18/01/2025 | 20:22 GMT+7, Hà Nội

Mua nhà cần những giấy tờ gì khi công chứng?

Cập nhật lúc: 22/09/2020, 15:36

Để mua được 1 căn nhà hay 1 miếng đất ưng ý, sau khi đã lựa chọn và cân nhắc thì bạn cần chuẩn bị một số loại giấy tờ cần thiết. Vậy mua nhà cần những giấy tờ gì?

Để tiến hành thủ tục mua bán nhà đất, bên mua và bên bán cần chuẩn bị một bộ hồ sơ, gồm:

- GCN QSD đất (sổ đỏ);

- Thông báo nộp lệ phí trước bạ

- CMND + Hộ khẩu của bên bán

- Giấy đăng ký kết hôn của bên bán hoặc giấy xác nhận độc thân hoặc văn bản thỏa thuận tài sản riêng chung của vợ chồng

CMND + Hộ khẩu của bạn.

Ngoài ra, đối với thủ tục giao dịch bất động sản là chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) thì bên nhận chuyển nhượng nộp 1 bộ hồ sơ gồm có:

a) Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ

b) Giấy chứng nhận QSDĐ hoặc một trong các loại giấy tờ về QSDĐ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật đất đai (nếu có).

Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ quy định tại điểm a nêu trên phải được lập thành văn bản và có chứng nhận của phòng công chứng hoặc chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất.

Về trình tự, thủ tục mua bán nhà ở bao gồm các bước sau:


Bước 1:

Các bên mua bán đến lập hợp đồng mua bán tại cơ quan công chứng (không phân biệt địa bàn), kèm theo giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở và giấy tờ tùy thân. Hợp đồng có thể được soạn sẵn hoặc do công chứng viên soạn.

Bước 2:

Một trong hai bên nộp hồ sơ mua bán tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện (nếu là cá nhân), cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh (nếu là tổ chức). Trường hợp bán một phần nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở thì phải kèm theo bản vẽ sơ đồ diện tích nhà ở, đất ở có thẩm tra của của cơ quan quản lý nhà ở nếu tại đô thị, có xác nhận của UBND cấp xã nếu tại nông thôn.

Bước 3:

Căn cứ vào hồ sơ, cơ quan quản lý nhà ở sẽ kiểm tra, xác định vị trí thửa đất và gửi cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có).

Bước 4:

Sau khi có thông báo của cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà ở sẽ gửi thông báo nộp thuế để chủ nhà đi nộp nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế.

Bước 5:

Sau khi đã nộp thuế, chủ nhà nộp biên lai thu thuế, lệ phí trước bạ cho cơ quan quản lý nhà ở để nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Như vậy khi hai bên ra phòng công chứng ký tên, lăn tay thì QSDĐ đó vẫn chưa thuộc về bạn, vì đối với tài sản là bất động sản thì việc chuyển quyền sở hữu có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu (khoản 1 Điều 168 BLDS).

Việc thanh toán tiền và phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận nhằm đảm bảo quyền lợi của mình.

Nếu hai bên thỏa thuận bạn phải trả hết tiền và tự làm thủ tục còn lại thì lúc này bạn phải thực hiện nghĩa vụ thuế gồm lệ phí trước bạ (đây là loại phí mà theo quy định của pháp luật bên mua phải chịu), và thuế thu nhập cá nhân (đây là loại thuế mà theo quy định của pháp luật bên bán chịu).