Sáp nhập tỉnh thành: Cú hích tái cấu trúc thị trường bất động sản
Cập nhật lúc: 25/04/2025, 08:55
Cập nhật lúc: 25/04/2025, 08:55
Làn sóng bất động sản hướng về trung tâm hành chính mới, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng
Ngay sau khi có thông tin chính thức về việc sáp nhập tỉnh thành, thị trường bất động sản tại nhiều địa phương liên quan đã chứng kiến những biến động rõ nét. Nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu "săn lùng" bất động sản ở các khu vực dự kiến trở thành trung tâm hành chính - chính trị mới để "đi trước đón đầu".
Kỳ vọng gia tăng giá trị tài sản nhờ vào cú hích hạ tầng, dòng vốn đầu tư công và hiệu ứng tâm lý trở thành những động lực chính kích hoạt thị trường bất động sản giai đoạn này. Theo báo cáo từ Batdongsan.com.vn, giá đất nền tại nhiều tỉnh thành phía Bắc trong quý I/2025 tăng mạnh so với cùng kỳ như Hưng Yên tăng 55%, Bắc Ninh 46%, Hà Nội 42%, Hải Phòng 21%...
Làn sóng bất động sản đang hướng về các trung tâm hành chính - chính trị mới. (Ảnh minh họa: Khánh Tùng)
Đơn cử tại Hải Phòng, thị trường bất động sản ghi nhận sự nhộn nhịp rõ rệt. Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc EZ Property cho biết: "Chỉ trong thời gian ngắn từ sau khi có thông tin sáp nhập, người dân Hải Dương đã rút khoảng 2.000 tỷ đồng khỏi hệ thống ngân hàng để đầu tư vào đất đai tại Hải Phòng". Ông lý giải, giá đất tại Hải Dương đã đạt mức trần trong nhiều phân khúc, trong khi tại Hải Phòng vẫn còn dư địa tăng trưởng, tạo nên làn sóng dịch chuyển dòng tiền.
Một trong những đặc điểm dễ nhận thấy là sự phân hóa rõ rệt về giá và thanh khoản giữa các khu vực sau thông tin sáp nhập. Nơi nào được chọn làm trung tâm hành chính - chính trị mới thì nơi đó trở thành điểm đến của dòng vốn và cư dân, giao dịch bất động sản sẽ sôi động hơn, giá bán có xu hướng tăng nhanh. Ngược lại, những khu vực không phải trung tâm có thể rơi vào trạng thái chững lại, thậm chí suy giảm.
Theo ông Toản, cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân đều có xu hướng tập trung về trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới để thuận tiện cho công việc, hành chính, giao thương. Điều này sẽ hình thành các "điểm tụ" mới trong phát triển đô thị.
Tuy nhiên, CEO EZ Property cũng cảnh báo, nếu không kiểm soát tốt quy hoạch và nguồn cung, thị trường có thể rơi vào tình trạng sốt giá ngắn hạn, sau đó là giai đoạn bão hòa kéo dài. "Nhà đầu tư mới cần rất thận trọng, tránh chạy theo hiệu ứng đám đông, bởi nhu cầu ở thực không tăng quá nhanh", ông Toản nói.
Thị trường bất động sản đứng trước cơ hội tái cấu trúc dài hạn
Từ góc độ quy hoạch đô thị, việc điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh không phải là hiện tượng mới trong lịch sử phát triển của Việt Nam. KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, kể từ năm 1954 đến nay, đây đã là lần thứ 4 Việt Nam thực hiện sáp nhập và điều chỉnh lại địa giới các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, theo ông, điều khác biệt lớn nhất của đợt sáp nhập lần này chính là tầm nhìn phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, thay vì chỉ đơn thuần sắp xếp lại bộ máy hành chính.
KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.
"Trước đây, nhiều tỉnh hầu như nằm ngoài tầm ngắm của các nhà đầu tư bất động sản bởi không có khả năng kết nối vùng, thiếu hạ tầng và thiếu động lực phát triển. Nhưng với cấu trúc hành chính mới, khi các địa phương được hợp nhất thành những đơn vị lớn hơn, đi kèm với định hướng đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, cơ hội để hình thành các trung tâm phát triển mới là hoàn toàn khả thi. Từ đây, thị trường bất động sản không chỉ có thêm không gian để mở rộng, mà còn được tái định hình theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững", ông Nghiêm nhận định.
