19/01/2025 | 06:56 GMT+7, Hà Nội

EVNFC “xoay” tiền giỏi thế nào?

Cập nhật lúc: 16/12/2015, 05:00

Từ cuối năm 2011, các tổ chức tín dụng (TCTD) bị siết chặt tín dụng, nhưng công ty tài chính CP Điện lực EVNFC vẫn khá ung dung với nguồn vốn của mình. Dòng tiền của EVNFC luân chuyển trơn tru, nhịp nhàng trong nhóm cổ đông, ngân hàng thân hữu.

Dường như EVN FC không gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Thậm chí năm 2013-2014, lợi nhuận sau thuế của tổ chức này bất ngờ tăng mạnh, lần lượt đạt 93,5 tỷ đồng và 108,6 tỷ đồng. Lợi nhuận mà EVN FC đạt được trong năm 2014 là khá cao, thậm chí còn cao hơn một số ngân hàng nhỏ.

EVN FC có quy mô giao dịch vốn vài nghìn tỷ đồng song chất lượng tín dụng lại thiếu minh bạch

Từ lỗ biến thành… lãi

Trong khi nhiều công ty tài chính chật vật cho vay thì năm 2014, EVN FC vẫn có tăng trưởng cho vay khách hàng tới 32,1% so với năm 2013. Phần chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng thêm 66 tỷ đồng, lên 184 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với mức tăng trưởng cao này, lẽ ra EVN FC sẽ có lợi nhuận tốt hơn nếu không mất quá nhiều chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Cụ thể, lợi nhuận thuần từ kinh doanh đạt 348,4 tỷ đồng, tăng gần 11% so với năm trước. Nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên tới gần 218,7 tỷ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế chỉ còn 129,7 tỷ đồng.

Liên tiếp trong 2 năm 2013-2014, tổng phần trích lập dự phòng rủi ro lên tới 412,6 tỷ đồng, có nghĩa đã “ăn” vào lợi nhuận kinh doanh số tiền tương ứng. Đến thời điểm này, EVN FC vẫn không công bố báo cáo tài chính năm 2014 đầy đủ có kèm thuyết minh cụ thể về phân loại, chất lượng nợ xấu, dự phòng.

Điều này làm dấy lên nghi vấn về chất lượng tín dụng của EVN FC và liệu số lợi nhuận bị “chôn” ở dự phòng nợ xấu có dừng lại ở con số 412,6 tỷ đồng?

Ngoài tín dụng, EVN FC cũng cho thấy khả năng “xoay chuyển tình thế” ở mảng kinh doanh, đầu tư chứng khoán. Đơn cử, năm 2014, công ty báo lãi 31 tỷ đồng trong khi năm trước bị lỗ tới 39 tỷ đồng. Chỉ hết quý III/2014, hoạt động này vẫn bị âm 43 tỷ đồng và chỉ trong quý IV, công ty bỗng có lãi đột biến tới 74 tỷ đồng mà không rõ đầu tư thế nào (!?)

Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh cũng chuyển từ lỗ 9,3 tỷ đồng (năm 2013) sang lãi 217 triệu_đồng vào cuối năm 2014…

Dù kết quả kinh doanh của EVN FC có phần cải thiện, song có nguy cơ “đổi chiều” nếu tính tới ảnh hưởng của nhiều khoản dự phòng rủi ro trong hoạt động đầu tư, uỷ thác vốn, chứng khoán…

Các đơn vị kiểm toán đã lưu ý hàng loạt vấn đề của EVN FC, như: Chính sách dự phòng rủi ro đối với các khoản phải thu từ các hợp đồng mua và bán lại, hỗ trợ hợp tác đầu tư, phải thu chậm trả trong nghiệp vụ nhận ủy thác, các khoản uỷ thác đầu tư…

Những vấn đề này đều không được EVN FC công bố công khai cho cổ đông, nhà đầu tư nắm rõ để có đánh giá chính xác hơn về sức khoẻ tài chính, con số lỗ lãi thực chất của công ty.

“Van” điều tiết vốn

Bên cạnh hoạt động tín dụng, công ty tài chính EVN FC còn có mảng kinh doanh vốn khác diễn ra sôi động, với quy mô hàng nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014, trong giao dịch với các TCTD khác, EVN FC đã gửi tiền, vàng và cho vay tới 3.892 tỷ đồng, giảm nhẹ so với quy mô 4.054 tỷ đồng của năm 2013. Trong đó, đã có một số khoản khó thu hồi khiến công ty phải trích lập 102 tỷ đồng dự phòng rủi ro.

Chưa hết, trên báo cáo tài chính còn ghi nhận số vốn tài trợ, uỷ thác đầu tư, cho vay TCTD chịu rủi ro của EVN FC duy trì ở mức trên 7.100 tỷ đồng trong hai năm qua.

Ở chiều ngược lại, EVN FC lại nhận tiền gửi của các TCTD khác tới 1.262 tỷ đồng và đi vay gần 3.239 tỷ đồng. Như vậy tổng nợ phải trả cỡ khoảng 4.500 tỷ đồng, tăng 427 tỷ đồng so với năm trước.

Có thể thấy, EVN FC đã đóng vai trò như “van” điều tiết vốn cho các TCTD khác với quy mô hàng nghìn tỷ đồng. Cùng với hoạt động tín dụng, chứng khoán,… không ngạc nhiên khi năm 2014, công ty đã có khoản thu nhập tới 1.100 tỷ đồng (năm 2013: 1.556 tỷ đồng). Sau khi trừ chi phí, công ty có lãi thuần 412,5 tỷ đồng và là nguồn thu chủ yếu của công ty.

Điều đáng chú ý, EVN FC còn có những giao dịch lớn liên quan tới hai cổ đông lớn Tập đoàn điện lực EVN (nắm 40% vốn điều lệ) và ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, nắm 8,4%).

Đơn cử, tại ngày 30/06/2014, EVN FC đã mua 100 tỷ đồng trái phiếu do EVN phát hành và ngược lại, EVN đem gửi 600 tỷ đồng vào EVN FC. Trong mối quan hệ “người trong nhà”, EVN FC còn hỗ trợ vốn vay cho các công ty con của Tập đoàn EVN khoảng 644 tỷ đồng (bằng VND) và cho vay ngoại tệ có giá trị gần 3.188 tỷ đồng.

Mối quan hệ giữa EVN FC và ABBank còn khăng khít hơn khi EVN FC gửi 14,7 tỷ đồng không kỳ hạn vào ngân hàng và cho ngân hàng vay 2.008 tỷ đồng. Nhưng, EVN FC cũng vay lại của ngân hàng này 1.879 tỷ đồng và mua thêm 2,3 tỷ đồng cổ phiếu ABB.

Những giao dịch nội bộ tại EVN FC có quy mô tới cả nghìn tỷ đồng liệu có được đánh giá, kiểm soát chất lượng theo đúng quy định hay không? Điều này vẫn còn là dấu hỏi lớn khi mà công ty không công bố đầy đủ các báo cáo tài chính.