18/04/2024 | 15:05 GMT+7, Hà Nội

Những điểm sáng về kinh tế - xã hội năm 2022

Cập nhật lúc: 05/01/2023, 09:51

Trải qua làn sóng biến động của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của Việt Nam tiếp tục phục hồi và tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực.

Bên cạnh đó, nhiều nhận định, đánh giá cho rằng, sự khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì.

Thành tựu nổi bật

Nền kinh tế Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về đà phục hồi sau đại dịch Covid -19. Ảnh: Phạm Quang Vinh
Nền kinh tế Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về đà phục hồi sau đại dịch Covid -19. Ảnh: Phạm Quang Vinh

Về kinh tế, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 (với tăng trưởng GDP năm 2022 trên 7%).

Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt xấp xỉ gần 674 tỉ USD, ước tính xuất siêu 10,6 tỉ USD, các cân đối lớn được bảo đảm, sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi trong 11 tháng đầu năm 2022.

Nền kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 cũng tăng 0,39% so với tháng trước và tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, nguồn vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022. Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục tăng cao trong 11 tháng năm 2022, cả nước có 137,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với  tổng số lao động đăng ký là 909 nghìn lao động, tăng 30,4% về số doanh nghiệp, và tăng 15,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 40,5%.

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, Nikkei Asia cũng đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về đà phục hồi (đứng thứ 8 thế giới) khi các hoạt động sản xuất tiếp tục được phục hồi và tăng trưởng, các ngành xuất khẩu chủ lực (dệt may, da giày, đồ gỗ...) phục hồi khá, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao trong 11 tháng đầu năm 2022.

Các hoạt động văn hóa-xã hội, thể thao và du lịch của Việt Nam tiếp tục diễn ra sôi động với nhiều sự kiện lớn sau dịch Covid-19. Mở cửa hoạt động hoàn toàn từ ngày 15/3/2022, ngành du lịch Việt Nam đã đón nhận những tín hiệu phục hồi tích cực khi du lịch nội địa đạt 110 triệu lượt khách năm 2022, lượng khách quốc tế vào Việt Nam tiếp tục gia tăng mạnh mẽ.

Năm 2022, tình hình an sinh - xã hội tại Việt Nam không ngừngđược cải thiện khi tỉ lệ thất nghiệp giảm mạnh. Cụ thể trong năm 2022, GDP bình quân đầu người của Việt Nam được dự báo có thể đạt 4,16 nghìn USD.

Với mức dự báo này, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2022 sẽ đứng thứ 4 trong số các nước ASEAN-5 bao gồm Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia. Tính đến ngày 23/11/2022 gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng 3,7 nghìn tỉ đồng, hỗ trợ gần 5,3 triệu lượt lao động tại 122.991 doanh nghiệp.

Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế cũng được triển khai toàn diện và hiệu quả. Quốc phòng, an ninh, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, tổ chức thành công triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022, thu hút hơn 170 công ty, doanh nghiệp quốc phòng đến từ 30 quốc gia trên thế giới và Việt Nam.

Những nhận định khởi sắc

Ngay sau những kết quả tăng trưởng kinh tế vượt trội trong quý III/2022 được công bố, nhiều tổ chức quốc tế cũng nhìn nhận và đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế - xã hội Việt Nam cả năm 2022. Có không ít tờ báo tại Mỹ đã đưa ra những phân tích sâu hơn về lý do tại sao Việt Nam lại trở thành điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế năm nay. 

Cụ thể, trang tin của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có bài “Việt Nam đang đảo ngược xu hướng tăng trưởng yếu của châu Á”. Biểu đồ dự báo tăng trưởng năm 2022 của IMF cho thấy Việt Nam là nền kinh tế duy nhất đã và sẽ có tăng trưởng dương trong cả năm, lạm phát tương đối thấp cũng là một ngoại lệ trong quy luật chung của cả khu vực.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng GDP của Việt Nam đã bứt phá từ mức gần 2,6% vào năm 2021 lên mức dự kiến là 7,5% trong năm 2022. Trong khi đó, lạm phát trung bình cả năm có thể được kiểm soát ở mức 3,8%.

Để đạt được mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022, theo nhận định của các tổ chức quốc tế, đó là nhờ vào sự tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là chính sách điều hành nhanh nhạy của Chính phủ, Nhà nước sau đại dịch như thực hiện nới lỏng quy định về dịch bệnh, chiến lược thích ứng an toàn và tỉ lệ tiêm vaccine vượt trội.

Các chính sách lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng mạnh và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ cũng đã kích thích ngành bán lẻ và du lịch phục hồi.

Trang Bloomberg cũng đồng tình khi cho rằng gói kích thích 15 tỉ USD của Chính phủ và chính sách tiền tệ linh hoạt là nền tảng cho sự hồi phục của Việt Nam.

Chính chiến lược này đã giúp Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh, trở thành điểm đến hấp dẫn với dòng vốn đầu tư nước ngoài, khi tình hình địa chính trị phức tạp và nhiều nước vẫn còn đóng cửa vì dịch Covid-19.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, mặc dù kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng không được chủ quan. Bởi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, đối diện với áp lực điều hành giá, lãi suất, tỉ giá trước xu hướng lạm phát toàn cầu tăng cao và chính sách thắt chặt tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương Mỹ và Châu Âu (hai thị trường xuất khẩu chính chiếm 41% thị phần xuất khẩu của Việt Nam).

Sự ổn định vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn trong nước cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trước xu hướng kinh tế thế giới đang ở thời điểm tăng trưởng chậm lại. Thậm chí một số nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái cục bộ ngắn hạn. Bên cạnh đó là những tác động của biến đổi khí hậu, những căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp.

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, Việt Nam cần có nhiều đột phá thực sự và đồng bộ, thực chất cả về nhận thức và thể chế trong việc tháo gỡ điểm nghẽn về ổn định cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu (nổi bật là xăng, dầu) cho sản xuất, đời sống, nhất là dịp lễ, Tết và đầu năm 2023.

Đồng thời cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường kiểm soát và lành mạnh hóa các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và thị trường tín dụng, thị trường lao động, cũng như trong tái cơ cấu kinh tế và định hướng lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nguồn: https://congly.vn/kinh-doanh/nhung-diem-sang-ve-kinh-te-xa-hoi-nam-2022-498606.html