22/11/2024 | 11:54 GMT+7, Hà Nội

Những ngành có thể hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19

Cập nhật lúc: 03/04/2020, 07:20

Chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19 có thể phục hồi mạnh sau đó”.

Sau khủng hoảng Covid-19 một số ngành sẽ tăng mạnh

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), nếu so sánh với cuối năm 2019, hiện tại, những ngành giảm mạnh nhất là bảo hiểm (-32%), dầu khí (-32%), du lịch và giải trí (-30%), bán lẻ (-29%). Những ngành giảm ít nhất là hóa chất (-6%), y tế (-7%), xây dựng và vật liệu (-12%), ngân hàng (-14%).

Lấy ví dụ từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008, YSVN ước tính sau giai đoạn khủng hoảng Covid-19 một số ngành sẽ tăng khá mạnh theo thứ tự như sau: Dịch vụ và giải trí (đạt đỉnh trước VN-Index khoảng 3 tháng), bán lẻ (đạt đỉnh trước VN-Index khoảng 5 tháng), dịch vụ tài chính (đạt đỉnh cùng VN-Index), ô tô và phụ tùng (đạt đỉnh cùng VN-Index), ngân hàng (đạt đỉnh trước VN-Index khoảng 5 tháng).

Du lịch sẽ là một trong những ngành có sức bật mạnh sau đại dịch Covid-19 (Ảnh minh họa).

Trong đó, ngành dịch vụ tài chính và du lịch – giải trí là hai ngành giảm mạnh nhất trong giai đoạn khủng hoảng nhưng nó cũng sẽ tăng mạnh nhất sau đó, đặc biệt là du lịch. 

Số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 27/3 cho thấy, trong tháng 3, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 449.000 lượt, giảm 64% so với tháng trước và giảm 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, đây sẽ là lần đầu tiên lượng du khách quốc tế trên toàn cầu sụt giảm sau chuỗi 10 năm tăng trưởng liên tiếp. 

"Việt Nam cũng không ngoại lệ khi ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, dự kiến sẽ kéo dài hết năm 2020. Tuy nhiên, các sự kiện trước đây đã chứng minh rằng du lịch là ngành công nghiệp có khả năng phục hồi nhanh hơn so với những ngành nghề khác,” ông Mauro nhận định.

Đáng chú ý, ngân hàng là ngành nằm trong top 6 ngành giảm thấp nhất trong giai đoạn khủng hoảng nhưng sau giai đoạn khủng hoảng thì lại tăng trưởng rất tốt và phản ứng sớm so với thị trường chung.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp khiến nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng, suy thoái. Theo Tổ chức Tiền tệ thế giới (IMF), sự xuất hiện của Covid-19 đe dọa đẩy kinh tế toàn cầu vào ngưỡng suy thoái sâu hơn. Một khi viễn cảnh xảy xa, Trung Quốc sẽ là nơi khởi đầu, tiến triển và cũng là điểm kết thúc.

Trung Quốc hiện đã trở thành cỗ máy vận hành thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lớn nhất thế giới. Quốc gia này chiếm 35% tổng tăng trưởng kinh tế toàn cầu (tính theo đô la Mỹ) trong giai đoạn 2017-2019, gần gấp đôi tỷ lệ 18% của nước Mỹ và cao gấp bốn lần con số 7,9% của EU.

Sự hồi phục của kinh tế toàn cầu hậu suy thoái sẽ xuất hiện theo từng giai đoạn, phần lớn sẽ đi theo bước tiến của Trung Quốc bởi đây là quốc gia đi trước thế giới trong việc trấn áp dịch Covid-19. Vì vậy, một khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng toàn cầu sẽ mạnh mẽ hơn nhiều so với đợt dịch bệnh năm 2003.

Việt Nam lại là một nước phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, từ khách du lịch, tới xuất nhập khẩu nên những ngành phục hồi mạnh nhất sau dịch có thể sẽ phụ thuộc vào tình hình nền kinh tế của quốc gia này.

Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ dần phục hồi 

Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) đã đưa ra một đánh giá, trên 1.200 doanh nghiệp ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh cho thấy, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản.

Hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ khiến cho doanh nghiệp không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... Ngoài ra, gần 30% doanh nghiệp mất 20 - 50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu. Covid-19 còn khiến hoạt động sản xuất có thể trì trệ, thương mại bị hạn chế, nông nghiệp, bán lẻ và dòng vốn đầu tư quốc tế cũng “dính đòn”.

Mặc dù tình hình kinh doanh căng thẳng, nhưng theo chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu những ngành như dịch vụ và giải trí, bán lẻ, dịch vụ tài chính, ngân hàng, vận tải... sẽ tăng trưởng mạnh nhất sau đợt khủng hoảng vì dịch bệnh này.

Chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu 

“Trong giai đoạn dịch, mọi người dân đều hạn chế tối đa mọi hoạt động từ sinh hoạt, tới mua bán, vui chơi, giải trí… nên sau khi dịch chấm dứt, chỉ số tiêu dùng sẽ tăng trở lại. Chưa kể, trong những năm gần đây, chỉ số này của Việt Nam luôn khả quan, do thu nhập của người dân đã cải thiện.

Cùng với đó là các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ dần phục hồi sau một thời gian bị đóng băng, nên mọi hoạt như tài chính, ngân hàng, vận tải sẽ được các doanh nghiệp sử dụng đầu tiên để tái thiết lại mình”, chuyên gia Hiếu nói.

Kế đến là ngành giao thông vận tải, y tế, bảo hiểm, sau đó tới ngành tài chính, ngân hàng phục hồi. Tiếp theo là ngành sản xuất, kinh doanh và đặc biệt là những ngành liên quan tới xuất khẩu sẽ tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, riêng lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK) cũng là ngành đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng sự phục hồi của nó lại phụ thuộc vào mức độ phục hồi của nền kinh tế thế giới. Nguyên nhân là do nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào ngoại thương, kim ngạch XNK năm 2019 gần gấp đôi GDP, nên khi nền kinh tế thế giới đang chững lại hoặc đi vào suy thoái thì vấn đề XNK của Việt Nam sẽ ngưng trệ Trong khi, bạn hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Liên minh Châu Âu, Trung Quốc…, đây đều là những thị trường đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, nên họ phục hồi thì chúng ta mới tăng cường được XNK.

Cũng theo vị chuyên gia này, có một ngành mà chúng ta không thể bỏ qua đó chính là thương mại điện tử (TMĐT). Ngay trong thời điểm hiện tại, TMĐT đang là một phương tiện để trao đổi hàng hóa, đặc biệt là những sản phẩm liên quan đến sinh hoạt thiết yếu của con người. Dịch bệnh lại càng là cơ hội cho TMĐT phát triển rất mạnh.

“Người dân hạn chế đi ra đường thì sẽ chuyển qua mua hàng online, đặt hàng rồi ship để đảm bảo sự an toàn. Thói quen này sẽ dần được hình thành ngay cả khi hết dịch bởi sự nhanh chóng và tiện lợi mà trước không kia nhiều người tiêu dùng chú ý tới”, chuyên gia Hiếu chia sẻ.

Cũng theo ông Hiếu, những ngành cần vốn ít hoặc liên quan tới nhu cầu thiết yếu của con người, doanh nghiệp sẽ là những ngành phục hồi nhanh nhất sau đại dịch.