19/01/2025 | 12:03 GMT+7, Hà Nội

Những điều chưa biết về phong tục đón Tết của đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật lúc: 06/02/2019, 19:00

Đất nước Việt Nam là nơi tụ hội và lan tỏa của 54 dân tộc. Mỗi dân tộc là mỗi sự đặc trưng cho nét văn hóa của mình. Tết đến, xuân về, hòa chung niềm vui lớn của cả nước, đồng bào thiểu số lại đem những nét tươi mới trong các phong tục cho một mùa xuân nữa lại về trên đất nước ta.

Người Cao Lan và tục dán giấy đỏ

Dân tộc Cao Lan ở Tuyên Quang có tên gọi khác là Sán Chay, Sán Chỉ, Mán, Cao Lan, Hờn Bận, tập trung chủ yếu ở 37 xã thuộc 3 huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Tuyên Quang, như tại làng Mãn Hoá, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương là nơi có đến 100% dân số là dân tộc Cao Lan sinh sống.

Đồng bào Cao Lan ăn Tết Nguyên Đán theo từng họ. Có họ bắt đầu ăn từ chiều 30 tháng Chạp đến hết ngày mùng một, riêng họ Lâm bắt đầu ăn Tết từ chiều ngày mùng một đến hết ngày mùng hai tháng Giêng.

Ngày 30 Tết, các gia đình chuẩn bị ăn tết thì phải quét dọn nhà của sạch sẽ. Đàn ông trong gia đình có nhiệm vụ quan trọng là cắt hoa giấy đỏ để dán lên ban thờ, chuồng gà cây cối xung quanh nhà để mừng tuổi mới cho chúng.

Từ nhà ra đến chuồng gà ngày 30 Tết đều được khoác áo đỏ đón giao thừa (ảnh đăng trên Vnexpress.net).

Từ nhà ra đến chuồng gà ngày 30 Tết đều được khoác áo đỏ đón giao thừa. (Ảnh: Vnexpress.net).

Ngoài ra, theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ tượng trưng cho một năm mới tốt lành, niềm vui trong cuộc sống, một mùa màng bội thu, đồng thời còn mang ý nghĩa tâm linh là sự xua đuổi ma quỷ, cây trồng không bị chim, thú, sâu, bọ phá hoại.

Chính vì thế, vào ngày cuối năm, khắp làng bản người Cao Lan được điểm những sắc đỏ rực rỡ.

Đón giọng gà của dân tộc Pu Péo

Người dân tộc Pu Péo sinh sống ở Hà Giang luôn quan niệm, trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, ai đón giọng gà hay cướp được giọng gà thì sang năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều may mắn, thành đạt, hạnh phúc.

Chính vì vậy, đêm 30 Tết khi giao thừa đến, những chàng trai dân tộc Pu Péo phải canh chừng mấy chú gà trống.

Khi thấy gà vừa vỗ cánh, chuẩn bị gáy là các chàng trai này phải đốt ngay một quả pháo ném vào chuồng gà.

Lũ gà giật mình, nhảy lên thi nhau gáy, ngay lập tức tất cả những người trong gia đình và hàng xóm xung quanh cùng nhau múa hát vang trời để át tiếng gà gáy.

Người H’Mông và tục “vỗ mông tỏ tình”

Đồng bào dân tộc H’Mông ở Trạm Tấu, Yên Bái  Những năm gần đây, bắt đầu đón Tết chung theo lịch của người Kinh.

Tuy vậy, những phong tục, tập quán riêng vẫn được người H’Mông lưu giữ và truyền lại cho đến ngày nay.

vo

Những phong tục, tập quán riêng vẫn được người H’Mông lưu giữ và truyền lại đến ngày nay. (Ảnh minh họa).

Nổi bật nhất trong Tết của người H’Mông ngoài các hoạt động vui chơi như ném peo, thổi khèn, hát giao duyên thì tục “vỗ mông” cũng được coi là nét văn hóa tiêu biểu của người H’Mông.

Vào ngày này, trai gái khắp thôn bản tìm đến nhau hay chọn bạn đời cũng đều bằng tục kỳ lạ này.

Theo đó, khi đi du xuân tại chợ hay dưới chân núi, nếu chàng trai nào ưng ý một cô gái, anh ta sẽ tiến tức vỗ vào mông người đó.

