19/01/2025 | 13:58 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Xây dựng các giải pháp \"mở khóa\" việc cải tạo chung cư cũ

Cập nhật lúc: 13/09/2021, 06:15

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Đề án “Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội”; theo đó đưa ra một số giải pháp cấp bách.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Đàm Văn Huân, mặc dù TP. Hà Nội đã xây dựng nhiều đề án để lấy ý kiến phản biện làm căn cứ trong quá trình thực hiện nhưng tiến độ cải tạo chung cư cũ thực hiện còn chậm. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 69NĐ-CP cơ bản đã tháo gỡ vướng mắc trong quá trình này. Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội căn cứ vào Nghị định 69 để điều chỉnh, sửa đổi nội dung đề án phù hợp đặc thù riêng, với 13 nội dung được Bộ Xây dựng chấp thuận và trình Chính phủ.

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, xây dựng, cải tạo chung cư cũ là vấn đề được đặt ra đối với Hà Nội từ cách đây khoảng 30 năm, nhưng đến nay mới thực hiện được khoảng 1,2%. Trong quá trình thực hiện nên xác định rõ mức độ quan trọng của công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP; đến lúc này nhiệm vụ là cấp thiết chứ không còn là cần thiết nữa. Do đó, KTS đề nghị gắn quy hoạch dân cư vào Đề án cải tạo chung cư cũ để đảm bảo giảm mật độ dân số theo các định hướng phát triển của thành phố Hà Nội.

TS. KTS Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội thì cho rằng ngoài 3 chủ thể của cải tạo nhà chung cư là Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, cần một yếu tố quan trọng nữa là cộng đồng. Cần gắn lợi ích, quyền, trách nhiệm cộng đồng vào việc cải tạo chung cư cũ; cộng đồng sẽ được hưởng lợi hạ tầng, tiện ích, vườn hoa sau cải tạo... Như vậy, vấn đề giải phóng mặt bằng sẽ tạo được đồng thuận cao hơn.

Hội nghị phản biện xã hội đối với Đề án Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội có trên 20 ý kiến tham gia đóng góp  (Kinh tế đô thị)
Hội nghị phản biện xã hội đối với Đề án Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội có trên 20 ý kiến tham gia đóng góp  (Kinh tế đô thị)

Về phía UBND TP. Hà Nội, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, thực trạng quản lý các khu chung cư cũ hiện nay đang rất phức tạp. Nếu tính cả khu đơn lẻ là gần 2.000 khu. Công cuộc cải tạo chung cư cũ đặc biệt ở khu vực trung tâm, thực chất là cải tạo, tái thiết đô thị ở mức cao, nên cơ chế chính sách không chỉ tập trung vào đổi mới chất lượng sống, chất lượng hạ tầng, không chỉ đơn thuần là cải tạo một không gian làm chỗ ở.

Theo Đề án, TP. Hà Nội sẽ bố trí nguồn ngân sách khoảng 500 tỷ đồng giai đoạn 2020 - 2025 để kiểm định chung cư, ưu tiên chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ (cấp độ D và C cận D); Sở Xây dựng sẽ ban hành Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Dự kiến hoàn thành trước ngày 15/12; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo 3 hình thức: các chủ sở hữu thống nhất chọn, đấu thầu, Nhà nước trực tiếp đầu tư dự án.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạm cư, UBND thành phố lập Hội đồng thẩm định trước ngày 15/12 để xem xét, phê duyệt phương án bồi thường. Hệ số K được tính từ 1 - 2 lần diện tích sử dụng căn hộ cũ.

Hà Nội xây dựng các giải pháp cải tạo chung cư cũ
Hà Nội xây dựng các giải pháp cải tạo chung cư cũ

Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, quy định rõ nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại, hoặc xây dựng công trình khác và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/9/2021.

Nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại, hoặc xây dựng công trình khác theo quy hoạch quy định gồm: Nhà chung cư phải phá dỡ khẩn cấp do sự cố, thiên tai, cháy nổ theo quy định của pháp luật; Nhà chung cư hết niên hạn sử dụng hoặc chưa hết niên hạn sử dụng theo quy định của pháp luật nhưng có kết luận kiểm định của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh; Nhà chung cư bị hư hỏng một trong các cấu kiện kết cấu chính của công trình, gồm móng, cột, tường, dầm, xà không đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường mà chưa thuộc diện phải phá dỡ theo quy định tại điểm (2), nhưng nằm trong khu vực có nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ theo quy định khoản 2, Điều 110 của Luật Nhà ở.

Có 2 phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư về nhà ở, công trình xây dựng không thuộc sở hữu nhà nước, Nghị định quy định: Một là phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư áp dụng trong trường hợp chủ sở hữu căn hộ chung cư có nhu cầu tái định cư tại chỗ được thực hiện theo quy định; Hai là trường hợp chủ sở hữu căn hộ chung cư không có nhu cầu tái định cư tại chỗ mà chủ đầu tư có diện tích nhà, đất tại địa điểm khác để bố trí tái định cư và chủ sở hữu có nhu cầu thì được bố trí tái định cư theo cơ chế quy định.

Theo báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn TP có 1.579 nhà chung cư cũ (CCC), trong đó 463/1.049 nhà do Công ty TNHH MTV Quản lý & phát triển nhà Hà Nội quản lý, đã tổ chức bán theo Nghị định số 61/CP. Giai đoạn 1960 -1970, chung cư chủ yếu cao từ 2 - 4 tầng, kết cấu tường gạch chịu lực, thi công bằng phương pháp thủ công; Giai đoạn 1970 - 1980 xuất hiện nhà kết cấu bê tông lắp ghép, chiều cao tối đa 5 tầng; Giai đoạn 1980 - 1994 thêm loại hình kết cấu khung bê tông cốt thép chịu lực, chiều cao tối đa 6 tầng.

CCC xuống cấp, tập trung chủ yếu tại quận nội thành, nội đô lịch sử thuộc khu vực hạn chế phát triển, bị khống chế bởi quy mô dân số, chiều cao công trình, trong đó: Ba Đình (211 nhà), Hoàn Kiếm (99 nhà), Đống Đa (415 nhà), Hai Bà Trung (244 nhà). Ngoài ra, còn tập trung nhiều ở Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông. Trong các khu nhà cũ này xen kẽ công trình nhà ở thấp tầng (có trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), trụ sở cơ quan, văn phòng, dịch vụ thương mại, công trình hạ tầng xã hội.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ha-noi-xay-dung-cac-giai-phap-cai-tao-chung-cu-cu-20201231000003542.html