Những sự cố mất bánh, hỏng phanh hy hữu nhiều năm trở lại đây của hàng không Việt Nam
Cập nhật lúc: 02/12/2018, 17:30
Cập nhật lúc: 02/12/2018, 17:30
Những pha "hú hồn" vì hỏng phanh, mất bánh
Ngày 14/6/2013, chuyến bay VN1516 hành trình Đà Nẵng - Hà Nội của VNA đã gặp trục trặc kỹ thuật. Vừa cất cánh khỏi sân bay Đà Nẵng để bay ra Hà Nội, tổ lái phát hiện hiện tượng giảm áp suất 1 lốp của chiếc máy bay Airbus 321 đang chở 182 hành khách. Kiểm tra đường băng đã tìm thấy 1 mảnh lốp văng ra.
Sau đó 4 tháng, ngày 22/10/2013, chiếc máy bay ATR72 của VNA mang số hiệu VN1673 bất ngờ gặp sự cố nghiêm trọng ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Cụ thể, chiếc máy bay ATR72 đã rơi mất 1 bánh ở phía trước (bánh mũi) trong quá trình bay. Tuy nhiên, chiếc máy bay vẫn hạ cánh an toàn bằng một bánh mũi còn lại xuống sân bay Đà Nẵng và sự việc chỉ được phát hiện ra khi máy bay đã hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng. Sau 4 ngày mất tích bí ẩn, chiếc lốp máy bay ATR72 đã được tìm thấy tại nơi cất cánh - sân bay Cát Bi (Hải Phòng), nằm cách đầu đường băng 1.144m.
Ngày 25/3/2015, chiếc máy bay Airbus A320 mang số hiệu VJ117 của Hãng Hàng không tư nhân VietJet Air (VJA) khởi hành từ Đà Nẵng về TP.HCM sau khi hạ cánh an toàn lúc 21h25' chuẩn bị lăn vào bãi đậu thì cơ trưởng phát hiện hệ thống phanh của máy bay hoạt động không hiệu quả nên đã dừng trên đường cất hạ cánh. Qua kiểm tra, máy bay VJ117 đã bị lỗi hệ thống phanh và khiến sân bay Tân Sơn Nhất phải đóng cửa đường bay để xử lý sự cố trong khoảng 30 phút.
Mới đây nhất, là vụ việc 23h3 phút ngày 29/11, chuyến bay VJ356 của VietJet Air chở 207 hành khách và phi hành đoàn từ TPHCM đi Buôn Ma Thuột. Trong quá trình hạ cánh, 2 bánh ở càng trước bị mất khiến máy bay mất thăng bằng. Toàn bộ 207 hành khách và phi hành đoàn phải thực hiện việc rời máy bay bằng 4 cửa thoát hiểm với phao trượt. Sự cố khiến 6 hành khách bị chấn thương.
Các vụ việc trên, đều được giới chuyên gia đánh giá dù hậu quả không lớn nhưng tính chất của sự việc rõ ràng là nghiêm trọng. Việc những chiếc máy bay này không có thiệt hại về tài sản và người, đó thực sự là một may mắn, vì khi phanh hỏng hay mất bánh khi hạ cánh, trường hợp xấu nhất là phải đáp cánh bằng bụng máy bay và thường dẫn đến những tai nạn thảm khốc trên đường băng.
Tỷ lệ tai nạn máy bay do phi công chiếm 50%
Trong khi thiết kế máy bay ngày càng trở nên an toàn, tỷ lệ tai nạn do phi công gây ra lại tăng và chiếm khoảng 50% số vụ máy bay rơi. Máy bay là những cỗ máy phức tạp đòi hỏi nhiều kỹ năng điều khiển. Do phi công có vai trò gắn liền với máy bay ở mọi giai đoạn bay, nguy cơ mắc lỗi vận hành rất lớn, từ lập trình sai máy tính kiểm soát chuyến bay (FMC) đến tính toán nhầm lượng nhiên liệu cần thiết khi cất cánh.
Trước đây, Việt Nam sử dụng máy bay thế hệ cũ do Liên Xô sản xuất nhưng đã dừng toàn bộ từ năm 1999. Sự cố, tai nạn cuối cùng với máy bay Nga của Việt Nam là năm 1997 ở Campuchia. Tuy nhiên, từ năm 1992 Việt Nam đã bắt đầu đưa vào sử dụng thế hệ tàu bay ATR, sau đó là các loại máy bay A320, Focker, Airbus 330, Boeing 777... Đây đều là các loại máy bay phương Tây có độ an toàn rất cao. Kể từ khi đưa vào khai thác cho đến nay là hơn 25 năm, chưa có một tai nạn nào gây thiệt hại về người và tài sản.
Mặc dù tỉ lệ tại nạn máy bay dẫn đến chết người hiện nay rất thấp, nhưng những sự cố liên quan đến phanh và lốp máy bay có thể dẫn đến những tai nạn thảm khốc là điều mà ai cũng phải lo sợ. Đối với vụ việc gần đây nhất của Vietjet Air, đại tá Nguyễn Thành Trung, cựu phi công hàng không dân dụng của Việt Nam đã nêu ra 2 giả thuyết.
Giả thuyết đầu tiên là máy bay gặp lỗi kỹ thuật khiến bánh văng khỏi càng. Nếu lỗi này có từ trước khi máy bay cất cánh thì không thể quy trách nhiệm cho tổ bay. Giả thuyết thứ 2 là phi công hạ cánh sai kỹ thuật khiến lốp máy bay văng ra khỏi càng.
"Nguyên tắc khi hạ cánh là 2 càng sau phải tiếp đất trước, sau đó đến càng trước. Thực tế có trường hợp phi công để máy bay tiếp đất với 3 càng cùng lúc, hoặc tệ hơn, càng trước tiếp đất đầu tiên rồi mới đến 2 càng sau. Điều này khiến càng trước của máy bay phải chịu một lực tác động lớn hơn bình thường. Khi vượt ngưỡng chịu tải, bánh máy bay sẽ văng ra hoặc càng sẽ bị gãy.", ông Trung chia sẻ.
Theo Vietjet Air, chiếc máy bay A356 gặp sự cố đêm 29/11 thuộc dòng máy bay A321neo mới nhận về từ nhà sản xuất Airbus. Theo nhà sản xuất Airbus, đây là dòng máy bay an toàn, hiện đại và tiết kiệm nhiên liệu nhất trong gia đình máy bay A320.
Mặc dù hiện chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra sự cố của máy bay Vietjet vừa qua, nhưng trên thực tế, đã từng có nhiều thảm họa hàng không thế giới xảy ra, mà nguyên nhân chủ yếu chính là do lỗi của con người.
10:53, 02/12/2018
11:01, 01/12/2018
14:00, 20/09/2018