Quý II/2023, dự kiến khởi công đợt 1 cải tạo chung cư cũ
Cập nhật lúc: 05/11/2021, 21:03
Cập nhật lúc: 05/11/2021, 21:03
Tại hội nghị giao ban sơ kết 10 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong 2 tháng cuối năm 2021; về chỉ tiêu hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn TP; triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; triển khai cải tạo, xây dựng lại 2 - 3 khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại. Ban Chỉ đạo Chương trình đã chỉ đạo Sở Xây dựng khẩn trương tổ chức xây dựng 3 kế hoạch để thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.
Theo ông Võ Nguyên Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - đại diện cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, dự kiến các kế hoạch chia 4 đợt, trong đó đợt 1 lựa chọn triển khai ban đầu 10 khu chung cư cũ giai đoạn 2021 - 2025 gồm 6 khu có tính khả thi (Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân) và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp).
Đối với khu chung cư, nhà chung cư cũ (đợt 1) hoàn thành kiểm định và lập quy hoạch chi tiết xong trong quý IV/2022 thì có thể tổ chức lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện dự án trong quý I/2023, dự kiến khởi công trong quý II/2023. Với các chung cư cũ còn lại (đợt 2, đợt 3 và đợt 4) triển khai thực hiện theo kế hoạch trong những năm tiếp theo, đồng thời khuyến khích khu chung cư, nhà chung cư cũ nào hoàn thành kiểm định và quy hoạch thì tổ chức lựa chọn chủ đầu tư triển khai trước.
Theo thống kê, các chung cư cũ xuống cấp, tập trung chủ yếu tại quận nội thành, nội đô lịch sử thuộc khu vực hạn chế phát triển, bị khống chế bởi quy mô dân số, chiều cao công trình, trong đó: Ba Đình (211 nhà), Hoàn Kiếm (99 nhà), Đống Đa (415 nhà), Hai Bà Trung (244 nhà). Ngoài ra, còn tập trung nhiều ở Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông. Trong các khu nhà cũ này xen kẽ công trình nhà ở thấp tầng (có trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), trụ sở cơ quan, văn phòng, dịch vụ thương mại, công trình hạ tầng xã hội.
Trước đó, Hà Nội đã hoàn thành việc rà soát, xây dựng danh mục, phấn đấu hoàn thành công tác kiểm định cho tất cả các chung cư cũ trên địa bàn trong quý II/2023. Trên cơ sở Đề án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố Hà Nội sau khi hoàn chỉnh, được phê duyệt, UBND TP, Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ sẽ tiếp tục chỉ đạo, ban hành các kế hoạch, giải pháp, nhiệm vụ, đồng bộ với Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ.
Theo đó, TP dự kiến sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ theo các đối tượng, phân loại quy định của Nghị định số 69. Đồng thời, xây dựng và ban hành Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ giai đoạn 2021- 2025 đối với các chung cư cũ đã có kết quả kiểm định để triển khai thực hiện quy trình tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, dự án đầu tư.
Các giải pháp trọng tâm tiếp theo sẽ được triển khai là: Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; Công tác giải phóng mặt bằng và bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tạm cư; Tạo lập quỹ nhà ở tạm thời (tạm cư); Thực hiện các chính sách ưu đãi. Đồng thời, cùng với các chính sách ưu đãi đầu tư của Trung ương đã được xác định trong Đề án, theo Ban Đô thị, UBND Thành phố cần tiếp tục rà soát đánh giá kết quả thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư đặc thù của Thành phố đã ban hành, trên cơ sở đó đề xuất HĐND Thành phố sửa đổi, bổ sung các cơ chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của Thành phố phù hợp với quy định pháp luật, nhằm thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư tham gia đầu tư cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội.
Đồng thời, Thành phố sẽ ban hành kế hoạch tổ chức lập quy hoạch chi tiết chung cư cũ đồng thời bố trí nguồn vốn ngân sách lập quy hoạch. Sau khi có quy hoạch chi tiết, thành phố sẽ ban hành kế hoạch cải tạo, xây dưng lại chung cư cũ trên địa bàn. Việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; Công tác giải phóng mặt bằng và bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tạm cư; Tạo lập quỹ nhà ở tạm thời (tạm cư); Thực hiện các chính sách ưu đãi.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, quy định rõ nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại, hoặc xây dựng công trình khác và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/9/2021.
Nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại, hoặc xây dựng công trình khác theo quy hoạch quy định gồm: Nhà chung cư phải phá dỡ khẩn cấp do sự cố, thiên tai, cháy nổ theo quy định của pháp luật; Nhà chung cư hết niên hạn sử dụng hoặc chưa hết niên hạn sử dụng theo quy định của pháp luật nhưng có kết luận kiểm định của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh; Nhà chung cư bị hư hỏng một trong các cấu kiện kết cấu chính của công trình, gồm móng, cột, tường, dầm, xà không đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường mà chưa thuộc diện phải phá dỡ theo quy định tại điểm (2), nhưng nằm trong khu vực có nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ theo quy định khoản 2, Điều 110 của Luật Nhà ở.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/du-kien-khoi-cong-dot-1-cai-tao-chung-cu-cu-vao-quy-ii-2023-20201231000004235.html
13:30, 06/10/2021
19:30, 30/09/2021
10:30, 27/09/2021