19/01/2025 | 13:30 GMT+7, Hà Nội

Sau Nhật Bản, vải U hồng Thanh Hà lại gây “sốt” tại Singapore

Cập nhật lúc: 04/06/2021, 15:16

Theo tin từ Bộ Công Thương, trong ngày 3/6, vải U hồng Thanh Hà đã có mặt trên các kệ siêu thị tại Singapore và lập tức gây “sốt” tại thị trường đảo quốc này.

Chính thức thâm nhập thị trường Singapore từ năm 2020, vải Việt Nam đã ghi dấu ấn tốt tại thị trường nhờ ưu thế về chất lượng và giá cả. 

So với năm ngoái giá bán của vải thiều Việt Nam tại Singapore năm nay đã cao hơn, trong tuần đầu đang khuyến mãi ở 105.000/kg và sẽ nâng lên mức khoảng 120.00/kg trong những tuần tiếp theo.

Nhà nhập khẩu cho biết, vải Việt Nam năm nay sẽ được bày bán trên toàn bộ 230 siêu thị của FairPrice, mở rộng quy mô hơn hẳn năm 2020 khi chỉ được bày bán tại những đại siêu thị hoặc các trung tâm thương mại lớn của FairPrice. 

Từ nay đến hết mùa vải, mỗi tuần Singapore sẽ tiêu thụ ít nhất 1 container 40ft, dự kiến đến cuối tháng 7/2021, khối lượng xuất khẩu có thể lên đến 100 tấn.

Theo Bộ Công Thương, Singapore là một thị trường rất nhỏ với quy mô dân số chưa đến 6 triệu dân. Tuy nhiên, đây là một thị trường có truyền thống tiêu thụ trái vải với nhu cầu cao và ổn định. 

Để nắm chắc trong tay thị phần tại quốc gia này, nhiều năm qua, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã tìm hiểu rất kỹ thị trường.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, trong văn hóa người Hoa, sắc dân chủ yếu tại Singapore, trái vải được coi là trái cây mang lại may mắn, bắt buộc hiện diện trong các dịp lễ quan trọng và các bữa tiệc lớn. 

Do dó, để quảng bá cho trái vải Việt Nam tại địa bàn, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã cho in ấn standee, poster gắn sự kiện vải tươi Việt Nam mùa vụ mới với Lễ hội Đoan Ngọ của người Hoa. 

Ngày 3/6, vải U hồng Thanh Hà đã có mặt trên các kệ siêu thị tại Singapore và lập tức gây “sốt” tại thị trường đảo quốc này.

Bên cạnh đó, cổng thông tin điện tử của Thương vụ, trang tiếng Anh cũng đăng tải bài viết giới thiệu lịch sử trái vải và các tác dụng dược lý, làm đẹp của trái vải. 

Đặc biệt, trong các sự kiện kết nối với nhà nhập khẩu Singapore, Thương vụ đã chủ động mời chuyên gia Singapore, tác giả của cuốn “Sổ tay hướng dẫn thực hành vải”, người có hơn 10 năm gắn bó với trái vải Việt về làm “đại sứ” quảng bá cho trái vải Việt. Từ đó, thuyết phục nhà nhập khẩu về sự khác biệt nổi trội về chất lượng của trái vải Việt Nam so với trái vải từ các vùng địa lý khác.

Hàng năm, Singapore nhập khẩu tới hơn 2.000 tấn vải từ Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và các nước Nam bán cầu như Úc, Nam Phi, Madagascar, Mauritius… 

Là nước không có nền nông nghiệp, không trồng vải, nhưng hàng năm, Singapore xuất khẩu gần 400 tấn vải, cả vải tươi lẫn vải đóng hộp, tức khoảng 20% khối lượng nhập khẩu.

Vải tươi được Singapore tái xuất chủ yếu sang: Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines; vải đóng hộp sang hàng chục thị trường, bao gồm: các nước ASEAN, Nam Á (Srilanka, Bangladesh, Pakistan), Maldives, Barbados, Fiji, Papua New Guinea,Kenya, Seychelles, các nước vùng Vịnh… 

Nếu không tính thị trường Trung Quốc, Singapore có thể cũng được coi là một “đối thủ cạnh tranh” với Việt Nam về khối lượng xuất khẩu trái vải ra thế giới.

Chia sẻ với phóng viên, Bà Trần Thu Quỳnh - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết: Đây vừa là một thách thức, vừa là một cơ hội đối với sản phẩm vải của Việt Nam nói chung và công tác xúc tiến thương mại của Thương vụ nói riêng. 

Theo bà Quỳnh, Việt Nam đã bỏ ngỏ một số thị trường, chưa làm được tốt công tác chế biến sâu và chưa làm tốt công tác nhận diện thương hiệu cho trái vải trong nước. 

Tuy nhiên, cần nhìn nhận đây như một cơ hội trong bối cảnh Việt Nam và Singapore cùng là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do rộng lớn như CPTPP, RCEP, EU… 

“Buôn có bạn, bán có phường” cũng là một phương châm được các doanh nhân người Hoa quán triệt và phát huy trong văn hóa kinh doanh. Trong bối cảnh hội nhập, tận dụng mạng lưới bán hàng của bạn chính là “buôn có bạn” để trái vải Việt có thể vươn sang những thị trường mới”, bà Thu Quỳnh nói.

Bên cạnh đó, bà Quỳnh cho biết: Việc dán tem truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý Thanh Hà trên bao bì xuất khẩu năm nay là nỗ lực lớn của Bộ Công Thương và tỉnh Hải Dương để tăng cường sự nhận diện thương hiệu vải Việt Nam và bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở thị trường nước ngoài.

Bà Quỳnh khẳng định: Có thể giá trị xuất khẩu vải chưa lớn, nhưng nỗ lực của các cơ quan quản lý và sự quyết tâm của các doanh nghiệp để khai mở thị trường nước ngoài cho mặt hàng trái vải chính là để chứng minh năng lực cung ứng, năng lực bảo quản sau thu hoạch và năng lực logistics của Việt Nam.

“Đây là chìa khóa mở cửa cho mọi mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam để đi ra thế giới”, bà Quỳnh nhấn mạnh.

Nguồn: https://congluan.vn/sau-nhat-ban-vai-u-hong-thanh-ha-lai-gay-sot-tai-singapore-post137046.html