23/01/2025 | 20:27 GMT+7, Hà Nội

SARS-CoV-2 tấn công mạnh khi hệ miễn dịch yếu

Cập nhật lúc: 02/03/2020, 16:53

Tính đến 8 giờ sáng 1/3, dịch Covid-19 đã lan rộng 64 quốc gia với 85.997 ca mắc, 2.942 ca tử vong.

Từ đầu mùa dịch đến nay, đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học về visrus này cùng những thông tin mới. GS Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales, Australia) đã cung cấp nhiều thông tin khoa học xung quanh dịch Covid-19.

GS Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales, Australia)

Không phải virus nhân tạo

Thưa ông, thời gian qua, mạng xã hội có nhiều luồng thông tin về dịch Covid-19, trong đó nhiều bài báo được dẫn lại cho rằng, virus về SARS-CoV-2 “xổng chuồng” từ labo vi sinh ở Vũ Hán. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Ngay từ lúc dịch mới bộc phát, mạng xã hội đề cập một “thuyết âm mưu” rằng virus gây dịch Covid-19 là một vũ khí sinh học do một labo ở Vũ Hán chế ra, và vì lí do nào đó bị “xổng chuồng”! Một bài báo trên Washington Times dẫn ý kiến của một người tên là Shoham được cho là từng là sĩ quan tình báo Do Thái cho rằng “Một số phòng thí nghiệm cụ thể thuộc viện này có lẽ tham gia, về khía cạnh nghiên cứu và phát triển vũ khí sinh học”.

Máy đo thân nhiệt tự động kiểm soát hành khách tại sân bay Cát Bi, Hải Phòng. Ảnh: Hoài Anh

Nhưng nếu chú ý sẽ thấy ông này hoàn toàn không có bất cứ một chứng cớ nào để chúng ta có thể kiểm chứng. Cũng cần nói thêm rằng nhân vật Shoham này từng tuyên bố trên đài Sputnik (một trạm tuyên truyền của Nga) rằng tổ chức Islamic State có thể đã chuyển vũ khí hóa học cho phương Tây. Một dân biểu Mỹ cũng nói đến thuyết âm mưu như thế.

Nhưng nghiên cứu khoa học cho thấy thuyết âm mưu đó không đúng. Hơn thế nữa, phân tích di truyền cho thấy con virus mới (nay gọi là SARS-CoV-2) tìm thấy trong dơi, với tỉ lệ tương đồng lên đến 96%, hàm ý cho thấy virus mới (SARS-Cov-2) xuất phát từ dơi. Về mặt sinh học, cần nói thêm rằng virus mới có 6 đột biến tại vùng thụ thể giúp nó kết nối với thụ thể ACE2 ở người, heo, mèo, tê tê (và có thể động vật khác).

Sự đột biến này nhất quán với quá trình tiến hóa của virus hơn là từ nhân tạo. Hơn thế nữa, trong tổng số 585 mẫu lấy từ chợ thủy sản Vũ Hán, 33 có kết quả dương tính cho SARS-CoV-2. Và, trong số 33 mẫu dương tính này, 31 mẫu được thu thập ở phía Tây chợ Vũ Hán, nơi bán động vật hoang dã. Tất cả những sự thật này nói lên rằng SARS-CoV-2 là tiến hóa từ virus corona trong dơi, chứ không phải do nhân tạo.

Nhiều người kỳ vọng, sắp tới, thời tiết ấm nóng ở các tỉnh phía Bắc và nhiều quốc gia khác sẽ giảm nguy cơ lây lan của dịch?

- Ý tưởng về ảnh hưởng của thời tiết đến khả năng sống sót của virus (như SARS-CoV-2) đã được đề cập ngay từ những ngày đầu trong dịch Covid-19. Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump - có lẽ qua cố vấn của các chuyên gia cũng dự báo, dịch Covid-19 sẽ giảm đi vào mùa Xuân.

Nhìn lại các trận dịch ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp trước đây, kể cả dịch cúm mùa, thường xảy ra vào mùa Đông và tàn lụi vào mùa nắng ấm. Chẳng hạn như năm nay, dịch Covid-19 xảy ra vào mùa Đông ở Vũ Hán. Hơn thế nữa, các nước đang ở vào nhiệt độ lạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, và Nhật Bản cũng bị dịch nặng hơn các nước có khí hậu ấm (như Nam Dương).

Trước đó, dịch SARS cũng xảy ra vào mùa Đông ở Hongkong. Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ là dịch H1N1 xảy ra vào mùa Hè năm 2009, mặc dù con virus này được xem là “virus mùa Đông”. Do đó, rất nhiều chuyên gia Mỹ và Á châu hi vọng rằng dịch Covid-19 lần này cũng sẽ suy giảm vào mùa Xuân và mùa Hè.

Virus có thể sống sót 9 ngày trên bề mặt

Qua nghiên cứu, GS có thể cho biết cơ thể con người chống trả sự tấn công của SARS-CoV-2 như thế nào?

- Khi tế bào bị virus tấn công, một hệ thống phòng thủ được hệ miễn dịch nội sinh kích hoạt. Sau kích hoạt, các tế bào sẽ tiết ra một protein có tên là interferon. Protein interferon lại kích hoạt một loạt hoạt động chống virus. Các hoạt động này bao gồm đóng cửa “nhà máy” sản xuất protein để làm cho tế bào chết đi, như thế thì virus sẽ khó có đường xâm nhập. Nhưng trong vài trường hợp, hệ miễn dịch trong người bị rối loạn, và các đội quân tế bào của hệ miễn dịch có thể tiêu diệt bất cứ vật nào trên đường chúng “hành quân”.

