19/01/2025 | 02:45 GMT+7, Hà Nội

Những thương vụ “bí ẩn” của EVN Finance

Cập nhật lúc: 30/03/2016, 21:21

Công ty Tài chính CP Điện lực (EVN Finance) đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015. EVN Finance đã tỏ ra khá mạnh tay khi đầu tư mua cổ phiếu của các công ty bất động sản. Trong khi báo cáo tài chính thuyết minh không được doanh nghiệp (DN) công bố, báo cáo của kiểm toán độc lập đã lưu ý một loạt vấn đề tại báo cáo tài chính của DN này.

Mạnh tay đầu tư, cho vay

Hiện EVN Finance dẫn đầu về quy mô vốn điều lệ trong khối các công ty tài chính, đạt 2.500 tỷ đồng và tổng tài sản đạt 19.321 tỷ đồng, tính đến hết năm 2015.

Với nguồn vốn dư dả, EVN Finance liên tục đẩy mạnh cho vay và gửi tiền vào các tổ chức tín dụng khác, tăng trưởng tín dụng, đầu tư chứng khoán…

Cụ thể, ngày 31/12/2015, Công ty có gần 3.878 tỷ đồng (tăng 2,3% so với năm trước) tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác, trong đó tiền gửi chiếm gần 2.668 tỷ đồng.

Dư nợ cho vay khách hàng tăng hơn 14,5% (tương ứng 1.098 tỷ đồng), đạt 8.694 tỷ đồng, song dự phòng rủi ro cho vay thực tế giảm từ 184 tỷ đồng xuống 122 tỷ đồng.

Báo cáo của EVN Finance không thuyết minh cụ thể phân loại chất lượng nợ nên chưa rõ tình trạng nợ xấu đang ở mức độ nào.

Sôi động đầu tư chứng khoán

Hoạt động đầu tư chứng khoán của EVN Finance cũng diễn ra khá sôi động. Thực tế đầu tư chứng khoán của EVN Finance, bao gồm cả chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư, đã giảm từ mức 4.324 tỷ đồng, xuống 4.309 tỷ đồng trong khi dự phòng rủi ro tăng lên.

Đầu tư lớn vào chứng khoán, nhưng Công ty đã bị lỗ hơn 11 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán kinh doanh, trong khi đó, chứng khoán đầu tư chỉ lãi vỏn vẹn… 817 triệu đồng.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng lỗ hơn 12,8 tỷ đồng trong khi năm trước lãi gần 5,5 tỷ đồng.

Đầu tư vào bất động sản

Được biết, EVN Finance tiến hành đầu tư lượng lớn cổ phiếu của các công ty kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản.

Thương vụ thứ nhất là cuối năm 2014, EVN Finance mua lại 19,95 triệu cổ phiếu OCH (tỷ lệ 9,975% vốn điều lệ) của Công ty CP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương thuộc Tập đoàn Ocean Group. Khi đó, Ocean Group đang gặp khủng hoảng trầm trọng sau khi hàng loạt lãnh đạo lâm vào vòng lao lý.

Dù chưa hoàn thành chuyển nhượng cổ phiếu OCH, song EVN Finance đã ứng trước 240 tỷ đồng cho Ocean Group, tương ứng giá mua 12.000 đồng/CP. Đến ngày 17/7/2015, giao dịch chuyển nhượng này mới hoàn thành.

Thương vụ thứ hai là EVN Finance quyết định chi ra 342 tỷ đồng mua cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland Group) theo Nghị quyết số 28/NQ-HĐQT-TCĐL.

Cụ thể, tháng 8/2015, EVN Finance quyết định mua 5,7 triệu cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi Novaland (kỳ hạn 2 năm, cổ tức ưu đãi 3.000 đồng/CP, giá mua 60.000 đồng/CP.

Nếu quá hanh thanh toán, Novaland sẽ phải trả cho ENV Finance bằng cổ phần với tỷ lệ 1:3, tức 1 cổ phần ưu đãi đổi 3 Cổ phần phổ thông Novaland. Khi đó, EVN Finance có thể sở hữu tối đa tới 17,1 triệu cổ phiếu Novaland Group.

Được biết, Novaland có vốn điều lệ 3.600 tỷ đồng, tổng tài sản 23.000 tỷ đồng nhưng không công bố công khai các thông tin tài chính, hiệu quả kinh doanh. 

Trụ sở EVN

Kiểm toán lưu ý hàng loạt vấn đề

Hai năm 2014 - 2015, đơn vị kiểm toán lưu ý hàng loạt vấn đề tài chính của EVN Finance.

Cụ thể, trong báo cáo kiểm toán năm 2014, Công ty TNHH Kiểm toán AASC lưu ý các vấn đề: chính sách dự phòng rủi ro đối với các khoản phải thu từ các hợp đồng mua và bán lại, hỗ trợ hợp tác đầu tư, phải thu chậm trả trong nghiệp vụ nhận ủy thác, các khoản phải thu và tài sản có khác; chính sách dự lãi thu từ các khoản phải thu khác; ghi nhận thu nhập và chi phí lãi.

Năm 2015, Kiểm toán AASC tiếp tục lưu ý người đọc báo cáo kiểm toán của EVN Finance những nội dung quan trọng: chính sách dự phòng rủi ro đối với các khoản phải thu từ họp đồng mua bán lại, hỗ trợ hợp tác đầu tư, phải thu chậm trả trong nghiệp vụ nhận ủy thác, các khoản phải thu khác.

Tuy nhiên, EVN Finance không công bố báo cáo tài chính thuyết minh hợp nhất khiến nhà đầu tư không tìm hiểu được thực chất hoạt động của DN này.