29/03/2024 | 14:33 GMT+7, Hà Nội

Bắc Giang lên kịch bản tiêu thụ 180.000 tấn vải thiều

Cập nhật lúc: 18/05/2021, 16:08

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có diễn biến hết sức phức tạp, UBND tỉnh Bắc Giang đã có kế hoạch và xây dựng các kịch bản tiêu thụ vải thiều năm nay.

Theo thống kê, năm 2021, diện tích vải trên địa bàn tỉnh là 28.100ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020).Trong đó, diện tích vải sớm 6.050ha, sản lượng 45.000 tấn; vải chính vụ 22.050ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn.

Thời gian thu hoạch vải thiều năm nay trên địa bàn tỉnh đầu từ khoảng 20/5 đến 20/7 (vải chín sớm bắt đầu thu hoạch từ 20/5; vải thiều chính vụ từ 10/6). Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ quả vải thiều nên UBND tỉnh Bắc Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch tiêu thụ vải thiều trong thời gian tới.

Bắc Giang lên kịch bản tiêu thụ 180.000 tấn vải thiều. Ảnh TL
Bắc Giang lên kịch bản tiêu thụ 180.000 tấn vải thiều. Ảnh TL

Theo kế hoạch này, sẽ có 3 kịch bản được nêu ra:

Kịnh bản 1: Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ tương đối thuận lợi. Khi đó, mục tiêu sản lượng vải thiều được tiêu thụ 50% trong nước, khoảng 90.000 tấn; 50% xuất khẩu, khoảng 90.000 tấn. Kênh tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối trong nước, các Tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Big C, GO, Lan Chi, Vinmart; các doanh nghiệp chế biến; xuất khẩu; các chợ truyền thống, tiểu thương, xe cóc, điểm cân nhỏ.

Kịch bản 2: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát. Theo kịch bản này, mục tiêu tiêu thụ 70% sản lượng vải thiều trong nước, khoảng 130.000 tấn; 30% xuất khẩu khoảng 50.000 tấn. Kênh tiêu thụ tại các chợ đầu mối; các Tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; các chợ truyền thống…

Kịch bản 3: Dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu nhỏ giọt, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa. Khi kịch bản này xảy ra, tập trung mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc hỗ trợ, giúp người dân từ công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều.

Theo kịch bản này, sản lượng vải thiều chủ yếu được tiêu thụ trong nước, chiếm 90%, khoảng 160.000 tấn; xuất khẩu 10%, khoảng 20.000 tấn. Tăng cường khuyến cáo người dân thu hoạch rải vụ, nơi nào có quả vải chín trước cần tập trung thu hoạch, tiêu thụ sớm. 

Kênh tiêu thụ tại các chợ đầu mối, xác định đây là kênh tiêu thụ trong nước chủ yếu, dự kiến tiêu thụ khoảng 60.000 tấn; các Tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; các chợ truyền thống. Tăng cường chính sách hỗ trợ xây dựng thêm các lò sấy, tuyên truyền cho người dân sớm có thông tin về tình hình tiêu thụ quả tươi để kịp thời chuyển một phần sang chế biến sấy khô. Tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử…

Trao đổi với PV, ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: "Chúng tôi đang rất nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh và có thể tạo sự an toàn nhất cho các tiểu thương thu hoạch mua bán vải. Hiện tại phía các đơn vị chức năng cũng đã tiến hành chuẩn bị khu  cách ly cho thương lái Trung Quốc trên địa bàn huyện Lục Ngạn. Sau thời gian cách ly, đảm bảo các yếu tố về dịch tễ an toàn thì sẽ được giao thương".

Được biết, UBND Huyện Lục Ngạn cũng đã có kế hoạch tiêu thụ đối với  vải thiều tươi, tại tất cả các điểm thu mua vải thiều trước khi đóng thùng đưa ra thị trường tiêu thụ sẽ được phun khử trùng, chống dịch bằng dung dịch CloraminB trên sản phẩm và các phụ trợ đóng gói, bảo quản. Trên các thùng vải sẽ có tem dán: “Vải thiều đã được kiểm dịch”. 

Nguồn: https://congluan.vn/bac-giang-len-kich-ban-tieu-thu-180000-tan-vai-thieu-post134043.html