19/01/2025 | 07:13 GMT+7, Hà Nội

Những đứa trẻ...

Cập nhật lúc: 18/07/2018, 08:01

330 bài thi THPT tại Hà Giang đã bị can thiệp kết quả. Đằng sau đó là số phận của 114 học sinh, là sự dàn dựng của ít nhất 114 ông bố bà mẹ và là sự can thiệp của hàng trăm con người, từ những người trực tiếp chấm thi đến các cán bộ quản lý cấp cao hơn.

Thông tin chính thức từ Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) xác nhận đã có sự gian lận ở mức độ cực kỳ nghiêm trọng trong kỳ thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia vừa diễn ra tại Hà Giang.

Cụ thể, kết quả chấm lại bài thi cho thấy đã có tới 330 bài thi bị can thiệp kết quả, trải dài tất cả các môn, đặc biệt là môn Toán với 102 bài thi bị chỉnh sửa điểm. Trong đó, có nhiều bài thi bị cố tình chấm sai tới 8 điểm (điểm chấm thẩm định chỉ đạt 1 điểm nhưng lại bị chỉnh sửa thành 9 điểm trong lần công bố trước đó).

 

Tổng kết lại, 330 bài thi bị chỉnh sửa kết quả này thuộc về 114 thí sinh. Trong đó có những thí sinh được nâng tới xấp xỉ 30 điểm so với kết quả thực tế.

Những con số thực sự đau lòng!

Cũng theo các cơ quan chức năng, bước đầu đã xác định được người có hành vi vi phạm là ông Vũ Ngọc Lương - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang.

Theo thông tin được công bố, sau khi thu bài thi, ông Lương đã can thiệp trực tiếp các bài thi bằng cách chuyển toàn bộ hòm chứa bài thi và máy tính vào phòng riêng và chỉ trong 2 tiếng, ông đã mở khóa, rút bài, tẩy xóa theo đáp án.

Tuy nhiên, thực tế liệu có phải chỉ một mình vị phó phòng kia tự tung tự tác, tự lên kế hoạch can thiệp, tự tay chỉnh sửa bài thi và kết quả 330 bài thi của 114 thí sinh.

 

Thực tế cho thấy, các bài thi luôn được bảo vệ chặt chẽ, những người làm công tác coi thi, chấm thi và giám sát đều được tập huấn kỹ lưỡng nên việc vị phó phòng Khảo thí "một tay che trời" tự ý thay đổi hoàn toàn kết quả của 330 bài thi ở mức độ cực kỳ nghiêm trọng là hoàn toàn không thể. 

Chính vì vậy, khi cơ quan chức năng công bố danh tính vị phó phòng Khảo thí và các thông tin ban đầu về việc ông này là người thực hiện hành vi trên, dư luận không khỏi băn khoăn về việc liệu có sự bao che nào ở đây hay không. 

Cũng cần nói thêm rằng, vụ việc này, không chỉ dừng lại ở 330 bài thi bị làm sai lệch kết quả mà nó còn liên quan đến tương lai của 114 học sinh và gián tiếp gây nhiều hệ lụy đối với các em học sinh khác.

Đối với cá nhân, từ chỗ hoàn toàn vô can, 114 em học sinh sẽ nghiễm nhiên trở thành "tội đồ" trong mắt bạn bè. Việc được cha mẹ sắp xếp can thiệp nâng điểm sẽ khiến các em học sinh ỷ thế gia đình, coi thường việc học, không xem trọng công sức lao động,... 

Còn đối với xã hội, việc các em học sinh vốn có học lực trung bình, kém lại dễ dàng dành hết các vị trí thủ khoa, đứng đầu trong danh sách xét duyệt vào các trường đại học top đầu sẽ gây mất công bằng đối với các em học sinh có năng lực thực sự. 

Không những thế, nếu vụ việc không bị phanh phui và 114 em học sinh này vượt qua "cửa ải" xét điểm vào đại học đang diễn ra, tình trạng "mua điểm" có thể sẽ còn tiếp diễn vì kiến thức của các em gần như là trắng trơn.

Lâu dần, cách hành xử bỏ tiền để giải quyết vấn đề sẽ được "nâng tầm" từ mua điểm lên mua chức, mua quyền,... và kéo theo nhiều tiêu cực nghiêm trọng. 

Hơn nữa, vụ việc cố tình làm sai lệch kết quả thi này được phanh phui trong bối cảnh ngành giáo dục nước nhà đang hứng chịu quá nhiều thông tin tiêu cực, từ chạy trường chạy lớp, trường ma GWIS được cấp phép hoạt động ngang nhiên hàng chục năm, cô giáo bạo hành học sinh,.. khiến niềm tin đối với ngành giáo dục nước nhà vốn đã lung lay lại càng thêm bấp bênh.

Bởi vậy, vụ việc cố tình làm sai lệch kết quả kỳ thi THPT ở Hà Giang không còn là câu chuyện của riêng Hà Giang hay ngành giáo dục. Nó là câu chuyện của cả xã hội, là vấn đề cấp thiết cần được giải quyết để giành lại niềm tin của các bậc phụ huynh, của cả xã hội, vì tương lai của đất nước mà đầu tiên là vì tương lai của chính những đứa trẻ...