25/11/2024 | 01:12 GMT+7, Hà Nội

Sau khủng hoảng Covid-19, kinh tế đêm sẽ “cứu” du lịch Đà Nẵng?

Cập nhật lúc: 05/03/2020, 15:29

Trước Covid-19, ngành du lịch Châu Á cũng từng lâm vào đại khủng hoảng do tác động của SARS và MERS. Tuy nhiên, lịch sử cũng chứng kiến những cuộc hồi sinh thần tốc sau thảm họa dịch bệnh...

Trước Covid-19, ngành du lịch Châu Á cũng từng lâm vào đại khủng hoảng do tác động của SARS và MERS. Tuy nhiên, lịch sử cũng chứng kiến những cuộc hồi sinh thần tốc sau thảm họa dịch bệnh. Trong đó, kinh tế đêm được xem là “cứu cánh”.

Các chuyên gia cho rằng, công thức “hồi sinh” nhanh chóng này hoàn toàn có thể áp dụng cho du lịch Việt Nam, nhất là điểm đến đầy tiềm năng như Đà Nẵng.

“Cần câu cơm” từ kinh tế đêm và bước nhảy vọt hậu dịch bệnh

Năm 2003, trong cơn đại họa của dịch SARS, ngành du lịch Châu Á - Thái Bình Dương mất 12 triệu khách quốc tế. Thái Lan - một trong những cường quốc du lịch, cũng tăng trưởng du lịch ở con số -12,8%. Nhưng chỉ hơn nửa năm sau SARS, du khách quốc tế đã nhộn nhịp trở lại. Thống kê cho thấy, năm 2004, Thái Lan đón tổng cộng 8,29 triệu du khách, tăng 19,4% so với năm 2003.

Sau SARS, du lịch Thái Lan đã chuyển hướng phát triển từ 3S (sun, sea, sex) sang mua sắm, du lịch sức khỏe và khám phá nền văn hóa, ẩm thực độc đáo. Và kinh tế đêm được kỳ vọng sẽ trở thành “cần câu cơm” chính của du lịch Thái Lan.

Thái Lan nhanh chóng tập trung phát triển kinh tế đêm sau đại dịch SARS

Rất nhanh sau đó, theo các tiêu chí này, những thiên đường mua sắm tấp nập về đêm đã hình thành ở mọi khu du lịch. Tại các phố mua sắm đêm, du khách có thể đi spa cao cấp với giá 3.000 baht nhưng cũng có thể tìm được nơi massage chân với giá 300 baht, thưởng thức đồ ăn lạ miệng ở các nhà hàng danh tiếng hoặc trải nghiệm ẩm thực đường phố với những món cực kỳ khoái khẩu...

Bước nhảy vọt tư duy, hướng mũi nhọn vào kinh tế đêm đã khiến du lịch vọt lên chiếm khoảng 20% nền kinh tế nước này trong năm 2019, trong đó doanh thu từ du khách nước ngoài khoảng 12% GDP. Năm 2019, Thái Lan đón 39,8 triệu lượt khách nước ngoài (tương đương hơn một nửa dân số).

Dịch SARS cũng đã gây nên cuộc khủng khoảng lớn cho du lịch Hồng Kông. Công suất phòng tích lũy thấp hơn 20%, 40% các chuyến bay đến Hồng Kông bị hủy, 27.000 lao động trong ngành du lịch bị mất việc… Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, Hồng Kông đã bắt tay ngay vào chiến dịch vực dậy du lịch, với điểm nhấn là đẩy mạnh du lịch đêm.

Đồng hồ điểm 24h, đó chính là giờ “vàng” của du lịch. Khắp thành phố là các quán bar, câu lạc bộ và chợ đêm. Nổi tiếng nhất là Lan Quế Phường (Lan Kwai Fong) – một tụ điểm ăn chơi xuyên đêm nổi tiếng bậc nhất tại xứ Hương Cảng với hơn 100 quán bar, câu lạc bộ, quán cà phê, quầy rượu lớn nhỏ... Phố lên đèn cũng là lúc các trung tâm shopping đủ mọi cấp độ bắt đầu nhộn nhịp.

