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên giá bán ra của các công ty thương mại khu vực - đơn vị trực tiếp bán hàng ra khỏi hệ thống của Sabeco.
Sau khi nhận được văn bản của Kiểm toán Nhà nước, đại diện Sabeco đã liên tiếp có văn bản gửi tới Bộ Công thương, Bộ Tài chính... khẳng định đã làm đúng quy định của Nhà nước tại các nghị định, thông tư, công văn... được hướng dẫn nên không sai luật. Sabeco cho rằng các công ty thương mại khu vực là công ty liên kết (dù Sabeco nắm tới trên 90% cổ phần), nên không thể lấy giá các công ty này làm giá tính thuế.
Tuy nhiên, qua văn bản của Sabeco đã gián tiếp thừa nhận giá tính thuế mà Công ty thương mại Bia Sài Gòn bán ra thấp hơn khá nhiều so với giá mà các công ty thương mại khu vực bán ra thị trường khi nêu “nếu tính thuế như kiến nghị của kiểm toán thì sẽ làm tăng 10% doanh thu chịu thuế”...
Đặc biệt, Sabeco cho biết hiện có hàng loạt “ông lớn” là tổng công ty, tập đoàn khác cũng có mô hình hoạt động, kinh doanh và nộp thuế TTĐB tương tự như Sabeco, điển hình là Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Thuốc lá VN, Công ty liên doanh Nhà máy bia VN (sản xuất các loại bia Heineken, Tiger)...
Mặc dù Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị nhưng Sabeco đưa hàng loạt lý do để đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, không thu thêm thuế TTĐB của tổng công ty này. Cụ thể, Sabeco nêu nếu phải nộp thêm thuế TTĐB sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của tổng công ty nói riêng và các doanh nghiệp nội địa nói chung vì biên độ lợi nhuận thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp nước ngoài, ảnh hưởng đến duy trì và phát triển các thương hiệu quốc gia trong hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, Sabeco nêu “không thể xử lý được các phát sinh” vì nếu thực hiện như kết luận kiểm toán, các đơn vị của Sabeco sẽ phải nộp bổ sung thuế TTĐB làm giảm lợi nhuận từ năm 2008 đến nay. Tính tổng lại số tiền từ năm 2008 - 2014 sẽ phải nộp thêm mỗi năm 350 - 400 tỉ, tổng cộng sẽ lên tới khoảng 4.000 tỉ đồng.
Trong khi đó, khoản lợi nhuận từ năm 2008 đến nay Sabeco công bố “tổng công ty đã chia cổ tức cho cổ đông”... Ngoài ra, các chỉ số tài chính cũng bị thay đổi, lợi nhuận cũng khác khiến ảnh hưởng đến tiền lương, thưởng của người lao động từ năm 2008 đến nay...
Vì vậy, Sabeco đề nghị chỉ nộp thêm khoảng 58 tỉ đồng liên quan đến các thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng mà Kiểm toán Nhà nước đã kết luận.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Phạm Đình Thi, vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho biết thời gian qua cả Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đã có kiến nghị với Bộ Tài chính cần thay đổi cách xác định giá tính thuế TTĐB với các doanh nghiệp trong lĩnh vực bia và bên cạnh đó là cả thuốc lá...
Ông Thi khẳng định việc bán hàng qua nhiều tầng nấc hay thành lập nhiều công ty mẹ - con với mức sở hữu của công ty mẹ hơn 90% tại công ty con đã diễn ra ở một số doanh nghiệp, trong đó có Sabeco, Công ty Bia Hà Nội nhằm giảm số thuế phải nộp vào ngân sách.
Cùng quan điểm với ông Thi, chuyên gia tài chính Ngô Trí Long cho rằng rõ ràng doanh nghiệp đã cố tình lách luật để trục lợi nhằm tối đa lợi nhuận của mình. Như trường hợp của Sabeco và các công ty bia, thuốc lá khác, họ đã lập ra các công ty con, hoạt động theo mô hình liên kết để né thuế, hay nói khác là họ chuyển giá.
Trước đó, tại Hội nghị góp ý dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Bia - Rượu - Nước giải khát diễn ra vào cuối tháng 5/2015, đại diện một công ty bia có trụ sở tại TP.HCM cũng đã chỉ trích cách tính thuế trên giá bán cao nhất của công ty thương mại là chưa phù hợp do công ty sản xuất không thể kiểm soát được giá bán tại công ty thương mại do chính sách mua đứt bán đoạn và nếu kiểm soát sẽ trái quy định của Luật Cạnh tranh.
Ông Vũ Xuân Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng cho biết, việc tính thuế theo giá cao nhất của công ty thương mại thì công ty sản xuất không kiểm soát được giá bán. Nguyên nhân giá bán bia phụ thuộc vào thời điểm, mùa vụ và địa điểm bán.
Ngoài ra, theo hầu hết các doanh nghiệp bia cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá bán của đơn vị thương mại không đúng với bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt, khiến thuế chồng thuế vì đã có giá trị gia tăng và điều này sẽ khiến giá bia đội lên cao hơn, người tiêu dùng chịu thiệt.
"Việc thay đổi cách tính thuế vô hình đã tăng 2 lần tăng thuế đối với doanh nghiệp và dự định giá bán có thể tăng thêm 10%", vị đại diện công ty bia có trụ sở tại TP.HCM cho hay./.
12:41, 07/07/2015
01:22, 07/07/2015