19/01/2025 | 18:29 GMT+7, Hà Nội

Phát triển căn hộ dịch vụ: Chưa tương xứng với tiềm năng

Cập nhật lúc: 06/05/2019, 09:24

Quý III/2018, đã có hơn 320.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Những con số trên đang chứng tỏ tiềm năng của thị trường căn hộ dịch vụ tại Việt Nam là rất lớn.

Phân khúc căn hộ dịch vụ cho thuê ở Việt Nam đang sở hữu nguồn cầu lớn, đặc biệt là người nước ngoài do FDI tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, nguồn cung của phân khúc này lại chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường.

Tiềm năng phát triển lớn

Mức độ phát triển của thị trường căn hộ dịch vụ tại Hà Nội chưa thực sự tương xứng với tiềm năng (Ảnh TL)

 

Mức độ phát triển của thị trường căn hộ dịch vụ tại Hà Nội chưa thực sự tương xứng với tiềm năng 

 

Nguồn cầu tiềm năng của sản phẩm căn hộ dịch vụ tại Việt Nam phần nào được phản ánh qua số liệu FDI trong những năm qua. Từ năm 2013, theo thống kê từ Focus Economics, Việt Nam nằm trong top 4 các nước Đông Nam Á nhận nguồn vốn FDI đăng ký cao nhất. Còn theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ước tính trong 2 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,47 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ năm 2008 đến nay số lượng người nước ngoài đến Việt Nam làm việc tăng trung bình 8%/năm. Quý III/2018, đã có hơn 320.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Những con số trên đang chứng tỏ tiềm năng của thị trường căn hộ dịch vụ tại Việt Nam là rất lớn.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội, cho biết: Chúng ta nhận thấy lực lượng lao động lớn, đặc biệt là người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam đang tác động mạnh mẽ đến thị trường căn hộ dịch vụ. Mức 8 – 10% là mức mà thị trường đang phát triển ổn định. Tiếp tục duy trì đà phát triển này, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy tiềm năng phát triển cho thị trường căn hộ dịch vụ lớn như thế nào.

Các dự án căn hộ dịch vụ chất lượng đang tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng… trong khi nhu cầu cho sản phẩm này trải khắp các khu công nghiệp trên cả nước, bao gồm cả các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam... Với sự khan hiếm nguồn cung như vậy thì việc tỷ lệ lấp đầy của các dự án căn hộ dịch vụ luôn ở mức cao là điều dễ hiểu.

Ông Hiromi Tanitsu, Trưởng phòng kinh doanh công ty TNHH Phát Triển DT Việt Nam, cho biết: Tôi bắt đầu tìm hiểu về thị trường căn hộ dịch vụ từ năm ngoái, chúng tôi thấy là các dự án căn hộ cho thuê nổi tiếng và kinh doanh tốt ở Hà Nội có công suất khoảng trên 80%. Còn với dự án của chúng tôi sau khi khai trương được 2 tuần đã có công suất là 35%.

Ngoài ra, một xu hướng khác là sự ra đời của các sản phẩm lai tạo giữa căn hộ dịch vụ và khách sạn hay condotel tại thị trường du lịch. Những hướng đi này mở ra nhiều cơ hội cải thiện tình hình hoạt động và phát triển hơn nữa cho sản phẩm căn hộ dịch vụ tại Việt Nam. Vấn đề đặt ra là liệu các chủ đầu tư và các đơn vị điều hành có đủ nhanh nhạy để tận dụng cơ hội, nắm bắt và đón đầu xu hướng được hay không?

Phát triển căn hộ dịch vụ như thế nào?

Loại hình căn hộ dịch vụ cho thuê đang có nhiều tiềm năng vì nhu cầu này rất lớn (Ảnh TL)

 

Loại hình căn hộ dịch vụ cho thuê đang có nhiều tiềm năng vì nhu cầu này rất lớn

 

Chỉ tính riêng tại Hà Nội và các tỉnh lân cận đã có hơn 70 khu công nghiệp, tuy nhiên thị trường mới ghi nhận một số lượng dự án căn hộ dịch vụ hạn chế, với một vài thương hiệu điều hành quốc tế. Quy mô hiện tại của các thương hiệu này tại Hà Nội cho thấy mức độ phát triển của thị trường căn hộ dịch vụ tại Hà Nội chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Điển hình như The Ascott Limited với nhãn hiệu Somerset tại Hà Nội mới điều hành hơn 670 căn tại 4 dự án trong tổng cộng 44.000 căn của 340 dự án toàn cầu.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lũy kế đến tháng 8/2018 có gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất, Nhật Bản đứng thứ hai; và thứ 3 là Singapore. Đây cũng chính là nhóm khách hàng lớn của phân khúc căn hộ dịch vụ.

Dưới góc nhìn của một đơn vị đầu tư, ông Koichi Sukegawa, Tổng giám đốc công ty TNHH Phát Triển DT Việt Nam hiểu rằng, đầu tư vào căn hộ để bán nó là một bước đi đơn giản hơn và dễ đầu tư hơn. Tuy nhiên chúng tôi cũng nhận thấy thị trường căn hộ cho thuê cho đối tượng người Nhật và người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội cũng như tại các thành phố khác vẫn ít mà hiện tại khách lại đang có nhu cầu rất lớn nên chúng tôi đầu tư vào mảng này.

Có một thực tế, trong vòng 5 năm trở lại đây khi tham gia nghiên cứu tôi nhận thấy thị trường căn hộ do cá nhân cho thuê ở Hà Nội rất là nhiều, tuy nhiên cũng có nhận được phản ánh của khách hàng đó là khách hàng người Nhật không thể thỏa mãn 100% về dịch vụ. Ví dụ như các thiết bị hỏng cần sửa, hay vấn đề về ngôn ngữ, khách hàng họ có nhu cầu 24/24 nhưng các chủ nhà này lại không đáp ứng được, ông Koichi Sukegawa cho biết thêm.

Để phát triển phân khúc căn hộ dịch vụ, đặc biệt là để các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực mong muốn tham gia vào xây dựng và phát triển phân khúc này ở Việt Nam thì các chính sách của chúng ta cũng cần có sự linh hoạt và cởi mở hơn nữa.

Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam: Trong bối cảnh giá nhà đang rất cao thì việc xây dựng và phát triển loại hình căn hộ dịch vụ cho thuê đang có nhiều tiềm năng bởi nhu cầu về loại hình này rất lớn. Nhưng vì việc xây dựng loại hình này thu hồi vốn chậm nên chưa nhiều doanh nghiệp mặn mà tham gia chính vì vậy chúng ta mới chỉ phát triển ở phân khúc cao cấp chứ chưa có phân khúc trung bình.

Còn ông Koichi Sukegawa cho rằng: Về cơ bản chính phủ và người dân Việt Nam đã tạo điều kiện hết sức cho doanh nghiệp chúng tôi. Nhưng chúng tôi cũng gặp phải những vấn đề như thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp. Chúng tôi có đề xuất và mong muốn là chính phủ Việt Nam sẽ giảm bớt những khâu về thủ tục hành chính và có những hướng dẫn rõ ràng cụ thể hơn cho doanh nghiệp. Ví dụ như bộ phận một cửa thì chúng tôi mong nhận được những hướng dẫn tỉ mỉ chi tiết hơn về quy trình làm việc. Nếu những khúc mắc như vậy mà được giải quyết thì sẽ có nhiều doanh nghiệp có xu hướng đầu tư vào Việt Nam.