19/01/2025 | 10:03 GMT+7, Hà Nội

Thấy gì từ một nhà máy nấm?

Cập nhật lúc: 11/07/2017, 10:39

Kinoko được đánh giá là nhà máy sản xuất nấm hiện đại nhất Việt Nam nhưng cũng chỉ đạt năng suất 700kg nấm/ngày trong khi thị trường tràn lan các loại gắn mác Việt Nam với mức giá chênh lệch không hề nhỏ.

Một chuyến thăm quan… máy móc

Nhân sự kiện ồn ào xung quanh nguồn gốc của các loại nấm trên thị trường, công ty TNHH Hai thành viên Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam đã tổ chức chuyến đi này nhằm khẳng định nguồn gốc Việt của sản phẩm nấm kim châm Kinoko mà Nhà máy Công ty TNHH Xuất nhập Khẩu Kinoko Thanh Cao (gọi tắt là Nhà máy Kinoko) đang phân phối trên thị trường.

Chuyến đi có sự tham gia của đại diện một số hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, một số khách hàng lẻ và các phóng viên.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đến nơi, trái ngược với sự tưởng tượng về một nhà máy lớn, tấp nập công nhân làm việc lại là một khung cảnh vắng vẻ. Lý do là công nhân tại đây chỉ làm việc từ 6 - 10 giờ sáng và chiều từ 14 - 16 giờ, trong khi lịch trình của chúng tôi khi đến đây được sắp xếp chỉ từ 11 - 13 giờ mà thôi.

Vậy nên, chuyến thăm thực địa này không phải là chứng kiến công nhân sản xuất nấm ra sao mà toàn bộ là quan sát máy móc và nghe qua lời của người giới thiệu.

Nhà máy vắng bóng công nhân khi đoàn thăm quan đến nơi

Nhà máy vắng bóng công nhân khi đoàn thăm quan đến nơi

Bà Dương Thị Thu Huệ - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao là người trực tiếp đón tiếp và giới thiệu, cung cấp thông tin về hoạt động của nhà máy cho đoàn thăm quan.

Bà Dương Thị Thu Huệ giới thiệu máy trộn nguyên liệu

Bà Dương Thị Thu Huệ giới thiệu máy trộn nguyên liệu

Bà Huệ cho biết: nhà máy Kinoko, với tổng diện tích là 3 ha,hiện đang sản xuất hai loại nấm chính là nấm kim châm và nấm sò với quy trình sản xuất 100% công nghệ Nhật Bản. Công suất hiện tại của nhà máy là 700kg/ngày, dự kiến đến tháng 9/2017 là 1,5 tấn/ngày và đến tháng 12 là 3 tấn/ngày.

Sản phẩm nấm kim châm của nhà máy Kinoko chỉ cung cấp cho hai nhà phân phối là Công ty TNHH Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam và một đơn vị khác trong TPHCM. Sản phẩm chỉ được bán trong các hệ thống siêu thị chứ không cung cấp ra thị trường bên ngoài như chợ dân sinh, chợ đầu mối.

Các lọ nhựa nằm trong phòng ươm, toàn bộ quy trình sản xuất từ lúc trộn nguyên liệu cho tới khi thành phẩm là 42 ngày.

Toàn bộ quy trình sản xuất từ lúc trộn nguyên liệu cho tới khi thành phẩm là 42 ngày.

Khi đoàn thăm quan đến, phòng đóng gói nấm vắng lặng khi không có công nhân làm việc

Khi đoàn thăm quan đến, phòng đóng gói nấm hoàn toàn vắng lặng do không có công nhân làm việc

Người tiêu dùng có đang bị lừa dối?

Khi nói về thị trường nấm trong nước, bà Huệ chia sẻ: “Hiện nay mỗi ngày nước ta nhập hàng trăm tấn nấm từ Trung Quốc vào và để trôi nổi ở mọi nơi khiến người tiêu dùng hoang mang về nguồn gốc thật sự của các loại nấm mang nhãn hiệu Việt. Nhà máy của tôi hiện tại sản lượng vẫn còn thấp, không thấm gì so với nhu cầu thị trường.

Bà Huệ cho hay, giá nấm kim châm Kinoko khi tới tay người tiêu dùng trung bình là 120.000 đồng/kg. Trong khi đó, theo khảo sát của nhóm phóng viên, giá nấm cùng loại tại các chợ dân sinh trung bình là 80.000 đồng/kg, tại các cửa hàng thực phẩm sạch như Sói Biển, Clever Food trung bình là 130.000 đồng/kg, Greenlife là 170.000 đồng/kg.

Một số công ty là nguồn cung lớn cho thị trường nấm Việt hiện nay có thể kể đến như: Trạm thực nghiệm sản xuất nấm tại Văn Giang (Hưng Yên) thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nấm trực thuộc Viện Di truyền Nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Công ty TNHH Long Hải (Quảng Ninh), Công ty TNHH Vườn nấm Minakami (Phú Thọ), Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ cao Nasa (Đak Nông) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao,...

Với số lượng không nhiều và năng suất sản xuất chưa lớn, các nhà máy sản xuất nấm tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Hơn nữa, giá nấm Việt và giá nấm nhập khẩu không rõ nguồn gốc có sự chênh lệch nhau nhất định như vậy dẫn đến việc không thể không nghi ngờ về tình trạng có lẫn lộn, nhập nhèm nguồn giữa nấm Việt và nấm mác “Việt”. 

Sau chuyến đi, niềm tin đối với nguồn gốc nấm Việt trên thị trường dù đã được nâng lên một chút dù vẫn có sự nuối tiếc, lăn tăn khi chưa thấy tận mắt cảnh làm việc, sản xuất của công nhân tại nhà máy.

Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất đối với chúng tôi là nếu nấm "chuẩn Việt" được sản xuất tại những nhà máy như thế này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên thị trường thì phần lớn nấm đang phục vụ nhu cầu hàng ngày của hàng triệu người tiêu dùngtừ đâu mà ra, chất lượng thế nào và đặc biệt là có nguy hại gì đối với sức khỏe người tiêu dùng hay không?