Nói ví von theo tiếng Anh là tác hại ngoài dự kiến. Một trong những tác động đó là làm suy giảm tế bào T và cytokines – hai yếu tố rất quan trọng trong phòng vệ. Nói cách khác, chúng ta mắc bệnh một phần là do hệ thống miễn dịch nội sinh phản ứng thái quá (khi virus tấn công), và một phần là do virus xấu tấn công.

Bởi vì hệ miễn dịch của chúng ta phải “cuống cuồng” chống trả SARS-CoV-2, nên gây tổn hại không chỉ cho phổi mà còn vài cơ phận khác. Thật vậy, điều này có thể giải thích cho kết quả của một phân tích trước đây cho thấy hơn 90% bệnh nhân trong trận dịch MERS mắc một số triệu chứng khác như tăng men gan, suy giảm bạch cầu và platelet, suy giảm huyết áp. Trong vài trường hợp hơi hiếm, bệnh nhân còn bị tổn thương ở thận và suy tim.

Điều mà nhiều người quan tâm hiện nay là thời gian virus sống sót trên vật dụng bao lâu?

- Theo số liệu nghiên cứu thì các giọt li ti (droplets) chứa virus có thể tồn tại trên mặt các vật dụng như bàn, ghế, tay cầm của cửa, nút bấm thang máy... Thời gian tồn tại, theo một nghiên cứu từ Đức, dao động trong khoảng 4 - 5 ngày trong điều kiện nhiệt độ phòng (tức 20 độ C), nhưng tối đa chúng có thể sống đến 9 ngày. Nhiệt độ càng thấp và càng ẩm thì coronavirus sẽ sống lâu hơn. Tuy nhiên, đối với virus mới như SARS-Cov-2 thì chúng ta vẫn chưa rõ thời gian tồn tại của chúng.

SARS-CoV-2 có nguy cơ tái nhiễm

Vừa qua, báo chí nước ngoài đưa nhiều thông tin về các trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2 khiến người dân vô cùng lo ngại. Vậy sự thật thế nào, thưa ông?

- Đây là một câu hỏi đang được nhiều người quan tâm. Câu trả lời là có thể. Bằng chứng mới được công bố ngày 27/2/2020 trên JAMA báo cáo rằng có 4 bệnh nhân được cho xuất viện theo tiêu chuẩn (không còn triệu chứng, 2 xét nghiệm âm tính, và không có dấu hiệu trên Xquang), nhưng sau đó (5 - 13 ngày) thì lại có kết quả xét nghiệm dương tính. Do đó, có khả năng là virus vẫn tồn tại và tái nhiễm dù bệnh nhân tưởng như đã hết bệnh.

GS có thể phân tích virus gây cúm mùa và SARS-CoV-2 khác nhau như thế nào?

- Nói một cách ngắn gọn, SARS-CoV-2 tấn công vào phần dưới của hệ thống hô hấp (phổi), còn virus gây cúm mùa tấn công vào phần trên (cổ họng, mũi...). Nhưng mới đây có bằng chứng cho thấy chúng cũng có thể nhân bản ở mũi và miệng. Phổi là môi trường độc hại cho virus, nên chỉ có những con virus “hung dữ” mới có thể tồn tại, chứ virus “bình thường” thì không dám đến vùng hiểm nguy đó.

Ông có thể đưa ra biện pháp phòng ngừa hiệu quả và thực tế nhất?

- Virus có thể lây lan qua các giọt droplets khi hắt hơi, vì vậy chúng ta cần phải tập thói quen của người phương Tây nhằm kiềm chế lây lan. Thói quen này bao gồm hắt hơi vào khuỷu tay, hoặc/và sử dụng giấy tissue để ngăn ngừa các giọt droplets phun ra ngoài môi trường.

Có quan điểm cho rằng dùng khẩu trang để ngăn ngừa bị lây nhiễm từ các giọt droplets. Tuy ý tưởng đó thoạt nghe qua thì hợp lí, nhưng rất nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy đeo khẩu trang không giúp làm giảm nguy cơ lây lan virus. Thậm chí, đa số công chúng đeo khẩu trang không đúng cách, hay vẫn theo thói quen vẫn dùng tay điều chỉnh khẩu trang, hay đeo khẩu trang lâu giờ mà không vệ sinh, tất cả những thói quen đó còn tạo điều kiện cho virus lây lan dễ hơn!

Ngoài ra, với việc vì virus có thể hiện diện trên bề mặt của các vật dụng trong nhà, nên việc lau chùi diệt khuẩn thường xuyên là biện pháp hữu hiệu giảm nguy cơ lây lan. Chúng ta hay sờ vào các vật dụng trong nhà, và nếu các vật dụng này chứa coronavirus, thì khi chúng ta bắt tay hay sờ lên mặt mũi chúng ta, thì nguy cơ lây nhiễm cũng rất cao. Do đó, cần phải tập thói quen rửa tay thường xuyên. Thật ra, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng (và mỗi lần rửa tay phải trên 20 giây) được xem là biện pháp phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn hữu hiệu nhất ở qui mô cộng đồng.

Xin cảm ơn GS!