19/01/2025 | 16:06 GMT+7, Hà Nội

Cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội: Làm gói gọn không dàn trải

Cập nhật lúc: 30/09/2021, 19:30

Tại kỳ họp thứ 2, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND TP Hà Nội đã thông qua dự thảo Đề án "Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (CCC) trên địa bàn TP Hà Nội”. Một nội dung quan trọng là sẽ bố trí ngân

Nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng ngân sách để tổ chức lập quy hoạch sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng lại CCC, nhưng TP Hà Nội nên tập trung thực hiện thí điểm gói gọn 1 số khu, trước khi đưa vào thực hiện đồng bộ trên toàn TP.

Tổng rà soát, kiểm định chung cư cũ

Sau khi được HĐND TP Hà Nội thông qua, giai đoạn 2021 - 2025, UBND TP sẽ bố trí vốn ngân sách dự kiến 500 tỷ đồng, thực hiện rà soát, xây dựng danh mục, tổ chức kiểm định toàn bộ CCC trên địa bàn. Việc thực hiện chia làm 4 đợt, ưu tiên kiểm định trước đối với CCC nguy hiểm, nguy cơ sụp đổ và chung cư hư hỏng nặng (cấp độ D, C, cận D).

Cụ thể, đợt 1, tổ chức kiểm định 4 khu CCC cấp D, cùng 6 khu được lựa chọn triển khai ban đầu giai đoạn 2021 - 2025, gồm: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân, dự kiến hoàn thành quý II/2022; đợt 2, kiểm định 15 khu CCC và tối thiểu 30% khu chung cư độc lập, hoàn thành quý II/2022; đợt 3, kiểm định 22 khu CCC, tối thiểu 30% khu chung cư độc lập, hoàn thành quý III/2022; đợt 4, kiểm định 29 khu CCC, hoàn thành 40% khu chung cư độc lập còn lại, tiến độ hoàn thành quý III/2023.

Cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội: Làm gói gọn không dàn trải
Cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội: Làm gói gọn không dàn trải

Trên cơ sở đề án được thông qua, UBND TP giao UBND quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê số lượng CCC trên địa bàn, phối hợp với Sở Xây dựng bổ sung, đề xuất đưa vào kế hoạch kiểm định và kế hoạch cải tạo, xây dựng lại. Phân cấp cho UBND cấp huyện lập quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng, đề án tái định cư những khu chung cư đơn lẻ, để bổ sung, cập nhật vào kế hoạch tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch cải tạo, xây dựng lại CCC theo quy định Nghị định 69/2021/NĐ-CP.

Thực hiện song song giữa cải tạo, chỉnh trang đô thị gắn với bảo tồn

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến lựa chọn triển khai 10 khu CCC, gồm 6 khu khả thi cao: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân và 4 khu nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, tập thể Bộ Tư pháp - quận Ba Đình).

Trong đó, ưu tiên thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại trước 5 khu nhà nguy hiểm cấp D: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Tập thể Bộ Tư pháp, 148 - 150 Sơn Tây. Sở Xây dựng đã đề nghị UBND các quận tăng cường công tác rà soát, phân loại, lập danh mục các công trình CCC trên địa bàn, đặc biệt quan tâm, khu CCC nguy hiểm, không bảo đảm an toàn.

Đề án cải tạo, xây dựng lại CCC trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, đề xuất 3 nhiệm vụ trọng tâm là: Xây dựng kế hoạch tổng rà soát kiểm định; Xây dựng kế hoạch lập, thẩm định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, tổng mặt bằng dự án; Xây dựng kế hoạch cải tạo, xây dựng lại CCC, xác định nhóm giải pháp cụ thể từ khảo sát, kiểm định đến triển khai dự án. Nhưng để thực hiện đồng bộ, hiệu quả cần cả hệ thống chính trị vào cuộc và tăng cường sự thống nhất, đồng thuận của Nhân dân và các tổ chức kinh tế, xã hội.

Việc thực hiện thí điểm trước một số khu trong cải tạo, xây dựng lại CCC sẽ tránh rủi ro phát sinh có thế gặp phải.
Việc thực hiện thí điểm trước một số khu trong cải tạo, xây dựng lại CCC sẽ tránh rủi ro phát sinh có thế gặp phải.

Liên quan đến vấn đề này, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật (UB MTTQ Việt Nam TP Hà Nội) Lê Văn Hoạt cho rằng, Nghị định 69/NĐ-CP có nhiều điểm mới được sửa đổi bổ sung nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công cuộc cải tạo, xây dựng lại CCC.

Đáng chú ý, cho phép sử dụng nguồn ngân sách thực hiện công tác rà soát, kiểm định các khu CCC. Cùng với đó, HĐND TP Hà Nội cũng đã thông qua phương án sử dụng ngân sách TP phục vụ công tác này.

Việc lựa chọn một số khu CCC khả thi cao để thực hiện trước phù hợp với điều kiện thực tế, trong quá trình triển khai rút ra bài học nhằm rút kinh nghiệm trước khi tổ chức thực hiện đồng bộ trên toàn địa bàn. Điều này sẽ giảm thiểu rủi ro có thể gặp phải từ những vướng mắc phát sinh.

“Tôi cho rằng đây là giải pháp mang tính “đột phá” của TP Hà Nội nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án. Nhưng vấn đề quan trọng nhất cần sử dụng một cách hợp lý nguồn ngân sách này. Trước hết dùng một phần nguồn ngân sách tập trung hoàn thiện một số khu, không dàn trải, nếu hiệu quả tiếp tục nhân rộng. Như vậy, sẽ giúp sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách, tránh gây lãng phí” - ông Lê Văn Hoạt nhìn nhận.

Ngoài ra, các chuyên gia đều chung quan điểm, quá trình cải tạo, xây dựng lại CCC trên địa bàn Thủ đô cần phải thực hiện song song giữa cải tạo, chỉnh trang đô thị gắn với bảo tồn di sản văn hóa, để cho thế hệ sau cảm nhận được công lao thế hệ đi trước. Qua đó, góp phần nâng tầm giá trị bảo tồn di sản của Hà Nội và phải chú trọng đến nội dung kiểm soát quy mô dân số tại khu chung cư được cải tạo, đặc biệt là khu vực nội đô lịch sử để tránh những áp lực lên hạ tầng khi đưa vào sử dụng.

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/cai-tao-chung-cu-cu-tai-ha-noi-lam-goi-gon-khong-dan-trai-436494.html