Yếu tố "liên kết", theo ông Nghiêm, sẽ đóng vai trò then chốt trong giai đoạn phát triển tiếp theo, bao gồm liên kết hành chính, quy hoạch tổng thể, đến liên kết hạ tầng vùng. Đây chính là nền tảng để tránh lặp lại những "cơn sốt đất" thiếu bền vững trong quá khứ và thay vào đó là một chu kỳ phát triển dựa trên năng lực nội tại và khả năng kết nối.
Ở góc độ thể chế, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh rằng, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh là một bước đi trong chuỗi cải cách tổng thể về thể chế phát triển quốc gia.
GS. TSKH. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo GS. Võ, quá trình này không chỉ giúp cơ cấu lại bộ máy mà còn có thể tái định hình cấu trúc thị trường bất động sản trong dài hạn, thông qua 3 lực đẩy chiến lược:
Thứ nhất, cải cách bộ máy hành chính: Việc tinh giản tổ chức không chỉ tiết kiệm ngân sách, mà còn giúp chuyển nguồn lực sang đầu tư công, nhất là cho hệ thống hạ tầng và trụ sở hành chính mới - yếu tố kích hoạt thị trường bất động sản hành chính công và thương mại dịch vụ đi kèm.
Thứ hai, phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit-Oriented Development): Đây là mô hình quy hoạch đô thị dựa trên giao thông công cộng, giúp tái cấu trúc lại bài toán sử dụng đất, tối ưu hóa mật độ và thúc đẩy hình thành các cụm phát triển năng động.
Thứ ba, ứng dụng công nghệ và thương mại điện tử: Trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển nhanh, bất động sản công nghiệp, logistics và mô hình văn phòng linh hoạt sẽ trở thành xu thế. Việc tích hợp công nghệ không chỉ nâng cao hiệu suất quản lý mà còn tạo lợi thế cạnh tranh cho các địa phương mới sáp nhập.
"Tuy nhiên, để 3 lực đẩy này phát huy hiệu quả, điều kiện tiên quyết là phải triển khai đồng bộ, nhất quán và có tầm nhìn lâu dài", GS. TSKH. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Cùng với đó, các chuyên gia khuyến nghị cần triển khai ngay 3 nhóm chính sách trụ cột để đón đầu cơ hội từ việc sáp nhập tỉnh thành. Một là, chính sách quy hoạch tích hợp: Rà soát toàn diện không gian phát triển của đơn vị hành chính mới, xác lập rõ chức năng từng khu vực, từ đó đảm bảo định hướng phát triển không bị phân mảnh, chồng chéo. Hai là, chính sách đầu tư hạ tầng ưu tiên: Huy động hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là vốn tư nhân để đầu tư vào các trục giao thông, trung tâm hành chính và các vùng động lực để tạo lực kéo phát triển đồng đều. Ba là, chính sách minh bạch hóa thị trường: Tăng cường ứng dụng công nghệ trong công khai quy hoạch, giá đất, thông tin pháp lý và quy trình thủ tục nhằm tạo lập một thị trường bất động sản minh bạch, ngăn chặn đầu cơ và bảo vệ nhà đầu tư chân chính.
Theo đó, việc sáp nhập các tỉnh, thành không chỉ là bài toán tổ chức bộ máy mà đang trở thành một đòn bẩy chiến lược trong tái cơ cấu không gian phát triển quốc gia. Nếu nắm bắt đúng thời cơ, kết hợp quy hoạch bài bản, chính sách rõ ràng, các địa phương sau sáp nhập hoàn toàn có thể chuyển mình trở thành những cực tăng trưởng mới, là điểm hội tụ của hạ tầng, đô thị hóa, kinh tế vùng và dòng vốn đầu tư dài hạn./.
Nguồn: https://reatimes.vn/sap-nhap-tinh-thanh-cu-hich-tai-cau-truc-thi-truong-bat-dong-san-20225042411282371.htm
14:39, 08/04/2025
06:48, 06/04/2025
09:12, 01/04/2025
09:05, 18/03/2025