Kinh tế đêm là “liều thuốc” hữu hiệu để cấp tốc khôi phục du lịch Hồng Kông sau dịch bệnh

Kết quả là Hồng Kông khóa sổ năm 2004 với con số “khổng lồ” 21,36 triệu lượt khách, tăng gần 4,8 triệu lượt so với năm 2002 - ngưỡng cao nhất trước đại dịch SARS. Và sức hút khó cưỡng của du lịch đêm đã đóng góp không nhỏ vào con số 33 tỉ USD thu về từ du lịch mỗi năm của Hồng Kông.

Kinh tế đêm - “cứu cánh” cho du lịch Đà Nẵng?

Nhìn vào Việt Nam, Đà Nẵng đang là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Theo thống kê, tổng thiệt hại của các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú du lịch, vận chuyển đến ngày 14/2 ước tính khoảng 685 tỷ đồng. Tổng lượng khách đến Đà Nẵng trong quý I/2020 ước gần 1,3 triệu lượt, giảm 31,2 % so với cùng kỳ 2019.

Để “phục hồi” nhanh chóng, ngoài việc triển khai chương trình kích cầu du lịch với các gói giảm giá, tăng chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa thị trường khách quốc tế, công thức biến kinh tế đêm trở thành chiếc “cần câu cơm” hậu dịch bệnh từ kinh nghiệm của các cường quốc du lịch châu Á cần được tận dụng triệt để. Bởi các nhà nghiên cứu đã chứng minh, 70% doanh thu du lịch đến từ các hoạt động ban đêm (từ 6h tối đến 6h sáng hôm sau).

Kinh tế ban đêm Đà Nẵng lại càng có thêm cơ hội khi đầu quý II/2020, sẽ có thêm 2 đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng từ Ấn Độ của Vietjet Air với tần suất 4 chuyến/tuần và đường bay trực tiếp đưa khoảng 15.000 khách từ các thành phố miền Trung của Nga đến Đà Nẵng. Số ngày lưu trú của các du khách này trong mỗi chuyến lên tới 13 đêm. Bên cạnh đó, thị trường nội địa sau một thời gian tạm lắng vì dịch được dự báo sẽ sớm “nóng” lại bởi tâm lý và nhu cầu của người dân. Vì vậy, đây là thời điểm phù hợp để Đà Nẵng bắt tay ngay vào việc triển khai một chiến dịch phát triển kinh tế ban đêm bài bản.

Công thức biến kinh tế đêm thành “cần câu cơm” sau dịch bệnh có thể áp dụng hiệu quả ở Đà Nẵng

Ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam nhận định: “Đà Nẵng cần chỉ đạo cho các nhà đầu tư lớn, những khu du lịch trọng điểm nghiên cứu và phát triển sản phẩm du lịch về đêm, từ đó tăng thời gian nghỉ ngơi, sinh hoạt, mua sắm chi tiêu của du khách. Tiếp đó, cần có những cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích về thuế, phí, mặt bằng, sử dụng đất, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư những sản phẩm kinh tế đêm”.

Thực tế, Đà Nẵng đã có kế hoạch triển khai các dự án như phố đi bộ chợ đêm Bạch Đằng, cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi… Song việc phát triển kinh tế đêm cần được đẩy nhanh tiến độ để nắm bắt thời cơ, tranh thủ nguồn lực của các nhà đầu tư lớn với các giải pháp đồng bộ trên 3 nhóm dịch vụ chính: Ẩm thực, Vui chơi giải trí và Mua sắm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Đà Nẵng có nhiều thuận lợi để làm kinh tế đêm khi quy tụ được những “ông lớn” trong lĩnh vực du lịch. Hiện nhiều khu du lịch nổi tiếng như Bà Nà Hills, Sun World Danang Wonders… cũng đang lãng phí khi chưa khai thác được du lịch đêm. Việc đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế đêm ở Đà Nẵng nhất định cần có “nhạc trưởng” là chính quyền thành phố để thu hút, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia, sớm vực dậy ngành du lịch. Công việc này nếu cứ chờ hết dịch mới bắt đầu, có lẽ là quá muộn.