Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam
Cập nhật lúc: 27/12/2018, 03:20
Cập nhật lúc: 27/12/2018, 03:20
Với Quy tắc này, người làm báo Việt Nam có 4 việc/điều cần làm và 8 việc/điều không được làm khi tham gia mạng xã hội.
Mạng xã hội là “con dao hai lưỡi” nếu người sử dụng không kiểm chứng và chọn lọc
Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, nhiều nhà báo đã đánh giá cao về những nội dung đã được đưa ra trong Quy định với nhiều điểm mới. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm đến Điều 5 của Quy định “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”. Đây là một vấn đề đang được sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội. Bởi lẽ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, thời kỳ của mạng xã hội và phổ biến là Facebook, ở diễn đàn tự do của hàng triệu con người, các thông tin được cập nhật đa chiều giúp chúng ta có một cái nhìn khách quan, toàn diện hơn.
Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có không ít ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí. Nhiều nhà báo - hội viên bị chi phối bởi áp lực tin bài, áp lực thời gian, đã bỏ qua khâu quan trọng nhất là kiểm chứng độ xác thực của thông tin. Điều đó đã gây hệ lụy không nhỏ tới sự ổn định của xã hội, làm suy giảm lòng tin đối với báo chí và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.
Mặt khác, sau một năm thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, bên cạnh những kết quả tích cực, đáng ghi nhận, cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế; có những vấn đề mới phát sinh cần phải cập nhật, bổ sung để giúp cho hội viên - nhà báo xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của hội viên - nhà báo khi tham gia mạng xã hội.
Cùng với 4 việc/điều cần làm, có 8 việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia mạng xã hội, bao gồm: Vi phạm các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng; đăng tải, gỡ bài viết vì mục đích tống tiền hoặc các mục đích không trong sáng; đăng tải, bình luận các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; bình luận, chia sẻ các thông tin có mục đích kích động người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, đối ngoại…; sao chép, chia sẻ thông tin không hợp pháp, vi phạm bản quyền; thông tin vụ việc chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội; miêu tả thô thiển, phản cảm những hành động dâm ô, tội ác; sử dụng logo, hình ảnh, thông tin, danh nghĩa của Hội Nhà báo Việt Nam khi tham gia các trang mạng xã hội khi chưa được phép.
Đối tượng áp dụng của quy tắc là tất cả người làm báo Việt Nam (bao gồm: Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, người đã được cấp Thẻ Nhà báo; người chưa được cấp Thẻ Nhà báo đang làm việc tại cơ quan báo chí; người hoạt động trong lĩnh vực báo chí nói chung).