19/01/2025 | 13:38 GMT+7, Hà Nội

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu bộ GTVT siết chặt công tác đào tạo lái xe

Cập nhật lúc: 21/03/2019, 22:00

Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra khiến dư luận đặt dấu hỏi về chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hiện nay. Việc tăng cường quản lý, siết chặt công tác này là một trong những giải pháp cần thiết nhằm đảm bảo ATGT.

Chất lượng đào tạo chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế

Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (Ủy ban ATGT), trong năm 2018 đã xảy ra 18.490 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, làm chết 8.079 người, bị thương 14.732 người. Theo phân tích của cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNGT là do ý thức chấp hành pháp luật của lái xe còn hạn chế, chưa kể tình trạng tài xế sử dụng chất kích thích như rượu bia, ma túy… khi tham gia giao thông. Điều đó cũng khiến dư luận hoài nghi về chất lượng đào tạo của các Trung tâm sát hạch, cấp đổi GPLX.

Hiện nay, trên cả nước có 328 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô và máy kéo đến 1000kg; có 19.714 giáo viên dạy lái xe, các giáo viên đều đáp ứng các tiêu chuẩn về nghiệp vụ  sư phạm, được tập huấn, cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành; có 15.420 xe tập lái các hạng, phần lớn là xe ô tô thế hệ mới; có 126 trung tâm sát hạch lái xe (gồm 47 trung tâm loại 1 và 79 trung tâm loại 2). Tính riêng trong năm 2018, toàn quốc đã cấp mới: 668.353 GPLX ô tô; cấp đổi: 379.733 GPLX ô tô; đến ngày 30/11/2018, tổng số giấy phép lái xe toàn quốc là: 8.162.000 GPLX ô tô; 45.162.000 GPLX mô tô.

Với gần 800 cơ sở đào tạo lái xe, con số này không hề nhỏ, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hiện nay đang trong tình trạng “đông nhưng không tinh”, chất lượng đào tạo chưa theo kịp với yêu cầu thực tế. Biểu hiện rõ nhất là việc một bộ phận không nhỏ lái xe ôtô, tuy đã có GPLX, nhưng hiểu biết về Luật Giao thông, quy tắc giao thông cũng như trách nhiệm, ý thức, đạo đức của người lái xe… lại rất hạn chế.

Siết chặt công tác đào tạo lái xe

Công tác đào tạo lái xe phải được siết chặt

Nhằm góp phần hạn chế các nguyên nhân tiềm ẩn gây TNGT, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia yêu cầu cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp GPLX ô tô, trong đó có quy định tước GPLX 5 năm đối với tài xế vi phạm Luật Giao thông gây TNGT nghiêm trọng. Thực hiện chỉ đạo này, cơ quan chức năng tuyệt đối không cấp mới hoặc cấp lại GPLX cho người đã gây TNGT. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Thanh tra Bộ GTVT và các sở GTVT sử dụng thông tin về bằng lái xe vi phạm bị tạm giữ tại cơ quan công an để kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời những trường hợp xin cấp lại GPLX trong thời gian đang bị chế tài một cách nghiêm minh.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với UBND các tỉnh thành tăng cường tổng kiểm tra, siết chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX trên toàn quốc; có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm (nếu có). Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp lại GPLX ô tô, đối với trường hợp xin cấp lại do bị mất hoặc hư hỏng, người xin cấp phải được Cục CSGT hoặc phòng CSGT cấp tỉnh xác nhận GPLX không bị tạm giữ do vi phạm quy định pháp luật.

Tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất

Mới đây, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 2782/QĐ-BGTVT, phê duyệt “Đề án nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý giấy phép lái xe đảm bảo an toàn giao thông”. Theo đó, mục tiêu của Đề án nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, khai thác hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và đảm bảo chất lượng của đội ngũ lái xe. Đồng thời, phát huy hiệu quả của các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch hiện có với quy mô theo hướng hiện đại, phù hợp với khả năng đầu tư và đặc điểm của từng địa phương.

Siết chặt công tác đào tạo lái xe

Mang điện thoại khi sát hạch lái xe sẽ bị đánh trượt và cấm thi 5 năm

Đề án sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp như quy hoạch, chiến lược và xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý Nhà nước; kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; nâng cao công tác sát hạch lái xe; giải pháp về nâng cao chất lượng quản lý, cấp giấy phép lái xe, cơ sở dữ liệu quản lý GPLX; quản lý lái xe sau khi đào tạo và quản lý lái xe kinh doanh vận tải...

Với giải pháp về kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX, Bộ GTVT sẽ tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất và giám sát công tác đào tạo lái xe tại tất cả các Sở GTVT trong toàn quốc. Xử lý nghiêm, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi giấy phép đào tạo các cơ sở đào tạo lái xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ GTVT, Bộ Công an và các địa phương trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ người lái xe khi tham gia giao thông cũng như khi tham gia học, sát hạch, cấp GPLX.

