19/01/2025 | 09:38 GMT+7, Hà Nội

Vải thiều Bắc Giang được giá tại thị trường Nhật Bản

Cập nhật lúc: 29/05/2021, 06:30

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, 20 tấn vải thiều sang đến Nhật được tiêu thụ gần hết sau ngày đầu tiên, giá bán được niêm yết tại thị trường khó tính này là 1.650 yen/kg.

Trước đó, ngày 26/5, 20 tấn vải thiều sớm của Tân Yên đã xuất hành lên đường sang Nhật Bản. Đây là sự kiện quan trọng, mở đầu cho chuyến vải thiều đầu tiên năm nay của Bắc Giang sang thị trường này. 

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại (Sở Công thương Bắc Giang), cho biết lô vải thiều sớm Tân Yên (Bắc Giang) đã đến Nhật Bản vào trưa 27/5. Ngay sau đó, người dân Nhật Bản đã tiêu thụ hết số vải đó. 

Vải thiều Bắc Giang được giá tại thị trường Nhật Bản. Ảnh TL
Vải thiều Bắc Giang được giá tại thị trường Nhật Bản. Ảnh TL

Ông Đỗ Hoàng Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất nhập khẩu Toàn Cầu (một trong những doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản) cho biết, vải thiều sớm của Bắc Giang được người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận. 

"Do được bảo quản, xử lý đúng quy trình kỹ thuật nên khi đến nơi trái vải vẫn giữ được mã đẹp, thơm ngon", ông Phương nhấn mạnh.

Năm 2021, toàn Bắc Giang có 30 mã số vùng trồng vải thiều với diện tích gần 220ha, sản lượng ước khoảng 1.800 tấn. Diện tích này tập trung tại các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Tân Yên. Hiện có 5 doanh nghiệp đã tiến hành khảo sát vùng trồng, đang chuẩn bị các điều kiện đàm phán, ký kết hợp đồng thu mua vải với nông dân thuộc các mã số vùng trồng để xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật.

Các doanh nghiệp phía Nhật cũng cho biết, dự kiến vụ vải thiều này họ sẽ nhập khẩu khoảng trên 1.000 tấn vải thiều từ Bắc Giang.

Tại Hải Dương, sản phẩm vải thiều Thanh Hà chính thức có mặt ở Nhật vào ngày 23/5. Tỉnh này cũng dự kiến tổng sản lượng các doanh nghiệp ở Hải Dương xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản khoảng 1.000 tấn.

Nguồn: https://congluan.vn/vai-thieu-bac-giang-duoc-gia-tai-thi-truong-nhat-ban-post135974.html