22/11/2024 | 07:37 GMT+7, Hà Nội

Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 3/2021

Cập nhật lúc: 01/03/2021, 14:21

Từ tháng 3/2021, nhiều quy định mới sẽ có hiệu lực như: Được về hưu trước tuổi nếu làm việc nặng nhọc; Cho người khác “mượn” văn bằng, chứng chỉ bị phạt tới 10 triệu đồng...

8 trường hợp khám, chữa bệnh BHYT đúng tuyến

Thông tư 30/2020 của Bộ Y tế quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2021.

Trong đó, tại Điều 6 Thông tư này, các trường hợp khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đúng tuyến gồm 8 trường hợp cụ thể, bao gồm:

Đến khám, chữa bệnh đúng cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT;

Đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám, chữa bệnh ở các cơ sở cùng tuyến khác trong cùng địa bàn tỉnh.

Người tham gia BHYT trong tình trạng cấp cứu được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào trên phạm vi toàn quốc;

Người tham gia BHYT được chuyển tuyến.

Người tham gia BHYT có giấy tờ chứng minh đang ở tại địa phương khác trong thời gian đi công tác, tạm trú… khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký ban đầu ghi trên thẻ BHYT.

Người có giấy hẹn khám lại trong trường hợp đã được chuyển tuyến.

Người đã hiến bộ phận cơ thể của mình phải điều trị ngay sau khi hiến bộ phận cơ thể.

Trẻ sơ sinh phải điều trị ngay sau khi sinh ra.

8 trường hợp khám, chữa bệnh BHYT đúng tuyến
8 trường hợp khám, chữa bệnh BHYT đúng tuyến

Mượn văn bằng chứng chỉ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng

Nghị định 04/2021 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 10/3 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Nghị định quy định, phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng đối với hành vi gây rối hoặc đe dọa dùng vũ lực ngăn cản người dự thi và người tổ chức thi, thanh tra thi, coi thi, chấm thi, phục vụ thi. Hành vi thông tin sai sự thật về kỳ thi sẽ bị phạt từ 8 - 12 triệu đồng.

Hành vi vào khu vực tổ chức thi, chấm thi khi không được phép; mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi sẽ bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng.

Cũng theo Nghị định 04, việc cho mượn hoặc dùng văn bằng chứng chỉ của người khác sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Người nước ngoài vi phạm một số điều khoản sẽ phải chịu phạt tiền sau đó bị trục xuất.

Được về hưu trước tuổi nếu làm việc nặng nhọc

Thông tư 11/2020 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ có hiệu lực từ 1/3/2021 và ban hành danh mục gần 2.000 công việc được về hưu trước tuổi do nặng nhọc, độc hại…

Tổng cộng, người lao động trong 42 loại ngành nghề được quy định có thể về hưu trước tuổi. Số này chủ yếu thuộc các công việc nặng nhọc, làm việc ở nơi thiếu dưỡng khí, tiếng ồn cao, tiếp xúc hóa chất độc hại, căng thẳng tâm lý, tư thế lao động gò bó… ví dụ như nạo vét cống ngầm, khai thác khoáng sản, nuôi thú dữ, đốt lò, đo đạc địa hình đáy biển…

Thu nhập 2 triệu đồng/tháng thuộc chuẩn nghèo đa chiều

Chính phủ đã ban hành Nghị định 07/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, có hiệu lực từ 15/3/2021.

Tại Nghị định 07/2021, ngoài tiêu chí về thu nhập, Chính phủ quy định thêm tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản để xác định nghèo đa chiều. Số này bao gồm các dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ) là việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.

Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số) sẽ gồm việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

Chuẩn hộ nghèo tại nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Chuẩn nghèo khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

UBND cấp huyện được giao không quá 1ha biển

Theo Nghị định 11/2021 của Chính phủ, UBND cấp huyện được quyền giao không quá 1ha biển trong phạm vi 3 hải lý từ bờ cho cá nhân người Việt Nam để nuôi trồng hải sản. UBND cấp tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao biển trong phạm vi 6 hải lý để tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng.

Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư khai thác, sử dụng tài nguyên biển thuộc thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, trừ các trường hợp giao khu vực biển sử dụng để nhận chìm ở biển, nuôi trồng thủy sản.

Việc giao khu vực biển thông thường có thời hạn không quá 30 năm, mỗi lần gia hạn không quá 20 năm trừ các trường hợp đặc biệt có thể được giao quá 30 năm nhưng không quá thời hạn trong giấy phép đầu tư.

Việc giao biển phải đảm bảo nguyên tắc về quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển và phù hợp với các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên...

Nguồn: https://congluan.vn/nhung-chinh-sach-dang-chu-y-co-hieu-luc-tu-thang-3-2021-post121124.html