Về giải pháp về nâng cao chất lượng quản lý, cấp GPLX, cơ sở dữ liệu quản lý GPLX, đáng chú ý, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Công an để chia sẻ dữ liệu vi phạm của người lái xe, không để xảy ra tình trạng người bị tạm giữ GPLX giả khai báo mất để được cấp lại GPLX.

Tăng “độ khó” của việc thi sát hạch

Đặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ GTVT chỉ đạo, xây dựng, bổ sung để tăng số lượng ngân hàng từ 450 câu hỏi lên 600 câu và lộ trình tăng dần theo hàng năm; tăng số lượng câu hỏi đối với mỗi bài thi; đảm bảo dữ liệu ngân hàng câu hỏi phù hợp với điều kiện địa lý, dân trí và quy định hiện hành để áp dụng cho sát hạch lý thuyết; bổ sung câu hỏi liên quan đến các tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nghiêm trọng.

Nghiên cứu, hướng dẫn các trung tâm sát hạch lựa chọn, lắp đặt camera, đường truyền để kết nối trực tiếp dữ liệu hình ảnh phòng sát hạch lý thuyết và hình ảnh quá trình sát hạch thực hành lái xe trong hình của học viên tại các bài sát hạch mà thí sinh dễ mắc lỗi đến Sở GTVT và để các cơ quan chức năng có thể giám sát trực tiếp quá trình sát hạch; tổ chức lưu trữ tại các Trung tâm sát hạch theo quy định phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra; nghiên cứu bổ sung quy định truất quyền sát hạch đối với các thí sinh vi phạm lỗi gây mất an toàn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT nghiêm trọng như: Không tuân thủ tín hiệu đèn, vi phạm vạch phân làn tại ngã tư; không dừng xe tại nơi giao nhau với đường sắt, khi tham gia giao thông trên đường giao thông công cộng.

Cụ thể hóa những chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu sở GTVT các tỉnh thành trong toàn quốc tăng cường quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ. Đây là một trong những giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm trật tự ATGT vận tải đường bộ trong thời gian sắp tới. Cụ thể, các trung tâm sát hạch GPLX cần bố trí tủ đựng đồ cá nhân cho các thí sinh, đảm bảo các học viên không mang điện thoại di động, các thiết bị viễn thông vào phòng sát hạch lý thuyết cũng như khi sát hạch lái xe trong sa hình. Trường hợp học viên cố tình sử dụng các thiết bị này, trung tâm phải lập biên bản hủy bỏ kết quả sát hạch và không cho phép học viên tham dự sát hạch trong thời gian 5 năm theo quy định. Riêng đối với phần thi lý thuyết cấp GPLX hạng A1 (xe mô tô từ 50cm3 đến dưới 175cm3), Tổng cục Đường bộ yêu cầu các trung tâm phải thường xuyên đảo đề thi trắc nghiệm lý thuyết để tránh trường hợp “học tủ”.

Cũng theo quy định mới, Tổng cục Đường bộ yêu cầu tất cả các thí sinh phải khai đầy đủ thông tin cá nhân, có chữ ký trong đơn đề nghị học/sát hạch và các biên bản thi sát hạch lý thuyết cũng như thực hành. Động thái này nhằm tránh tình trạng thí sinh không biết chữ cũng tham gia thi tuyển. Bên cạnh các quy định mới trong phần thi lý thuyết, các trung tâm sát hạch cũng được yêu cầu lắp camera giám sát quá trình sát hạch và lưu dữ liệu tối thiểu trong 1 năm.

Đồng thời, nhằm tạo tính hệ thống trong công tác quản lý, Tổng cục Đường bộ đề nghị cơ quan chức năng thống kê đầy đủ thông tin về đơn vị đào tạo, quá trình sát hạch, việc sử dụng GPLX, thâm niên của lái xe… giúp CSGT và cơ quan điều tra có cơ sở tra cứu trong các trường hợp gây tai nạn nghiêm trọng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho biết, hiện Tổng cục đang nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Thông tư 12 sửa đổi. Khi có Thông tư mới, tất cả các trung tâm bắt buộc phải đầu tư camera để kiểm tra, giám sát các phần thi và truyền dữ liệu về thẳng Tổng cục. Đồng thời, phải nghiên cứu lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các xe sát hạch để minh bạch số km thực tế của học viên, tránh việc “cắt xén” giờ thực hành trong đào tạo, cấp GPLX ô tô. Đồng thời, tất cả những thí sinh thi trượt lý thuyết hay thực hành, cơ sở sát hạch bắt buộc sau 1 tháng mới cho thi lại để học viên có thời gian ôn luyện.

Bên cạnh đó, sắp tới Tổng cục Đường bộ cũng sẽ bổ sung một số quy định mới về việc theo dõi sức khỏe định kỳ của lái xe một cách chặt chẽ hơn. Hy vọng rằng, với việc tăng cường quản lý chặt chẽ công tác đào tạo, sát hạch, cấp đổi GPLX, ATGT ở các địa phương sẽ dần được đảm bảo.