PGS.TS. Phan Trung Hiền: Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần phân định hỗ trợ và bồi thường
Cập nhật lúc: 17/11/2022, 09:03
Cập nhật lúc: 17/11/2022, 09:03
Kể từ năm 1993, khi đất đai bắt đầu cập nhật giá thị trường, mặc dù quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư của Việt Nam đã từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người sử dụng đất, song việc khiếu kiện, khiếu nại về đất đai vẫn không ngừng tăng lên. Thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao cho thấy, trong thời kỳ của Luật Đất đai 2013, việc khiếu kiện đất đai cao hơn 10.000 vụ so với thời kỳ 2003. Hầu hết khiếu kiện về đất ở các tỉnh thành chiếm 60%, cá biệt ở một số tỉnh thành chiếm hơn 70%, đặc biệt là khiếu kiện liên quan đến vấn đề thu hồi đất, bồi thường tái định cư. Trước thực trạng khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai không ngừng tăng lên, vấn đề thu hồi đất càng cần được "mổ xẻ" và luật hóa chặt chẽ.
Cụm từ “thu hồi đất” liệu đã đủ sức bao quát?
Đây là vấn đề được PGS.TS. Phan Trung Hiền, Trưởng Khoa Luật, Đại học Cần Thơ, nhà nghiên cứu về Luật Đất đai nêu ra tại Midnight Talks “Thu hồi đất - Góc nhìn từ thực tiễn” mới đây.
PGS.TS. Phan Trung Hiền chia sẻ, để vận hành được Luật Đất đai 2013, Việt Nam đã có 25 nghị định, 2.000 văn bản hướng dẫn, đồng thời mảng đất đai cũng liên quan đến 88 bộ luật trong nước, chưa nói tới các hiệp định thương mại cũng cần rà soát. Trên tinh thần Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị về hoàn thiện Luật Đất đai sửa đổi trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa, Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai lần 1 đã thông qua hồi tháng 9. Mặc dù có nhiều điểm tiến bộ vượt trước so với Luật Đất đai hiện hành, song PGS.TS. Phan Trung Hiền nhận định, Dự thảo vẫn còn một số điểm bất cập, nhất là liên quan đến vấn đề thu hồi đất.
Cụ thể, PGS.TS. Phan Trung Hiền cho biết, theo các quy định của Luật Đất đai hiện hành cũng như Dự thảo sửa đổi, cụm từ “thu hồi đất” được sử dụng rộng rãi, trong cả trường hợp chấm dứt quyền sử dụng đất đơn thuần hay là chế tài khi có vi phạm về quản lý sử dụng đất đai của người sử dụng đất và chủ đầu tư. Mặt khác, “thu hồi đất” cũng được sử dụng trong trường hợp hiến đất cho Nhà nước để làm công trình công ích hoặc thu hồi đất vì mục đích quốc gia công cộng.
“Điều này phần nào chưa hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc công bằng mà Đảng ta hướng đến khi thu hồi đất. Việc áp dụng cho cả người bị chế tài lẫn người có công đóng góp xây dựng đất nước, đã ảnh hưởng tới tư duy của người làm luật cũng như người thi hành pháp luật. Hành vi thu hồi mang tính chất hành chính, nhưng việc hỗ trợ bồi thường tái định cư thể hiện tính dân sự. Vậy thì cụm từ “thu hồi đất” có đủ sức bao quát hết các trường hợp hay không?”, PGS.TS. Phan Trung Hiền đặt câu hỏi.
Trong khi đó, theo chuyên gia, các nước phát triển có quyền sở hữu đất đai gọi hoạt động thu hồi đất bằng những cụm từ khác nhau, nhưng đều có nghĩa là “trưng mua”. Vấn đề đặt ra là làm sao diễn đạt được hai trường hợp, một là chế tài dành cho những người vi phạm, hai là gắn với bồi thường hỗ trợ tái định cư. Dự thảo Luật rất cần làm rõ vấn đề này, để đảm bảo lợi ích cho đối tượng thu hồi đất trong hoạt động hỗ trợ, bồi thường tái định cư.
