19/01/2025 | 10:17 GMT+7, Hà Nội

Những điều cần lưu ý khi công chứng hợp đồng mua bán nhà đất

Cập nhật lúc: 29/01/2021, 10:36

Dưới đây là những lưu ý quan trọng khi công chứng hợp đồng mua bán nhà đất mà các bên liên quan cần nắm rõ.

Tại sao cần phải công chứng hợp đồng mua bán nhà đất?

Theo quy định của Luật Công chứng 2014, các giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở bắt buộc phải công chứng. Hợp đồng mua bán nhà đất được công chứng cũng sẽ giúp bên mua có đầy đủ cơ sở pháp lý để sang tên, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà. Đây cũng là căn cứ nhằm xác minh và giải quyết khi có tranh chấp xảy ra, góp phần hạn chế các giao dịch nhà đất ảo.

Các trường hợp bắt buộc công chứng trong mua bán nhà đất

Theo điểm a, Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực. Cụ thể, có 3 trường hợp hợp đồng liên quan đến nhà đất phải được công chứng hoặc chứng thực, bao gồm:

- Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng nhà, đất phải được công chứng hoặc chứng thực.

- Các văn bản về thừa kế quyền sử dụng nhà, đất cũng phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của Nhà nước.

- Các hợp đồng giao dịch mua bán nhà, đất liên quan đến việc thực hiện các quyền của người sử dụng nhà, đất sẽ do các tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở trên địa bàn cấp tỉnh nơi có nhà, đất công chứng hoặc UBND cấp xã nơi có nhà, đất chứng thực.

Hồ sơ công chứng hợp đồng mua bán nhà đất

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 40 Luật công chứng 2014, để thực hiện thủ tục công chứng cần phải chuẩn bị những giấy tờ sau:

a) Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;

b) Dự thảo hợp đồng, giao dịch;

c) Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;

d) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;

đ) Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.

Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/nhung-dieu-can-luu-y-khi-cong-chung-hop-dong-mua-ban-nha-dat-298296.html