Cô gái được chọn nếu cũng vừa lòng thì sẽ vỗ lại vào mông “đối tác” lần nữa. Cứ thế cả hai sẽ vỗ qua vỗ lại cho đủ 9 lần tức là cả hai bên đã chấp thuận và chỉ còn đợi ngày kết duyên thành vợ chồng.

Người Tây Nguyên và tục “cướp chồng”

Nếu ghé thăm các đồng bào ở Tây Nguyên vào dịp đầu năm, du khách có thể may mắn được chứng kiến ngày hội “cướp chồng” khá nổi tiếng tại đây.

Theo quy luật, từ tháng 1 cho đến tháng 3, mùa “cướp chồng” mới lại bắt đầu ở các bản của người Chu Ru, Cil, Cơ Ho…

Thường thì các nghi thức của tục “cướp chồng” này sẽ diễn ra vào ban đêm.

Khi cô gái thích một chàng trai nào đó, cô ấy sẽ chờ đến tối để mang một chiếc nhẫn đến đeo vào tay chàng trai đó.

Nếu không bằng lòng, anh ta có thể tháo ra và trả lại cho cô gái đó, nhưng cứ sau 7 ngày, cô gái sẽ lại đến để đeo lại nhẫn cho chàng trai. Cứ thế đến khi cô gái nhận được lời đồng ý mới thôi.

Người Pà Thẻn và tục “thờ bát nước lã”

Trên mỗi bàn thời của người Pà Thẻn tại Hà Giang đều có một bát nước lã dùng để thờ cúng quanh năm.

Bát nước này phải luôn được đậy kín vào không bao giờ để cạn hết nước. Phải chờ đến tháng 6, chủ nhà mới được mở chiếc bát ra để cho thêm nước vào.

Vào đêm giao thừa, nhà nào cũng sẽ đóng kín cửa, từ cửa ra vào, cửa sổ, cửa hậu..., cẩn thận cài then vào bịt hết những lỗ hở ra ngoài.

Trong nhà, gia chủ sẽ hạ bát nước xuống để lau chùi sạch sẽ và thay nước mới để chào đón năm mới đến.

Những hành động trên đều phải giữ bí mật trong nhà. Người Pà Thẻn quan niệm, nếu những việc trên bị lộ ra ngoài hoặc ai khác nhìn thấy thì cả gia đình đó năm sau sẽ gặp xui xẻo, làm ăn vất vả, đau ốm liên miên,...

Người Lô Lô và tục “đánh thức gia súc cùng đón Tết”, ăn trộm lấy may

Lô Lô là một trong những dân tộc ít người tại Việt Nam, dân tộc Lô Lô hiện có trên 1.523 người sinh sống ở Hà Giang.

Người Lô Lô ở Hà Giang luôn quan niệm rằng thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì thì năm mới gia đình sẽ gặp điều tốt lành.

Do đó, tối 30 Tết, mỗi gia đình phải đi ăn cắp cái gì đó và phải lấy cho đủ con số 12. Đó là con số ứng với 12 tháng trong năm tới may mắn.

Nếu mới lấy được 2 hoặc 3, 4... tức chưa đủ 12 mà đã bị phát hiện thì bỏ chạy và năm sau, tháng ứng với những con số phải bỏ chạy đó thì phải kiêng kỵ không được làm những công việc lớn do sợ rủi ro.

Cũng vào đêm 30 Tết, tất cả đồng bào Lô Lô đều thức để chờ tiếng gà gáy đầu tiên vang lên trong bản. Theo người dân địa phương, tiếng gà gáy chính là điểm báo hiệu bắt đầu một năm mới.

Lúc đó, chủ nhà sẽ cử người đi đánh thức những con gia súc trong nhà dậy để cùng đón Tết với gia đình.

Đồng thời, một lễ cúng cũng được tổ chức ngay tại nhà của người Lô Lô để cầu chúc sức khỏe, tiền bạc cho cả gia đình. Tại đây, đàn ông được cúng bằng gà trống còn phụ nữ sẽ dùng gà mái để cúng.

Các công cụ lao động thường ngày sẽ được sơn, quét màu vàng hoặc bạc để cầu may, chúng sẽ không được chạm vào trong 3 ngày Tết.