Nhập nhằng giữa khái niệm hỗ trợ và bồi thường
Theo PGS.TS. Phan Trung Hiền, đến nay, pháp luật đất đai nước ta vẫn xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại theo phương pháp liệt kê, Nhà nước chỉ bồi thường những loại thiệt hại theo quy định của luật. Tuy nhiên, khi người sử dụng đất, mục đích sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thời kỳ hội nhập ngày càng đa dạng, phương pháp này đã không còn đủ sức bảo vệ người có đất bị thu hồi. Bởi trong thực tiễn, thiệt hại khi thu hồi đất là muôn hình vạn trạng, nhưng không có trong quy định bồi thường, dẫn đến nhiều bức xúc trong xã hội.
"Đơn cử như những thiệt hại về địa thế kinh doanh, mất mạch nước ngầm sản xuất, sinh hoạt, thiệt hại do phải học lại nghề... Hoặc đối với quy định, chỉ bồi thường vật nuôi là thủy sản, trong khi thực tế vật nuôi rất đa dạng, thậm chí có những loài khi di dời thì thiệt hại rất lớn. Trong những trường hợp đó, chính quyền địa phương không biết bồi thường thế nào vì không có quy định", PGS.TS. Phan Trung Hiền nêu rõ.
“Đây là vấn đề nhạy cảm và cần góc nhìn đa chiều. Dưới góc độ quản lý nhà nước thì đây là hành vi hợp pháp, vì mục đích công ích nhưng sẽ gây thiệt hại cho người sử dụng đất. Nên chăng chúng ta quy định cụ thể hơn, xác định rõ hơn thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất trước khi quy định bồi thường. Lý do là bồi thường cần dựa trên thiệt hại, chứ không thể xác định tiêu chí thu hồi đất là chỉ bồi thường đất, hay xác định tới đâu bồi thường tới đó, như vậy rõ ràng sẽ bỏ qua nhiều thiệt hại của người dân”, ông Phan Trung Hiền nói.
Mặt khác, Luật Dân sự có quy định, trong trường hợp thiệt hại chưa đưa vào luật nhưng người dân chứng minh được thiệt hại thì vẫn có quyền đơn phương đề nghị bồi thường. Tuy nhiên, ông Hiền nhấn mạnh, quy định của Luật Dân sự chỉ áp dụng với án dân sự, còn Nhà nước thu hồi đất bằng quyết định hành chính thì người dân chỉ có thể khởi kiện ra Tòa hành chính. Trong khi đó, Luật Hành chính không có quy định bồi thường nên người dân cũng không được giải quyết.
“Chúng ta đang bảo vệ cho người bị thiệt hại hay chúng ta đang bảo vệ cho người đi gây thiệt hại? Nếu người gây thiệt hại là người dân bình thường thì giải quyết ở Tòa dân sự, ngược lại, nếu là cơ quản có thẩm quyền thì ra Tòa hành chính, với thủ tục và nội dung bồi thường hoàn toàn khác nhau. Đây là vấn đề lớn của các chế định pháp luật mà chúng ta cần mổ xẻ”, ông Phan Trung Hiền nêu.
Đối với vấn đề hỗ trợ, Luật Đất đai 2013 cũng như Dự thảo sửa đổi mới đây đều quy định trách nhiệm hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống sản xuất cho người dân, đào tạo và tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, theo chuyên gia, các quy định luật đang nhập nhằng giữa các khái niệm. Tại sao khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại về đất, cây trồng, vật nuôi thì bồi thường, còn gây xáo trộn đời sống sản xuất, mất nghề phải học lại thì gọi là hỗ trợ?
“Theo quan điểm của chúng tôi, đứng về phương diện khoa học, chủ thể nào gây thiệt hại thì chủ thể đó bồi thường và thiệt hại đến đâu bồi thường đến đó theo quy định. Chỉ gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ neo đơn có hoàn cảnh khó khăn thì hỗ trợ là hợp lý. Nếu thiệt hại do hành vi hợp pháp, vì mục đích công ích thì vẫn phải áp dụng chung là bồi thường chứ không phải hỗ trợ. Chính vì chữ “hỗ trợ” nên thực tế mới nảy sinh những bất cập”, ông Phan Trung Hiền đề xuất./.
Nguồn: https://reatimes.vn/-du-thao-luat-dat-dai-can-phan-dinh-ho-tro-va-boi-thuong-20201224000015896.html
09:03, 15/11/2022
18:18, 23/10/2022
13:18, 20/10/2022
09:30, 18/10/2022