25/11/2024 | 02:09 GMT+7, Hà Nội

Sai lầm nghiêm trọng khi sử dụng nước khoáng nấu ăn

Cập nhật lúc: 21/10/2019, 06:40

Nước khoáng và nước tinh khiết là 2 sản phẩm đã khá phổ biến trong cuộc sống. Tuy nhiên cách sử dụng thì nhiều người vẫn mắc sai lầm…

Không giống như ở các tòa nhà và văn phòng, chỉ dùng nước đóng chai để uống, tại các hộ gia đình, nhiều người còn sử dụng 2 loại nước này để phục vụ cho việc nấu ăn hàng ngày. Nhu cầu nước đóng chai tăng cao vì người dân đổ xô đi mua nhằm phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày.


Điểm chung giữa nước khoáng và nước lọc đóng chai là đều được sản xuất với công nghệ nước uống đóng chai hiện đại, đều là nước vô khuẩn, tiệt trùng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, là những sản phẩm nước đủ tiêu chuẩn dùng để uống mà tốt cho sức khỏe con người.

Nhu cầu nước đóng chai của người dân tăng cao.

Điểm khác biệt lớn nhất chính là, nước tinh khiết đơn giản là nước ở bất cứ mặt bằng nào (nước giếng, nước sông, nước sinh hoạt…) được tiệt trùng. Cơ chế sản xuất nước tinh khiết là nguồn nước qua tinh lọc để không còn cặn bẩn, tiệt trùng, đóng chai. Còn nước khoáng, nước suối thiên nhiên là hai loại nước chảy qua những tầng địa chất có chứa một số nguyên tố, khí tự nhiên hay hợp chất khoáng với hàm lượng cao hơn nước bình thường. Nước khoáng và nước suối phải đóng chai tại nơi có nguồn, không qua xử lý làm ảnh hưởng thành phần của chúng mà chỉ qua kỹ thuật đảm bảo vô trùng. Vì vậy, khi mua nước bạn nên đọc kỹ nhãn, địa chỉ sản xuất cũng là một dấu hiệu để bạn phân biệt các loại nước này.

Vì không phân biệt được sự khác nhau này, nên nhiều người nghĩ rằng có thể sử dụng 2 loại nước này để nấu ăn hàng ngày. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh thói quen này là sai lầm. Nước khoáng là loại nước tự nhiên có thể dùng ngay không cần phải đun sôi lên nữa. Trong nước chứa các chất như chì, Nitrat, Cadimiu... khi đun sôi quá trình thủy phân không ngừng bốc hơi làm nồng độ chì, Nitrat và các kim loại nặng khác sẽ tăng lên. Khi sử dụng vào cơ thể thì Nitrat sẽ khử lại thành muối Nitric, ảnh hưởng đến chức năng vận chuyển dưỡng khí trong máu, làm cho hô hấp khó khăn, tim đập nhanh, nguy hiểm hơn thì có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng. Và các loại kim loại nặng khác cũng có hại đối với sức khỏe con người.

Nếu bạn có thói quen dùng nước khoáng để nấu ăn, thì hãy nên dừng lại ngay. Vì trong nước khoáng có chứa một lượng khoáng chất nhất định, nếu bạn dùng để nấu ăn thì sẽ có một lượng nhỏ khoáng chất chưa được hòa tan vào trong thức ăn. Những người thường xuyên nấu ăn bằng nước khoáng sẽ có nguy cơ mắc bệnh sỏi thận và các bệnh về đường tiêu hóa cao hơn người bình thường.

Tương tự, chúng ta có nên pha sữa cho trẻ nhỏ bằng nước khoáng hay không? Và câu trả lời vẫn là "không". Lý dó vì khi pha sữa với nước khoáng, hàm lượng khoáng trong nước bé sẽ hấp thụ trước, tốc độ hấp thụ của bé có giới hạn không giống như người lớn nên những vitamin trong sữa bé chưa kịp hấp thụ. Vì vậy bé rất dễ mắc tình trạng thiếu chất. Trong khi đó, nước tinh khiết là loại nước không có chứa bất kỳ khoáng chất nào nên khi đun sôi sẽ không xảy ra hiện tượng gì, ngay cả khi bạn dùng để pha sữa cho trẻ nhỏ. Vậy nên, đối với nước tinh khiết, bạn có thể dùng hàng ngày để uống hoặc nấu ăn.

Để tránh dùng nhầm, bạn có thể phân biệt nước khoáng và nước tinh khiết bằng vị giác. Nước khoáng khi uống tạo cảm giác về khoáng chất mặn, ngọt, tê tê đầu lưỡi, cảm giác mát vì hàm lượng CO2. Còn nước tinh khiết không vị, không mùi. Nên đọc kỹ khi mua để phân biệt nhãn mác nước uống đóng chai và nước khoáng thiên nhiên.

Ngoài ra, cũng có thể phân biệt bằng thị giác. Cả hai loại nước trên đều phải đạt độ trong, không màu sắc nhưng chai nước khoáng khi lắc nhẹ có hạt khí nhỏ, rót ra cốc thấy sủi tăm. Còn nước tinh khiết, nước suối ít khoáng thì không có hạt khí, bọt tăm.

Theo các chuyên gia, tùy theo từng loại nước khoáng sẽ có những mức ảnh hưởng khác nhau. Do đó, cần xác định rõ những loại muối khoáng nào, thành phần bao nhiêu trong từng loại nước khoáng mới có thể biết chính xác mức độ ảnh hưởng khi nấu ăn.