19/01/2025 | 07:25 GMT+7, Hà Nội

Điều ít biết về loài chim Hồng Hoàng có mỏ sừng giá 6.150USD/kg vừa gây xôn xao mạng xã hội

Cập nhật lúc: 29/11/2018, 13:01

Hồng Hoàng là một loài chim có ý nghĩa văn hóa, tâm linh đặc biệt trong tiềm thức một số quốc gia. Ở góc độ kinh tế, mỏ sừng loài chim quý hiếm này có giá trị rất lớn, thường chỉ dành cho tầng lớp quý tộc.

Theo thông tin trên Wikipedia, máu của chim non Hồng Hoàng non được cho là có tác dụng an ủi đối với những linh hồn quá cố và trước hôn lễ. Những người đàn ông của một số bộ lạc tại Ấn Độ sử dụng lông của chúng để làm mũ đội đầu.

Hồng Hoàng có tên gọi William là biểu tượng của Hiệp hội Lịch sử Tự nhiên Bombay.

Về góc độ bảo tồn, hiện nay, tình trạng buôn bán mỏ sừng loài chim này vẫn tiếp tục diễn ra ngấm ngầm khó kiểm soát do giá trị của nó khoảng 6.150USD/kg (tức đắt gấp 3 lần ngà voi). Hiện số phận của chim Hồng Hoàng đang bị đe dọa trầm trọng vì chưa được quan tâm bảo vệ đúng mức.

Phần mỏ sừng chim Hồng Hoàng được giới thợ thủ công Trung Quốc sử dụng để sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị cao. Nghệ nhân Nhật Bản cũng chạm khắc mỏ sừng với nhiều hình ảnh tinh xảo thành những núm nơi dây thắt lưng kimono của nam giới. Nhiều món đồ tinh xảo làm từ mỏ sừng chim Hồng Hoàng vượt biển đến nước Anh và trở thành thời trang của giới quý tộc nước này vào thế kỷ XIX.

 Chim Hồng Hoàng có ý nghĩa văn hóa, tâm linh đặc biệt và giá trị kinh tế lớn. Ảnh: TL

Chim Hồng Hoàng có ý nghĩa văn hóa, tâm linh đặc biệt và giá trị kinh tế lớn. Ảnh: TL

Do việc mất môi trường sống đang diễn ra cũng như bị săn bắn ở một số nơi nên Hồng Hoàng được đánh giá là gần (cận) nguy cấp trong sách đỏ của IUCN về các loài nguy cấp. Hồng Hoàng được liệt kê trong Phụ lục I của CITES.

Trước đó Báo Gia đình và Xã hội đã thông tin, những ngày qua, hình ảnh một người đàn ông (được cho là giám đốc 1 doanh nghiệp, ngụ tại TP.HCM) khoe ảnh chụp cùng 2 cá thể chim đã bị giết thịt (có nhiều đặc điểm giống loài chim Hồng Hoàng) lên trang facebook cá nhân gây xôn xao dư luận.

Trả lời báo chí, chủ tài khoản Facebook Tuan Kiet (người đăng những hình ảnh trên) cho biết tên thật là Bạch Ngọc Tuấn, nhà huyện Củ Chi, (TP.HCM). Ông Tuấn nói những bức ảnh ông đăng Facebook được chụp trưa 25/11, khi trên đường dự đám cưới ở Tây Ninh.

“Khi xe chạy đến địa phận xã Suối Dây hoặc xã Suối Ngô (huyện Tân Châu, Tây Ninh), tôi dừng xe để mọi người đi vệ sinh. Do lúc này hơi say, trong lúc đi vệ sinh tôi thấy người dân bán nhiều con chim đã bị vặt lông nên cầm 2 con để chụp ảnh về đăng Facebook” - ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn: “Người bán chim nói giá 120.000 đồng/con nhưng tôi không mua. Tôi chỉ xin chụp hình đăng Facebook. Tôi có hỏi thì người dân địa phương gọi chim này là cò hay chim Cao Cát gì đó chứ không phải chim Hồng Hoàng”.

Trong khi đó, ông Mang Văn Thới, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh thông tin, nếu chỉ nhìn những hình ảnh của cá thể chim đăng tải trên mạng xã hội khó có thể khẳng định là Hồng Hoàng hay Cao Cát. Vì hai loài còn phân biệt qua độ lớn và màu sắc. Nếu hình ảnh trên là chim Cao Cát thì đó chỉ là loại chim thông thường không bị xử lý.

 Hình ảnh người đàn ông khoe chụp cùng cá thể chim có nhiều đặc điểm giống Hồng Hoàng gây xôn xao dư luận. Ảnh: TL

Hình ảnh người đàn ông khoe chụp cùng cá thể chim có nhiều đặc điểm giống Hồng Hoàng gây xôn xao dư luận. Ảnh: TL

Được biết, Cao Cát bụng trắng hay còn gọi là Cao Cát phương đông là loài chim cùng họ Hồng Hoàng, nhưng nhỏ và xấu hơn Hồng Hoàng.

Loài chim này có bộ lông màu đen là chủ yếu, lông dưới bụng có màu trắng; đuôi, cánh có đốm trắng; trong khi đó Hồng Hoàng có lông dưới bụng màu đen.

Theo đánh giá của chuyên gia, vì 2 con chim trong bức ảnh đã bị vặt lông nên không thể dựa vào màu sắc để phân biệt. Tuy nhiên, quan sát ở vùng má, bọng mắt và mỏ của chim có thể nhận ra điểm khác biệt.

2 con chim bị giết thịt có phần mũ ở trên hẹp và cao, phần mút mũ nhọn nhô ra phía trước. Ngoài ra, mỏ của Cao Cát có màu vàng nhạt, chóp mũ có vệt đen.

Phần da trần quanh mắt của Cao Cát có màu xanh nhạt hay xanh ánh đỏ, một đám da ở họng có màu xanh phớt tím. Trọng lượng của chúng chỉ từ 1,2 - 1,5 kg.

Trong khi đó, đặc trưng nổi bật nhất của Hồng Hoàng là phần mũ mỏ màu vàng tươi và cân nặng 2,15 – 4 kg.

Cao Cát bụng trắng hiện đang sinh sống chủ yếu ở Myanmar, Thái Lan, Đông Dương và Nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, Cao Cát bụng trắng có ở hầu khắp các rừng rậm rạp từ Bắc chí Nam.

Vì chưa phải là loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, Cao Cát vẫn có thể được nuôi để làm cảnh và làm thịt nếu được cấp phép. Được biết, loài Cao Cát khá dễ nuôi, thức ăn chủ yếu của chúng là các loại trái cây rừng và cả các loài động vật lưỡng cư như ếch, nhái. Một con Cao Cát cảnh có giá từ 700.000 - 1.000.000 đồng.

 

Huyền Chi