22/11/2024 | 01:28 GMT+7, Hà Nội

Kinh tế số trong mùa dịch Covid-19: Cần chủ động thay vì bị động

Cập nhật lúc: 26/03/2020, 07:20

Mặc dù trong tình hình khó khăn của dịch bệnh nhưng doanh nghiệp Việt đã khá nhanh nhạy và nắm bắt xu thế khi vận dụng công nghệ số vào kinh doanh nhưng cần phải chủ động hơn nữa.

Hành vi mua bán của người tiêu dùng thay đổi

Đại dịch Covid-19 lan rộng khắp toàn cầu không chỉ ảnh hưởng đến các hoạt động các lĩnh vực và hành vi người tiêu dùng. Sự lây lan virus trở thành vấn đề cấp tính mang tính chất toàn cầu. Người người nhà nhà lo lắng về sức khỏe và giảm tần suất đi đến chỗ công cộng.

Số liệu từ Kantar cho thấy, hành vi mua sắm của người dùng thay đổi nhiều từ khi dịch bệnh khởi phát cho đến nay. Nhiều người chuyển sang mua sắm trực tuyến hơn, góp vào mức tăng trưởng ba chữ số chỉ trong một tháng kể từ khi có thông báo chính thức về dịch bệnh ở Việt Nam. Xu hướng này càng kéo dài hơn khi Chính phủ yêu cầu người dân tránh tụ tập nơi đông người.

Nhiều người chuyển sang mua sắm trực tuyến để tránh tiếp xúc 

Còn theo báo cáo của công ty đo lường Q&Me, 78% giảm tần suất đi ra ngoài, 80% giảm tần suất giải trí, bạn bè đi chơi, ăn uống hay tụ tập nơi công cộng.

Mặt khác, thời gian sử dụng các phương tiện truyền thông như Internet, TV dần tăng lên. 49% dành nhiều thời gian hơn cho Internet và 45% xem TV nhiều hơn so với trước đây. Đặc biệt, dịch vụ giao thức ăn tại nhà được sử dụng nhiều hơn với 28% người cho biết họ dùng dịch vụ này thường xuyên hơn so với trước đây.

Kỳ vọng thị trường thương mại điện tử phát triển hoàn toàn có thể đạt được khi gần đây rất nhiều các kênh bán hàng online, thậm chí cả những trung tâm thương mại lớn hay các cửa hàng ăn uống, cà phê, thời trang, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng đã đẩy mạnh việc bán hàng qua mạng từ khi dịch bệnh khởi phát. Một số siêu thị đã nhanh chóng đẩy mạnh hợp tác với các trang bán hàng online như Tiki, Shopee, Lazada... và hỗ trợ người tiêu dùng bằng các hình thức khuyến mãi từ 20 - 25% trong suốt tháng 2 kéo dài đến tháng 3.

Thói quen và hành vi của người dùng thay đổi trong thời dịch bệnh. Ảnh: Q&Me

Ghi nhận từ một số nhà bán lẻ cho thấy trong 3 tuần qua, doanh số bán hàng trực tuyến tăng mạnh, trong khi các kênh bán hàng truyền thống lại giảm sút. Tại kênh mua sắm HTVCo.op đã kết nối hàng ngàn thương hiệu Việt chất lượng, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của người Việt. Ngoài những chương trình ưu đãi, giảm giá hàng hóa, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chủ động phòng chống dịch bệnh. Hay tại Tiki, Shopee..., người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua những sản phẩm chăm sóc cá nhân như sữa tắm bảo vệ khỏi vi khuẩn, khăn giấy, nước tẩy giặt... với giá ưu đãi lên đến 40%.

Không chỉ là hoạt động buôn bán mà các lĩnh vực ngành nghề nhanh chóng chuyển hướng sang số hóa. Các trường học nhất loạt giảng dạy online, các công ty linh động cho nhân viên làm qua mạng, các loại hình quảng cáo cũng chuyển hướng từ offline sang online khá nhiều.

Cần điều chỉnh cho phù hợp

Kinh tế số vốn là xu thế của kinh tế thế giới. Qua đợt dịch Covid-19 lại càng có thể nắm bắt cơ hội để phát triển. Có thể coi dịch bệnh Covid-19 như một nhân tố để thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.

Có thể nói, trong tình hình khó khăn của dịch bệnh nhưng doanh nghiệp Việt đã khá nhanh nhạy và nắm bắt xu thế khi vận dụng công nghệ số vào kinh doanh khá thành công.

Về điều này, TS/ Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, Tiền tệ quốc gia nhận xét: “Trong thời kỳ dịch bệnh, các nhóm ngành vận dụng kinh tế số sẽ hạn chế được giao dịch tiếp xúc, không chỉ là buôn bán mà còn trong giáo dục, y tế, rất nhiều lĩnh vực khác. Kinh tế số hiện nay là xu thế, có dịch Covid-19 hay không có dịch thì chúng ta phải đi vào kinh tế số. Có dịch sẽ đẩy chúng ta nhìn thấy thực tế, thôi thúc đi nhanh hơn trước khi thế giới đi trước, nắm được lợi thế”.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đánh giá dịch bệnh chính là cơ hội cho nền tảng số, nếu ứng dụng công nghệ tốt có thể khẳng định giá trị của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại: “Trong thời điểm này, việc khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số và mở rộng sân chơi cho các nền tảng kinh tế số để đẩy nhanh luồng lưu thông của hàng hoá và dịch vụ trong thị trường tự do có thể sẽ mang lại hiệu quả tốt không kém gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng hay gói 30 nghìn tỷ đồng mà Chính phủ vừa tung ra”.

Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng kinh tế số được áp dụng trong các doanh nghiệp Việt cũng cần phải điều chỉnh lại bởi vì: “Nền tảng số đang hoạt động dưới hình thức trung gian kết nối dựa trên nguồn lực về công nghệ chứ không thực sự sở hữu tài sản cố định tham gia vào các hợp đồng. Vậy nên câu hỏi đặt ra nếu hàng hoá/dịch vụ có vấn đề ai là người chịu trách nhiệm, ai là người nộp thuế và cấu trúc như thế nào?”.

Thực tế thì những thị trường lớn như châu Âu, Mỹ cũng không gặp ít khó khăn thử thách khi phải loay hoay điều chỉnh luật cho loại hình kinh doanh mới này. Nền tảng số và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Do đó, ông Tuấn cho rằng cần phải xây dựng một hành lang pháp lý cho những doanh nghiệp thực hiện để hạn chế rủi ro kinh tế.

Ông Tuấn cũng cho rằng các doanh nghiệp nên xem công nghệ là một bước phát triển dài hơi chứ không phải là tạm thời.

 “Phát triển kinh tế số nên là tự thân, chứ không nên chỉ ứng dụng vào thời điểm. Việt Nam có cơ hội và lợi thế là dân số trẻ, doanh nghiệp nhỏ, dễ chuyển mình, dễ thay đổi. Cần hướng đến nó là nền tảng chủ động thay vì bị động", ông Tuấn nói.