19/01/2025 | 18:29 GMT+7, Hà Nội

Nông nghiệp thông minh chính là nền nông nghiệp của tương lai

Cập nhật lúc: 20/12/2022, 10:45

Người nông dân sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo thay thế cho tập quán canh tác truyền thống để quản trị tốt hơn chuỗi giá trị trên cánh đồng của mình.

Đây là một trong những dự báo được các nhà khoa học hàng đầu thế giới đưa ra tại Toạ đàm Khoa học vì cuộc sống, trong khuôn khổ Tuần lễ khoa học VinFuture, ngày 19/12.

AI sẽ thay đổi toàn diện nền nông nghiệp toàn cầu trong “bình thường mới”

Biến đổi khí hậu tác động đến nền nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp như một “bình thường mới”, đòi hỏi hệ thống kinh tế xã hội của từng quốc gia và toàn thế giới phải có những giải pháp thích ứng. Làm thế nào để nông nghiệp phát triển bền vững trong “bình thường mới”? 

Điều hành phiên toạ đàm, Giáo sư Ermias Kebreab, Giám đốc Trung tâm Lương thực thế giới thuộc Đại học California, Davis, đưa ra 4 giải pháp để xây dựng một nền nông nghiệp thích ứng bền vững: phát triển giống cây trồng mới chịu được ngập úng, chỉnh sửa gen để cây trồng chống chọi với dịch bệnh, giảm phát thải ròng trong nông nghiệp về 0 và đưa trí tuệ nhân tạo vào canh tác nông nghiệp. Đây cũng là 4 đề tài chính trong phiên thảo luận.

Công nghệ AI có thể làm gì cho lĩnh vực nông nghiệp? GS Josse De Baerdemaeker - Nguyên Chủ tịch của EurAgEng, Hiệp hội Nông nghiệp Kỹ thuật Châu Âu phân tích: “Việc quan sát bằng mắt thường trong tập quán canh tác truyền thống có rất nhiều sai số. Nếu người nông dân có một hệ thống quản lý dữ liệu chứa đựng tất cả các thông tin bao gồm dự báo và cảnh báo thiên tai, hình thái thời tiết tiêu cực, quan trắc mặt đất, quan trắc không trung cho đến các vấn đề đa dạng sinh học theo thời gian thực như sự sinh trưởng cây trồng, bệnh hại… họ sẽ biết đâu là tập quán thực hành tốt, đâu là giống cây nên trồng vào mùa sau và giống cây nào thực sự phù hợp khí hậu địa phương. Trên cơ sở đó, ta mới có một nền nông nghiệp thông minh dựa trên những quyết định chính xác”.

Các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới tham dự Toạ đàm Khoa học vì cuộc sống, trong khuôn khổ Tuần lễ khoa học VinFuture 2022

Tuy nhiên, GS Josse De Baerdemaeker cũng thừa nhận, khó khăn lớn nhất trong việc dùng AI để mô hình hóa các biến số trong nông nghiệp là vấn đề thu thập dữ liệu. Dữ liệu yếu sẽ không cho hiệu quả. Làm thế nào để có dữ liệu chất lượng là bài toán cần lời giải từ quá trình đầu tư một cách có hệ thống cho khoa học - công nghệ và chính sách kinh tế - xã hội tại các quốc gia trên toàn cầu. Trong đó, phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm.

Nguyên Chủ tịch của EurAgEng Châu Âu nhấn mạnh: AI trong nông nghiệp không chỉ thay đổi hoàn toàn khâu canh tác theo hướng hiệu quả hơn mà còn giúp quản trị tốt nhất khâu hậu thu hoạch, lưu trữ, bảo quản, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm…, tối ưu hóa toàn bộ chuỗi giá trị nông nghiệp từ đồng ruộng lên bàn ăn, hạn chế rủi ro ở mức tối thiểu và tăng cường lợi ích tài chính bền vững cho người nông dân.

Cơ hội kết nối khoa học thế giới vì lợi ích chung của nhân loại

Cùng với việc đưa AI vào làm nông nghiệp, nền nông nghiệp thông minh còn bao gồm việc sử dụng các giống cây trồng mới ứng dụng công nghệ gen có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, như các yếu tố thời tiết tiêu cực, ngập úng, hạn hán và dịch bệnh. Tuy nhiên, những phát minh khoa học này thường vấp phải phản ứng tiêu cực từ thói quen canh tác cũ và những góc nhìn định kiến thiếu cơ sở khoa học về cây trồng biến đổi gen.

TS Van Schepler-Luu, Trưởng Bộ môn Bệnh thực vật và Tính kháng của cây ký chủ tại Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) cho biết: “Không dễ dàng gì đưa một loại cây biến đổi gen vào một vùng lãnh thổ, nhất là các nước xuất khẩu gạo. Chúng tôi có 14 giống cây để triển khai ở Mỹ, Úc… nhưng nhiều nông dân châu Á từ chối sử dụng cây biến đổi gen. Chỉ một số ít nơi sẵn sàng như Ấn Độ, Philippines”.

Việc đưa cây trồng biến đổi gen vào canh tác trên diện rộng vì lợi ích của người nông dân đòi hỏi các quy chế, chính sách vĩ mô, vấn đề chuyển giao công nghệ và tâm lý chấp nhận của chính nông dân. Trở ngại tâm lý của người nông dân và định kiến ở người tiêu dùng là hai khó khăn lớn nhất, khi họ cho rằng cây trồng biến đổi gen không an toàn với sức khỏe.

GS Pamela Ronald - Giám đốc khoa của Viện nghiên cứu thực phẩm và nông nghiệp, Đại học California tại tại Toạ đàm Khoa học vì cuộc sống, trong khuôn khổ Tuần lễ khoa học VinFuture 2022

GS Pamela Ronald, Giám đốc khoa của Viện nghiên cứu thực phẩm và nông nghiệp Đại học California, Davis, kiêm Giám đốc di truyền học cỏ tại Viện năng lượng sinh học chung ở Emeryville, California - chia sẻ: “Công nghệ lai tạo giống cây trồng dùng cả trăm năm nay rồi nhưng người ta vẫn quan ngại khi nói đến can thiệp gen - bản chất chỉ là một công nghệ lai tạo mới. Thực ra nhiều công nghệ biến đổi gen hoàn toàn an toàn, hơn cả lai ghép truyền thống. Các nhà khoa học đang làm nhiều nghiên cứu để chứng minh khả năng an toàn của cây trồng biến đổi gen. Tôi hy vọng sẽ ngày càng có nhiều nước cho phép biến đổi gen trong cây trồng”.

GS Pamela Ronald cũng mong muốn giới khoa học toàn cầu sẽ có nhiều hơn nữa các sự kiện giao lưu học thuật và hợp tác như sự kiện Tuần lễ khoa học của Giải thưởng VinFuture để chia sẻ các dữ liệu, thông tin nghiên cứu, từ đó cùng nhau tạo ra các phát minh, sáng chế có giá trị cao, tất cả vì lợi ích chung của con người.

Vào lúc 20h10 ngày 20/12/2022, Lễ trao giải VinFuture - một trong những giải thưởng Khoa học Công nghệ lớn nhất hành tinh – sẽ diễn ra tại Nhà Hát Lớn Hà Nội và được phát trực tiếp trên sóng VTV1, website của nhiều kênh truyền thông quốc tế hàng đầu như CNN, Discovery, Euronews, TechNode Global.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/nong-nghiep-thong-minh-chinh-la-nen-nong-nghiep-cua-tuong-lai-20201231000009229.html